Để sống chung với đại dịch, các nước đặt hy vọng vào vaccine thế hệ mới

Giới chức y tế công cộng tại Mỹ và châu Âu đang hối thúc các hãng dược phẩm phát triển các công cụ tốt hơn để chống lại COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 23/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, mặc dù các loại vaccine hiện hành hiệu quả trong việc ngăn chặn các biến chứng nặng và tử vong ở bệnh nhân, song chúng không có khả năng chống lại sự lây truyền. Thêm vào đó, hiệu quả miễn dịch từ các loại vaccine này vào cơ thể người có xu hướng suy yếu trong vòng vài tháng.

Một số quan chức y tế đặt ra câu hỏi liệu các công ty đã thu được hàng chục tỷ USD từ vaccine COVID-19 thế hệ đầu và kiếm thêm hàng tỷ USD từ các mũi tiêm tăng cường có sẵn sàng đầu tư nghiên cứu để tìm ra loại vaccine có khả năng bảo vệ toàn diện và lâu dài hơn hay không, đặc biệt là trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chóng mặt, gây ra các đợt dịch bùng phát nghiêm trong trở lại ở nhiều nước.

"Thông điệp mà các chính phủ gửi đến các công ty là 'hãy cho chúng tôi nhiều lựa chọn hơn'," một trong những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết.

“Chúng ta phải làm tốt hơn, và để làm được điều đó chúng ta cần hỗ trợ tài chính cho việc nghiên cứu”, Tiến sĩ Larry Corey, một nhà virus học chịu trách nhiệm giám sát các thử nghiệm vaccine COVID được chính phủ Mỹ hậu thuẫn, nhận định.

Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận trị giá lên tới 39,04 tỷ USD đối với hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech để nghiên cứu vaccine điều chỉnh đối phó với các biến thể mới. Các quốc gia thành viên EU cũng bày tỏ sự quan tâm đến các loại vaccine chống được nhiều biến thể.

Liên minh Cải tiến Chuẩn bị cho Bệnh dịch Quốc tế trước đó đã tài trợ cho các nghiên cứu về một số loại vaccine hiện nay, cho hay họ sẽ tiếp tục đầu tư 200 triệu USD để nghiên cứu vaccine thế hệ tiếp theo. Tổ chức này đã trao các khoản tài trợ cho các nhà sản xuất bao gồm DIOSynVax của Vương quốc Anh và MigVax của Israel.

Trong số các nhà sản xuất vaccine COVID-19 lớn của phương Tây, Pfizer và BioNTech là hai hãng dược phẩm đi tiên phong trong việc điều chỉnh lại vaccine.

Cuối tháng 1, hai công ty này đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng mức độ phản ứng của hệ miễn dịch 2.150 người tham gia với loại vaccine nhắm đến biến thể Omicron. Kết quả dự kiến được công bố vào tháng 4.

"Mục tiêu mà chúng tôi muốn đạt được là hiểu rõ khả năng bảo vệ của các loại vaccine này trước biến thể Omicron, cũng như khả năng bảo vệ chéo trước các biến thể đáng lo ngại trước đó. Hiện tại vẫn chưa có sự đồng thuận về yêu cầu tính cấp thiết đối với vaccine nhằm vào biến thể Omicron”, đại diện BioNTech cho hay.

Đạt được thành công lớn với vaccine COVID-19 thế hệ đầu, hãng dược phẩm Moderna cho biết công ty đang thử nghiệm một loại vaccine nhằm vào biến thể Omicron và virus SARS-CoV-2 bản gốc để có thể sẵn sàng ra mắt vào mùa Thu.

Hãng dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh cũng đang làm việc với công nghệ sinh học CureVac của Đức về một loại vaccine kháng đa biến thể virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, công ty này chỉ ra một loại vaccine kết hợp có thể làm gia tăng và trầm trọng hơn các tác dụng phụ có sẵn ở những vaccine hiện hành. Trong trường hợp cắt giảm liều lượng thì mức độ hiệu quả lại không đạt được như kỳ vọng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Giới chuyên gia nhận định về nguy cơ tái nhiễm Omicron
Giới chuyên gia nhận định về nguy cơ tái nhiễm Omicron

Trong thời kỳ đầu đại dịch COVID-19 bùng phát, rất hiếm khi nghe thấy có ai đó mắc bệnh lần thứ hai. Thống kê cho thấy trước tháng 11/2021, Anh chỉ ghi nhận chưa đầy 1% số ca tái nhiễm. Tuy nhiên, điều này đã trở nên phổ biến hơn sau khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Theo đó, số ca tái nhiễm trong năm nay tại Anh đã cao hơn khoảng 10 lần so với thời kỳ đầu của đại dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN