Phát biểu trong buổi họp với nhân viên Bộ Ngoại giao Iran, Đại giáo chủ Khamenei nhấn mạnh việc Mỹ bất đồng với khả năng hạt nhân và làm giàu hạt nhân của Iran, cũng như vai trò của Iran trong khu vực là biểu hiện của sự thù địch. Đại giáo chủ Iran khẳng định: "không thể tin tưởng vào những tuyên bố của Mỹ và thậm chí chữ ký của họ, do đó, đàm phán là vô ích" đồng thời khẳng định sự hiện diện trong khu vực là nền tảng cho sức mạnh và an ninh của Iran và là chính sách chiến lược.
Ngoài ra, Đại giáo chủ Khamenei cũng nhận định: "Các cuộc đàm phán với châu Âu không nên bị cắt đứt" song Iran không nên đợi quá lâu cho gói biện pháp của châu Âu mà thay vào đó phải xử lý các công việc trong nước.
Trước phát biểu của Khamenei, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (Mô-ha-mát Gia-vát Da-ríp) cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã lập một kế hoạch toàn diện nhằm mở rộng quan hệ kinh tế với các nước láng giềng cũng như các quốc gia khác.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran vốn đã được dỡ bỏ trước đó. Quyết định đơn phương trên đã vấp phải sự phản đối của các bên tham gia ký kết JCPOA cũng như cộng đồng thế giới.
Liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Iran, mới đây, hàng loạt cựu quan chức và quan chức đương nhiệm Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tiến hành một chiến dịch nhằm làm xói mòn sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo Iran, kích động sự bất ổn và gây sức ép buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân.
Theo các nguồn tin, chiến dịch đã được tăng cường sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và các cường quốc, với sự hỗ trợ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Theo đó, chiến dịch truyền thông này nhằm bôi xấu hình ảnh các nhà lãnh đạo Iran và một số thời điểm còn sử dụng những thông tin phóng đại hoặc trái ngược với các tuyên bố chính thức.
Các quan chức đưa ra một loạt các kênh truyền thông chính của chiến dịch này là trang Twitter của Bộ Ngoại giao Mỹ bằng tiếng Farsi, ngôn ngữ chính thức của Iran, và trang mạng ShareAmerica, với chuyên mục "Chống Chủ nghĩa Bạo lực Cực đoan" chuyên phân tích vấn đề Iran. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng trực tiếp chỉ trích Iran trong một loạt các bài đăng và phát biểu trên truyền thông xã hội.
Theo các quan chức, một số thông tin Mỹ đưa ra là không đầy đủ hoặc bị bóp méo. Trong một phát biểu ngày 21/5, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố các lãnh đạo Iran không sử dụng các quỹ không bị phong tỏa cho người dân mà sử dụng để gây ra các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và tham nhũng.
Tuy nhiên, theo một bản chứng nhận công bố hồi tháng 3 tại một ủy ban Thượng viện Mỹ, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ Robert Ashley cho biết chi phí cho xã hội và kinh tế vẫn là ưu tiên trong tương lai gần của Tehran dù nước này có tăng ngân sách cho lực lượng an ninh. Các chuyên gia cũng cho rằng chính quyền phóng đại quá mức sự thân cận giữa Iran và phiến quân Taliban ở Afghanistan cũng như al-Qaeda. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định mục tiêu của Washington không phải là "thay đổi thế chế" mà là thay đổi trong cách ứng xử của Chính phủ Iran.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về chiến dịch này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chưa bình luận gì về sự chính xác của những thông tin công bố.