Trước tình trạng này, 10 nước Tây Phi đã đưa ra đề xuất đưa hà mã vào danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, trong bối cảnh quần thể loài động vật này đã bị suy giảm nghiêm trọng do khủng hoảng khí hậu, nạn săn bắn trộm và buôn bán ngà.
Hà mã là loài động vật ưa nước có kích thước lớn sống ở các hồ và sông trên vùng hạ Sahara của châu Phi, với số lượng ước tính vào khoảng 115.000 - 130.000 con. Bên cạnh nguyên nhân do hoạt động buôn bán ngà (được lấy từ hàm răng của hà mã) và các bộ phận khác của hà mã gia tăng, loài vật này cũng đang bị đe dọa vì "dân số" sụt giảm và suy thoái môi trường sống cũng như tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Trước thềm Hội nghị các nước thành viên Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ở Panama vào tháng 11 năm nay, 10 quốc gia Tây Phi, trong đó có Togo, Gabon và Mali, đã đề xuất đưa hà mã vào danh sách được bảo vệ cao nhất theo CITES bằng cách liệt kê loài động vật này theo phụ lục I của công ước. Hà mã vốn nằm trong danh sách các loài thuộc phụ lục II, có nghĩa là chúng không nhất thiết bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể rơi vào nguy cơ này nếu hoạt động buôn bán không được quản lý.
Sau đề xuất, Ban Thư ký CITES sẽ đưa ra đánh giá để quyết định liệu hà mã có đáp ứng các tiêu chí của phụ lục I hay không và đưa ra khuyến nghị dựa trên bằng chứng của các chuyên gia. Nếu đề xuất trên được thông qua, điều đó đồng nghĩa là một lệnh cấm hoàn toàn mang tính quốc tế đối với việc buôn bán các bộ phận cơ thể của hà mã để giúp ngăn chặn sự suy giảm số lượng của loài này.
Năm 2016, hà mã được xếp vào nhóm dễ bị tuyệt chủng trong danh sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) với sự suy giảm cục bộ, đặc biệt là ở Tây Phi. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự tồn tại của loài này ở một phần trong số 38 quốc gia châu Phi nơi chúng được tìm thấy. Ước tính có ít nhất 77.579 bộ phận và sản phẩm từ hà mã đã được giao dịch hợp pháp từ năm 2009 đến năm 2018.
Bà Rebecca Lewison, đồng chủ tịch nhóm chuyên gia về hà mã của Ủy ban Vì sự sống còn các loài của IUCN cho biết hà mã đã không được coi là loài cần bảo tồn do mật độ dân số cao. Tuy nhiên, số lượng hà mã đã giảm đáng kể trong 20 năm qua. Mối đe dọa lớn nhất đối với hà mã là mất môi trường sống và suy thoái. Hà mã thông thường dựa vào nước ngọt để tồn tại, và điều đó thường khiến chúng xung đột với các cộng đồng địa phương - những người cũng cần nước ngọt cho nông nghiệp, năng lượng, đánh bắt cá và phát triển cộng đồng dân cư. Xung đột giữa hà mã và con người không may dẫn đến tổn thất cho cả hai bên, cũng như góp phần thúc đẩy hoạt động săn bắn hà mã không được kiểm soát để lấy thịt và ngà được tìm thấy trong răng nanh của hà mã.
Ông Keenan Stears, một nhà sinh thái học của Đại học California Santa Barbara, đã bày tỏ ủng hộ đề xuất trên bởi hà mã đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Theo ông, với những điều kiện thích hợp, số lượng hà mã có thể phục hồi khá nhanh khi có đủ thảm thực vật.
Hà mã là một trong những động vật trên cạn nặng nhất thế giới, con đực có thể nặng tới 1.800 kg. Nếu như voi được săn lùng để lấy ngà, tê giác là mục tiêu bởi những chiếc sừng thì giờ đây, hà mã thường bị lấy đi hàm răng. Không dễ để lấy ngà một con voi và đây cũng là động vật trong danh sách cần được bảo vệ ở khắp thế giới, có quy định xử phạt rõ ràng nếu bị phát hiện lấy ngà voi, mua bán, tiêu thụ.
Trong khi đó, hà mã không nằm trong danh sách ưu tiên bảo tồn của các tổ chức trên thế giới. Chính vì thế, loài vật này ngày càng bị con người săn bắn, giết hại vô tội vạ để lấy đi hàm răng. Buôn bán răng hà mã hợp pháp và bất hợp pháp thường dễ bị bỏ qua hoặc lu mờ so với vấn nạn buôn bán ngà voi và sừng tê giác.