Đài tưởng niệm nạn diệt chủng tại Rwanda trở thành di sản thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực châu Phi, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 20/9 cho biết 4 đài tưởng niệm nạn diệt chủng người Tutsi ở Rwanda, trong đó ít nhất 800.000 người đã thiệt mạng, đã trở thành di sản thế giới của UNESCO.

Chú thích ảnh
Ngọn lửa hy vọng tại đài tưởng niệm nạn diệt chủng Gisozi ở Kigali, Rwanda, ngày 7/4/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trên trang mạng xã hội X (trước đây là Twitter), UNESCO cho biết: "Dòng chữ mới trong Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Các địa điểm tưởng niệm nạn diệt chủng: Nyamata, Murambi, Gisozi và Bisesero”. 4 địa điểm này kỷ niệm các vụ thảm sát đẫm máu tại Rwanda trong hơn một trăm ngày từ tháng 4 đến tháng 7/1994, nhắm vào nhóm dân tộc Tutsi và cả những người Hutus ôn hòa.

Nằm trên Đồi Gisozi cách trung tâm thủ đô Kigali vài km, Đài tưởng niệm Diệt chủng, được xây dựng vào năm 1999 và khánh thành năm 2004, là một trong khoảng 200 địa điểm tưởng niệm nằm rải rác trên "đất nước ngàn ngọn đồi". Địa điểm này đáng chú ý là nơi lưu giữ hài cốt của 250.000 người được tìm thấy trên đường phố, nhà cửa, mộ tập thể và sông Kigali cũng như khu vực xung quanh.

Trong bảo tàng theo dấu lịch sử của Rwanda, du khách sẽ có cơ hội xem những tủ trưng bày đầu lâu, mảnh xương, quần áo rách nát, hình ảnh những xác chết chất đống, chân dung các nạn nhân và cả vũ khí thô sơ bao gồm dao rựa, dùi cui, súng trường, được những kẻ diệt chủng sử dụng.

Các địa điểm khác được UNESCO xếp loại là hiện trường của một số vụ giết người đẫm máu nhất trong cuộc diệt chủng. Tại nhà thờ Nyamata, cách Kigali khoảng 40 km về phía Nam, 50.000 người trú ẩn ở đó đã bị thảm sát chỉ trong một ngày.

Chú thích ảnh
Đài tưởng niệm nạn diệt chủng ở Bisesero, Rwanda, ngày 2/12/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

UNESCO tuyên bố trên trang web của mình rằng tòa nhà đã được biến "thành một đại diện tưởng niệm của các nhà thờ khác, nơi các nạn nhân của nạn diệt chủng đã chết".

Trên đồi Murambi, cách Kigali khoảng 150 km về phía Tây Nam, vào tháng 4/1994, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang Rwanda trước đây đã kêu gọi người dân Tutsi tập hợp lại tại một nhóm trường kỹ thuật đang được xây dựng với lý do đảm bảo an ninh cho họ trước khi tàn sát họ. Theo thống kê, khoảng 45.000 đến 50.000 người đã chết ở đó.

Địa điểm Bisesero đặc biệt lưu giữ những dấu tích về cuộc kháng chiến do người Tutsi lãnh đạo bằng giáo, dao rựa và gậy chống lại bọn diệt chủng đã sát hại hàng trăm người trên các ngọn đồi của vùng này ở phía Tây đất nước. Vụ thảm sát Bisesero là một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất của nạn diệt chủng.

Hồi tháng 6 vừa qua, tòa án tại Pháp đã khởi động lại cuộc điều tra về khiếu nại của một số hiệp hội, trong đó cáo buộc các lực lượng của phái bộ nhân đạo-quân sự Pháp Turquoise, từ ngày 27-30/6/1994, đã cố tình bỏ rơi thường dân Tutsi đang trú ẩn trên những ngọn đồi ở Bisesero và cho phép cuộc thảm sát hàng trăm người trong số họ diễn ra.

Hồng Minh  (TTXVN)
Nghi phạm diệt chủng Rwanda hầu tòa lần hai
Nghi phạm diệt chủng Rwanda hầu tòa lần hai

Ngày 2/6, nghi phạm Fulgence Kayishema bị truy nã gắt gao nhất liên quan đến nạn diệt chủng ở Rwanda đã ra hầu tòa lần thứ hai tại thành phố Cape Town, Nam Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN