Đàm phán diễn ra trong bối cảnh Sudan đang hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 4/2023 giữa quân đội Chính phủ Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).
Người phát ngôn của phái bộ Mỹ tại Geneva xác nhận cuộc đàm phán đã bắt đầu theo đúng kế hoạch kể cả khi không có sự tham dự của đại diện Chính phủ Sudan. Các cuộc đàm phán có thể kéo dài tới 10 ngày, với hình thức họp kín tại địa điểm không được tiết lộ ở Thụy Sĩ. Các cuộc đàm phán do Saudi Arabia và Thụy Sĩ đồng tổ chức, và Liên minh châu Phi (AU), Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Liên hợp quốc (LHQ) đóng vai trò là nhóm điều hướng.
Trong khi RSF nhất trí tham gia các cuộc đàm phán thì Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) không hài lòng với định dạng đàm phán do Washington sắp xếp. Trước khi đàm phán diễn ra, Bộ trưởng Truyền thông Sudan Graham Abdelkader cho biết chính phủ nước này không chấp nhận có thêm quan sát viên hoặc bên tham gia mới sau khi Washington thông báo UAE tham gia với tư cách là quan sát viên.
Quân đội Sudan nhiều lần cáo buộc UAE ủng hộ RSF. Tuy nhiên, Đặc phái viên Mỹ tại Sudan Tom Perriello tuyên bố việc Ai Cập và UAE tham gia vào quá trình đàm phán sẽ đóng vai trò quan trọng, bởi hai quốc gia này có thể trở thành những nước bảo lãnh cho việc thực thi thỏa thuận.
Không có SAF, các bên tham dự khác vẫn thực hiện đúng kế hoạch để thúc đẩy chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán.
Đến nay, giao tranh đã khiến khoảng 20% dân số Sudan phải rời bỏ nhà cửa, trong khi hàng chục nghìn người đã thiệt mạng. Hơn 25 triệu người trên khắp đất nước - tương ứng hơn 50% dân số - đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.