Đi tìm phương thuốc đặc trị 'khối u' khủng bố ở châu Âu

Được biết đến như "trái tim của châu Âu", Brussels dễ dàng lôi cuốn những ai từng được đặt chân tới nơi đây với phong cảnh thanh bình và những tòa nhà theo lối kiến trúc tân cổ điển.

Binh sĩ và cảnh sát Bỉ gác tại thủ đô Brussels ngày 25/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng hình ảnh các nhân viên an ninh trang bị vũ trang liên tục tuần tra tại các công viên, sân vận động và các điểm du lịch lại khiến nhiều người thức tỉnh với thực tế rằng chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành tại "lục dịa già" như một "khối u ác tính", khi "trái tim châu Âu" chỉ riêng năm nay đã 2 lần trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ cực đoan.

Trên thực tế, vấn nạn này đang ngày càng trở nên nhức nhối khi tần suất các vụ tấn công khủng bố vẫn tiếp tục tăng dù chính phủ các quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng tăng cường nhiều biện pháp chống khủng bố. Trong 8 tháng đầu năm nay, châu Âu chứng kiến ít nhất 13 vụ tấn công khủng bố khiến ít nhất 58 người thiệt mạng trong khi hơn 300 người khác bị thương tại các quốc gia gồm Bỉ, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
   
Cựu lãnh đạo đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố của Pháp (GIGN) Frederic Gallois (Phê-đê-rích Ga-loa) nhận định nguyên nhân chính gây ra những vấn đề an ninh nhức nhối nằm ở chỗ các đối tượng khủng bố không chủ đích sử dụng những nguồn lực tốn kém để gây ra những hậu quả đặc biệt, mà chúng chỉ muốn gây càng nhiều bất ổn ở những quốc gia mà chúng nhắm tới. Một trong những yếu tố khiến việc phát hiện và ngăn chặn khủng bố trở nên đặc biệt khó khăn, là không giống những vụ tấn công được lên kế hoạch và đầu tư bài bản như vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, các vụ khủng bố tại châu Âu hiện nay hầu hết được thực hiện theo mô tuýp "con sói đơn độc" nhưng có sự chuẩn bị kỹ càng.

Ngoài ra, các đối tượng thực hiện không chỉ là người có "tiền sự" mà còn có cả những công dân bình thường, lý lịch trong sạch, khiến việc điều tra càng trở nên khó khăn hơn. Hay việc sử dụng các phương tiện truyền thông hoặc các công cụ tin tức khi gây án cũng đang gây khó cho các nhà chức trách. Thêm vào đó, do rất nhiều nghi phạm khủng bố tại châu Âu là thế hệ sau của những công dân nhập cư, nên lâu nay giới chức châu Âu hoàn toàn "mất cảnh giác" trước nguy cơ từ các công dân bị cực đoan hóa sau khi tham gia các tổ chức cực đoan tại Trung Đông cũng như những khu vực có chiến sự khác. Europol hiện đang theo dõi sát sao khoảng 5.000 công dân về nước với tư cách một công dân hợp pháp sau khi các tổ chức khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng dần bị triệt phá tại Trung Đông.

Phân tích về nguyên nhân số vụ khủng bố gia tăng, triết gia người Pháp Ruwen Ogien cho rằng các vấn đề xã hội và kinh tế kết hợp với tình hình quốc tế là nguồn gốc nuôi dưỡng những "khối u" này. Theo ông, số vụ khủng bố gia tăng có liên quan tới chính sách can thiệp của các nước châu Âu tại Trung Đông trong tiến trình mở rộng thị trường và tìm kiếm nguồn tài nguyên nhằm thiết lập sức ảnh hưởng tại khu vực này, trong đó biện pháp chống khủng bố được coi là công cụ để thực hiện "chính sách Trung Đông". Việc áp dụng "tiêu chuẩn kép" này của phương Tây khiến chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông không thể bị tiêu diệt. Trong khi đó, tình hình kinh tế sa sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng trong vài năm trở lại đây cũng khiến cho những vấn đề hội nhập của người nhập cư ở châu Âu, vốn đã tồn tại từ lâu nay lại nổi lên và diễn biến phức tạp hơn.

Lúc này, các quốc gia châu Âu cần đối chiếu các chính sách trong và ngoài khu vực để có những điều chỉnh chỉnh phù hợp với thời cuộc, đây được cho là chìa khóa cho sự ổn định lâu dài của "lục địa già".

TTXVN/Báo Tin Tức
Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố
Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố

Ngày 9/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc hội đàm tại Astana với người đồng cấp Kazakhstan Nursultan Nazarbayev để bàn về quan hệ song phương và cuộc chiến chống khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN