Đau đáu nỗi lòng những gia đình ly tán 68 năm vì chiến tranh Triều Tiên

Bà Lee Keum-seom phải mất 68 năm mới có cơ hội ôm đứa con trai thân yêu một lần nữa.

Chú thích ảnh
Bà Lee Keum-seom chuẩn bị cho cuộc kiểm tra sức khỏe và các quy trình khác trước khi đoàn tụ với con trai. Ảnh: CNN

Lần cuối bà nhìn thấy Sang Chol – đứa con trai 4 tuổi, cùng với chồng là khi họ chạy về phía nam, với hy vọng thoát khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt đang diễn ra.

Trong hàng trăm nghìn người đang tìm cách tháo chạy, bà Lee và con gái đã lạc chồng và con trai Sang Chol.

Họ tiếp tục đi về phía nam, hòa vào dòng người tị nạn vượt qua vùng ranh giới, giờ là Khu vực Phi quân sự chia cắt hai miền. Sau đó, bà Lee mới biết chồng và con trai vẫn còn mắc lại phía Triều Tiên.

Họ nằm trong số hàng chục nghìn người bị chiến tranh chia cắt trên Bán đảo Triều Tiên. Bà Lee, hiện cũng là một trong số ít người có may mắn được chọn để tham gia chương trình đoàn tụ gia đình do chính phủ tổ chức.

Ngày 20/8, cuộc đoàn tụ đầu tiên sau 3 năm bị gián đoạn được tổ chức ở núi Kumgang (Triều Tiên).

Cuộc đoàn tụ nằm trong khuôn khổ cam kết lịch sử mà hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều ký với nhau hồi tháng 4. Có khoảng 57.000 người đủ điều kiện để tham gia chương trình, song chỉ có 0,16%, nghĩa là chỉ có 89 người được tham gia cuộc đoàn tụ lần này.

Bà Lee, hiện đã 92 tuổi, ngậm ngùi nói về chồng và con trai: “Khi tôi sang Hàn Quốc, tôi nhận ra tôi sẽ không bao giờ thấy họ còn sống nữa. Tôi đã từ bỏ việc gặp lại họ”.

Sau một khoảng thời gian đau buồn, khóc suốt năm trời vì nỗi đau không còn gặp lại chồng và người con trai bị chia cắt, bà Lee tái hôn với một người đàn ông – cũng bị chiến tranh chia cắt với vợ và dẫn con gái chạy sang Hàn Quốc.

Hải mảnh ghép dang dở đã tìm thấy nhau, cùng nhau nuôi dưỡng con cái.

Những ký ức về cậu con trai 4 tuổi cũng dần mất trong người mẹ lớn tuổi. Bà Lee cho biết bà chỉ nhớ Sang Chol là một cậu bé ngoan, ít vòi vĩnh.

Cậu bé Sang Chol đã trở thành một ông lão 72 tuổi. Sau khi nhận ra gia đình đã lạc nhau trong cuộc chạy loạn, cha Sang Chol mang con quay trở lại làng. Có rất ít thông tin về cuộc sống của ông Sang Chol ở phía Triều Tiên.

Bà Lee chia sẻ bà không nói lên lời khi biết mình được chọn tham gia cuộc đoàn tụ hôm 20/8.

“Tôi không thể tin được tôi sẽ được gặp lại con trai mình. Sẽ không sao chứ khi tôi có thể ôm con người con trai đã trên 70 tuổi”.

Chú thích ảnh
Chiến dịch sơ tán người dân từ cảng Hungnam tới Pusan. Ảnh: CNN

Ông Hahm Seong-chan cũng là một trong 89 người may mắn được gặp lại người thân trong cuộc đoàn tụ. Lần cuối nhìn thấy em trai, lúc đó em trai ông mới có 6 tuổi. Họ được nuôi dưỡng tại hai quốc gia khác biệt. Ông Halm làm việc cho quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.

“Tôi thường xuyên nghĩ sẽ rất tốt nếu như tôi có thể nhìn thấy em trai chỉ một lần trước khi chết. Khi tôi nhận được điện thoại từ Hội Chữ thập đỏ rằng tôi ở trong nhóm 500 người đầu tiên trong tổng số hơn 50.000 đơn nộp, tôi không nghĩ mình sẽ có tên trong danh sách cuối cùng”, người đàn ông 86 tuổi rưng rưng xúc động.

Ông Halm cho biết ông không hy vọng nhận ra em trai mình, vì tất cả những gì ông nhớ đó là một cậu bé trầm lặng và tốt bụng. “Có lẽ chúng tôi có thể nhận ra nhau vì có chung dòng máu. Thậm chí nếu em ấy không nhớ tôi, em ấy phải nhớ tên tôi, Hahm Seong-chan. Tôi khá lo lắng khi nghĩ về giây phút đó”.

Không giống bà Lee và ông Halm, vẫn còn rất nhiều gia đình mòn mỏi chờ cuộc điện thoại xác nhận được tham gia đoàn tụ.

Chú thích ảnh
Ở tuổi 85, ông Jung Kea-hyun lo sẽ không thể gặp lại em trai trước khi chết. Ảnh: CNN

Ông Jung Kea-hyun, 85 tuổi, đã 21 lần nộp đơn đoàn tụ với em trai. “Tôi thực sự muốn gặp lại họ một lần nữa. Những người khác đã gặp gia đình và họ khóc hết nước hết. Tôi cũng đã khóc”, ông Jung kể lại.

Cứ đến mỗi dịp Tết Chuseok, người dân Triều Tiên và Hàn Quốc thường có tục lệ trở về quê nhà gặp họ hàng và tưởng nhớ tổ tiên. Những đối với ông Jung và những người Triều Tiên khác, dịp lễ tết này là một khoảng thời gian đau lòng. Ông không thể quay trở về quê nhà, và những người thân của ông đang ở bên kia ranh giới liên Triều lại đang ở thế giới khác.

“Gia đình ly tán là một thứ gì vượt ngoài sức tưởng tượng. Điều tôi mong muốn không phải là một cuộc gặp mặt đến rồi đi. Tôi muốn biết ai còn sống. Chỉ là muốn biết liệu họ còn sống hay không, hoặc thậm chí chỉ là trao đổi thư từ thôi cũng được”, ông Jung bày tỏ.

Đối với nhiều gia đình ở cả hai bên biên giới, thời gian không chờ đợi họ.

Hơn 75.000 người nộp đơn tham gia chương trình đã qua đời kể từ khi Hội Chữ thập Đỏ Hàn Quốc và đài truyền hình KBS hợp tác tổ chức chương trình đoàn tụ những năm 1980.

Ông Park Kyung-seo – Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Hàn Quốc cho biết: “Số lượng người được lựa chọn rất ít, tôi thực tâm chia sẻ nỗi thất vọng của những người không được chọn đoàn tụ. Tôi sẽ tìm cách phối hợp với đối tác Triều Tiên để tìm các phương án khác, vẫn còn rất nhiều đang chờ đợi”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Nữ bộ trưởng New Zealand tự đạp xe đến bệnh viện sinh con
Nữ bộ trưởng New Zealand tự đạp xe đến bệnh viện sinh con

Bộ trưởng Phụ nữ của New Zealand – bà Julie Anne Genter - đã tự đạp xe đến bệnh viện để sinh con đầu lòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN