Với tiêu đề "Tình trạng phổ cập dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại châu Phi", báo cáo nêu rõ chỉ 48% dân số châu lục này, tương đương khoảng 615 triệu người, có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng trong bối cảnh nhiều nước vật lộn với những tác động tiêu cực của đại dịch, trong đó có việc giảm thu nhập.
Ông Githinji Gitahi, Giám đốc điều hành (CEO) tổ chức phi lợi nhuận Amref Health Africa, cho biết đại dịch đã làm bộc lộ những lỗ hổng trong hệ thống y tế toàn cầu và của châu Phi, đồng thời đây cũng là ví dụ điển hình cho thấy cần nhanh chóng đạt được UHC. Ông cũng chỉ rõ báo cáo được xem là lời cảnh tỉnh để các chính phủ, các nhà tài trợ chuyển các nguồn lực bổ sung cho chương trình chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người.
CEO của tổ chức Amref Health Africa nhấn mạnh báo cáo này sẽ cung cấp một lộ trình thực tế, qua đó chỉ dẫn các nước châu Phi trong hành trình tiến tới UHC và tăng cường hợp tác đa phương trên khắp lục địa, để các nước có thể chuyển lời nói thành hành động thực tế.
Theo báo cáo trên, di sản từ chế độ thuộc địa, các chính sách lỗi thời, việc áp dụng công nghệ thấp, nghèo đói và gánh nặng bệnh tật gia tăng đang làm chệch hướng nỗ lực đảm bảo tất cả người dân châu Phi có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Báo cáo nhấn mạnh trong giai đoạn 2015-2019, chỉ 49% phụ nữ và trẻ em gái châu Phi được tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại, do vậy, việc cải cách chính sách, thiện chí chính trị, sự đổi mới và đầu tư mạnh mẽ là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ đạt được các mục tiêu sức khỏe cho tất cả mọi người ở châu lục này.
Báo cáo trên do một ủy ban của AHAIC gồm 19 thành viên thực hiện nhằm ghi lại những tiến bộ mà các nước châu Phi đã đạt được hướng tới các mục tiêu về sức khỏe cho tất cả mọi người.