Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Sẽ bắt đầu lại từ đầu?

Những tháng gần đây, dư luận dường như không còn chú ý nhiều đến đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Cựu Tổng thống Donald Trump đã rời nhiệm sở, nhưng những tồn tại, mâu thuẫn vẫn còn nguyên đó.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: Getty Images

Tháng 1/2020, sau nhiều tháng đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo đó, Mỹ vẫn áp mức thuế 25% và 7,5% lần lượt đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 250 tỉ USD và 120 tỉ USD từ Trung Quốc. Thỏa thuận cũng bao gồm điều khoản Trung Quốc tăng nhập khẩu 75 tỉ USD đối với hàng công nghiệp, 50 tỉ USD với mặt hàng năng lượng, 40 tỉ USD hàng nông sản và khoảng 35-40 tỉ USD hàng hóa dịch vụ khác của Mỹ trong hai năm.

Ngay sau khi ký kết, đã xuất hiện đánh giá cho rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ không tồn tại lâu. Nhiều chuyên gia nhìn nhận đây chỉ là một thỏa thuận đình chiến ngắn hạn và sẽ không có việc hai bên sẽ xem xét thỏa thuận giai đoạn hai.

Sự thực có thể đúng như vậy. Truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch mở các cuộc đàm phán thương mại mới với Trung Quốc. Một cách tiếp cận kiểu “làm lại từ đầu” như vậy cho thấy Washington nghi ngờ Bắc Kinh sẽ lựa chọn theo đuổi thực chất thỏa thuận thương mại giai đoạn hai.

Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã điện đàm trực tuyến, thảo luận về khả năng giảm hoặc dỡ bỏ thuế trừng phạt. Tại vòng tiếp xúc đầu tiên kể từ khi bà Katherine được phê chuẩn làm Đại diện thương mại, hai bên trao đổi, đánh giá việc thực thi thỏa thuận giai đoạn một và bày tỏ quan ngại của mình, nhưng cũng đồng thuận xử lý khác biệt thông qua đối thoại.

Sau điện đàm, giới chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết tiếp xúc, trao đổi giữa bà Tai với đối tác Trung Quốc trong tương lai sẽ phụ thuộc vào Bắc Kinh hồi đáp ra sao trước các yêu cầu Mỹ đưa ra tại buổi điện đàm. Phía Mỹ từ chối tiết lộ bước đi tiếp theo, nhưng cho biết bà Tai không tìm kiếm thảo luận thỏa thuận giai đoạn hai.

Chú thích ảnh
Trao đổi thương mại hai chiều Mỹ-Trung 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh bất chấp tác động của đại dịch cũng như mức áp thuế trừng phạt của cả hai bên. Ảnh: Reuters

Đáng lưu ý, trước cuộc gặp này, bà Katherine Tai đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ tìm cách thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc “bằng những công cụ mạnh mẽ”. Theo tờ Wall Street Journal, Mỹ để ngỏ khả năng giữ nguyên thuế trừng phạt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo đúng quy định trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, thậm chí có thể áp thêm thuế để tạo thêm sức ép.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong (Gao Feng) cho rằng giới chức Bắc Kinh đang trong tiến trình thực thi thỏa thuận. Nhưng Trung Quốc cũng cần sự hỗ trợ thỏa đáng của Mỹ để triển khai thỏa thuận. Mức thuế cao được dựng lên từ thời ông Donald Trump là phản tác dụng, ảnh hưởng đến Mỹ trước tiên, kế đến là tác động tiêu cực đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Biden đang đối diện với câu hỏi sẽ giữ lại thỏa thuận với Trung Quốc từ thời ông Trump, hay hủy bỏ hoặc tìm một thỏa thuận khác thay thế. Bắc Kinh trong khi đó vẫn chủ yếu ca ngợi thỏa thuận thương mại cũ, bất chấp những bất đồng gay gắt với Washington trong nhiều vấn đề khác. Trung Quốc đến thời điểm này vẫn khẳng định thỏa thuận giai đoạn một có lợi cho Trung Quốc, cho Mỹ và cho toàn thế giới nếu so với tình cảnh leo thang chiến tranh thương mại.

Điều đó đồng nghĩa với việc hai bên sẽ phải làm lại từ đầu. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ phải tính toán kỹ lưỡng mọi nhân tố liên quan. Một mặt, tổng giá trị trao đổi thương mại hai chiều vẫn tăng ngay ở thời điểm hai bên còn bất đồng, khác biệt, nền kinh tế toàn cầu suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19.

Trao đổi hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái – theo số liệu cập nhật của hải quan Trung Quốc. Tổng kim ngạch ngoại thương đạt 543 tỉ USD và có thể cán mốc 700 tỉ USD trong năm nay. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 32,9%, còn nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Mỹ tăng 43,5% so với cùng kỳ.

Mặt khác, cần nhận thấy rằng khủng hoảng năng lượng hiện nay đã tác động mạnh tới các nhà sản xuất tại Trung Quốc và vì thế lan sang lĩnh vực thương mại. Washington vẫn thực hiện chiến lược gây sức ép với Bắc Kinh về thương mại và công nghệ. Đó là lý do tại sao cả Mỹ và Trung Quốc đều chọn cách thể hiện cứng rắn bề ngoài, mà thực chất đằng sau đó là mục tiêu hướng đến thỏa hiệp và một kết quả chấp nhận được cho cả hai bên.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo The International Affairs, Bloomberg)
Quan chức thương mại Mỹ - Trung đánh giá thực thi Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1
Quan chức thương mại Mỹ - Trung đánh giá thực thi Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1

Rạng sáng 9/10 (giờ Việt Nam), Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trao đổi về quan hệ thương mại Mỹ - Trung. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN