Đại dịch COVID-19 và tình trạng ấm lên toàn cầu làm gia tăng nợ xấu quốc gia của các nước

Trong khi đại dịch COVID-19 được cho là sẽ khiến các quốc gia phải gánh thêm các món nợ chưa từng có thì biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa khiến nợ xấu xảy ra trên toàn cầu.

Chú thích ảnh
Các trận sạt lở đất và lũ quét thường xảy ra trên toàn Indonesia trong mùa mưa. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Để ngăn chặn kịch bản Trái Đất ấm lên gây nhiều thiệt hại nặng nề hơn, các quốc gia phải cam kết cắt giảm khí thải carbon. Các bước thực hiện kế hoạch này sẽ đắt đỏ và có thể chồng chất thêm gánh nặng nợ nần trên toàn thế giới. Nhà quản lý tài sản Janus Henderson ước tính nợ công toàn cầu đã gia tăng lên mức 62.500 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Khi các trận lũ lụt và cháy rừng càn quét thế giới, các mức ước tính thiệt hại do tình trạng ấm lên toàn cầu gây ra với mỗi nền kinh tế là khác nhau. Tuy nhiên, đầu năm nay, Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Mỹ (BofA) công bố báo cáo ước tính nợ công toàn cầu sẽ dao động trong khoảng từ 54.000-69.000 tỷ USD vào năm 2100, khi toàn bộ giá trị nền kinh tế toàn cầu ở mức 80.000 tỷ USD.

Nghiên cứu của FTSE Russell cảnh báo các hậu quả tài chính của tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ bộc lộ chỉ trong chưa đầy một thập kỷ tới. Đồng tác giả nghiên cứu  Julien Moussavi cho rằng một số quốc gia sẽ sớm bị hạ mức xếp hạng tín dụng do tác động của khí hậu. Trong kịch bản xấu nhất, các quốc gia đang phát triển như Malaysia, Nam Phi, Mexico và cả những nền kinh tế giàu có như Italy sẽ rơi vào tình trạng không thể trả nợ vào năm 2050. Trong kịch bản khác, khi các chính phủ ban đầu còn phản ứng chậm, các quốc gia như Australia, Ba Lan, Nhật Bản và Israel sẽ có nguy cơ không thể trả nợ và bị hạ xếp hạng tín dụng.

Các nghiên cứu cũng đều chỉ ra không chỉ các quốc gia đang phát triển mới chịu tác động mạnh hơn của các tình trạng như nước biển dâng và hạn hán mà các nước giàu có hơn cũng sẽ không thoát khỏi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu của nhóm các trường đại học, trong đó có Cambridge, kết luận rằng có 63 quốc gia, gồm hơn 30 quốc gia được các hãng như S&P Global, Moody’s và Fitch xếp hạng tín dụng, sẽ bị hạ mức xếp hạng vào năm 2030 mà lý do có liên quan tới biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu chỉ ra các quốc gia như Trung Quốc, Chile, Malaysia và Mexico có thể sẽ chịu tác động mạnh nhất với mức xếp hạng tín dụng có thể tụt đến 6 bậc vào cuối thế kỷ này. Trong khi các nước như Mỹ, Đức, Canada, Australia, Ấn Độ và Peru cũng có thể bị giảm 4 bậc.

Trên thực tế, các quốc gia phát triển đang tăng tốc chi tiêu cho các kế hoạch nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Đức tạo quỹ phục hồi trị giá 30 tỷ euro sau đợt lũ lụt lịch sử gần đây. Singapore cũng để dành 72 tỷ USD ngân sách để ứng phó với tình trạng nước biển dâng trong thế kỷ tới. Với các nền kinh tế mới nổi, vốn đang chật vật vì COVID-19, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ khiến áp lực càng lớn hơn.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính với  các quốc gia đang phát triển, chi phí để ứng phó với biến đổi khí hậu thường liên sẽ lên mức 300 tỷ USD vào năm 2030 và tăng lên 500 tỷ USD vào năm 2050.

Lê Ánh (TTXVN)
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ ở mức 6%, tương đương với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN