Nghị quyết do Liechtenstein đề xuất được gần 100 nước ủng hộ và bảo trợ, trong đó có Mỹ, một trong 5 nước ủy viên thường trực HĐBA, trước khi được đưa ra Đại hội đồng lấy ý kiến. Một trong những điểm cốt lõi của nghị quyết này là Đại hội đồng sẽ có quyền họp phiên toàn thể thảo luận về vấn đề mà một hay nhiều nước ủy viên thường trực HĐBA sử dụng quyền phủ quyết để cản trở HĐBA ra nghị quyết liên quan. Phiên họp đó của Đại hội đồng sẽ được tiến hành trong vòng 10 ngày kể từ khi quyền phủ quyết được đưa ra.
Mặc dù không thay đổi được quyền phủ quyết của các nước ủy viên thường trực HĐBA nhưng nghị quyết này được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch của HĐBA và buộc các nước có quyền phủ quyết phải thận trọng hơn khi sử dụng tới quyền lực này.
Kể từ năm 1946 tới nay, quyền phủ quyết của ủy viên thường trực HĐBA đã được sử dụng 295 lần, trong đó Nga là nước sử dụng quyền này nhiều nhất với 143 lần. Trong cơ chế hiện nay của LHQ, chỉ cần một trong 5 nước ủy viên thường trực HĐBA dùng tới quyền phủ quyết thì HĐBA không thể ra được quyết sách gì cho dù đối với vấn đề khẩn cấp.