Đàm phán thương mại EU-Ukraine-Nga thất bại

Cuộc đàm phán thương mại giữa Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine diễn ra ngày 21/12 ở thủ đô Brussels của Bỉ đã thất bại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ hai, trái), Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (thứ hai, phải) tại cuộc gặp bốn bên bàn về giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng Ukraine tại Paris, Pháp ngày 2/10. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại Cecilia Malmström đã xác nhận thông tin này. Phát biểu sau cuộc họp được coi là "cơ hội cuối cùng" với Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkine và Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexey Ulyukaev, bà Malmström cho biết: "Không đạt được thỏa thuận, tài khóa này đã kết thúc. Sẽ không có các cuộc đàm phán tay ba kiểu này nữa".

Bà Malmström nói thêm: "Chúng tôi đã gần tìm ra một số giải pháp, song hôm nay (21/12) phía Nga thiếu sự linh động".

Cuộc đàm phán trên đổ vỡ trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU cùng ngày đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, sau khi các lệnh trừng phạt hiện hành hết hiệu lực vào cuối tháng 1/2016.

Thông báo của EU cho biết 28 quốc gia thành viên của khối này đưa ra quyết định trên sau khi nhận thấy Thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chưa được thực thi một cách toàn diện trước cuối năm 2015 như yêu cầu.

Thông báo nêu rõ lệnh trừng phạt Nga sẽ kéo dài thêm 6 tháng (đến ngày 31/7/2016) và chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực như tài chính, dầu mỏ và các lĩnh vực quân sự cũng như các cá nhân cụ thể. Trong thời gian áp dụng lệnh trừng phạt này, EU sẽ tiếp tục đánh giá sát sao tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk.

Phản ứng trước quyết định trên của EU, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày tuyên bố việc kéo dài trừng phạt chống Moskva sẽ càng khuyến khích Kiev vi phạm các điều khoản trong Thỏa thuận Minsk.

TTXVN/Tin Tức
Nga áp dụng các biện pháp đáp trả kinh tế với Ukraine
Nga áp dụng các biện pháp đáp trả kinh tế với Ukraine

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thông báo đã ký quyết định áp dụng quy chế tối huệ quốc (MFN) thay vì hiệp định khu vực thương mại tự do với Ukraine, cũng như áp dụng các biện pháp đáp trả kinh tế đối với nước láng giềng này từ đầu năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN