Đại học Columbia ở New York, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Quyền Hiệu trưởng Đại học Columbia Claire Shipman cho biết thỏa thuận này đánh dấu bước tiến quan trọng sau một thời gian chịu sự giám sát liên tục của chính quyền liên bang và tình trạng bất ổn về mặt thể chế.
Tháng 3 vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump cho biết sẽ hủy bỏ khoản tài trợ 400 triệu USD cho Đại học Columbia, cáo buộc trường học này "không hành động trước tình trạng quấy rối liên tục đối với các sinh viên Do Thái". Đại học Columbia sau đó đã đồng ý với danh sách các yêu cầu của chính quyền liên bang.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 23/7, trường đại học này cho biết theo thỏa thuận, phần lớn các khoản tài trợ của liên bang đã bị chấm dứt hoặc tạm dừng vào tháng 3/2025, cũng như quyền tiếp cận hàng tỷ USD tiền tài trợ hiện tại và trong tương lai của trường Đại học Columbia sẽ được khôi phục.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nhắm tới Đại học Columbia và nhiều trường đại học khác vì các cuộc biểu tình của sinh viên phản đối cuộc xung đột ở Dải Gaza, điều mà một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa cho là bài Do Thái.Trong khi đó, một trường đại học lớn khác thuộc khối Ivy League (nhóm các trường đại học hàng đầu ở Mỹ) là Đại học Harvard đã kiện chính quyền Mỹ vì đe dọa cắt giảm tài trợ và vụ kiện vẫn đang chờ xử lý.
Trong tuyên bố ngày 23/7, Đại học Columbia nêu rõ: "Mặc dù không thừa nhận hành vi sai trái trong thỏa thuận trên, nhưng các nhà lãnh đạo của trường đại học này đã nhiều lần thừa nhận rằng các sinh viên và giảng viên Do Thái đã trải qua những sự cố gây đau đớn, không thể chấp nhận được và cuộc cải cách đã, đang là điều cần thiết".
Khoản tiền 200 triệu USD, được gọi là khoản tiền dàn xếp của Đại học Columbia, sẽ được trả cho Chính phủ Mỹ trong vòng 3 năm. Ngoài ra, trường đại học này cũng sẽ trả 21 triệu USD để dàn xếp các cuộc điều tra của Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng của Mỹ.