Cựu Tổng thống Pháp đề xuất giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine

Cựu Tổng thống Sarkozy cho rằng Ukraine không phù hợp với EU, phải duy trì "trung lập", đồng thời kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm một “sự thỏa hiệp”, nếu không mọi thứ có thể trở nên tồi tệ “bất cứ lúc nào”. 

Chú thích ảnh
cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: EPA

Ukraine và Nga nên tìm kiếm một thỏa hiệp để chấm dứt xung đột và "tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý được quốc tế công nhận về việc liệu các vùng lãnh thổ hiện đang bị chiếm đóng có nằm dưới sự kiểm soát của Moskva hay không", cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mới đây đề xuất.

Ông Sarkozy, người là Tổng thống Pháp từ năm 2007-2012 và trong khi nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU năm 2008 đã nổ ra cuộc xung đột Gruzia, nói với tờ Le Figaro trong một cuộc phỏng vấn rằng EU nên “làm rõ chiến lược [của mình]” liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông Sarkozy cũng kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm một “sự thỏa hiệp”, nếu không mọi thứ có thể trở nên tồi tệ “bất cứ lúc nào”.

Ukraine nên "trung lập"

Trở lại năm 2008, khi xảy ra cuộc chiến ở Gruzia, cựu Tổng thống Sarkozy cho biết ông đã “thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin rút quân khỏi Tbilisi” trong khi vẫn tính đến “lằn ranh đỏ” của Moskva.

“Chúng tôi [ông Sarkozy và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel] đã nỗ lực phản đối việc Ukraine và Gruzia gia nhập NATO, bất chấp áp lực của Mỹ. 15 năm trôi qua nhanh và Nga không thay đổi. Người Nga là người Slav. Họ khác với chúng tôi [nhưng] chúng tôi cần họ, và họ cần chúng tôi”, ông Sarkozy nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp. 

Theo ông Sarkozy, đầu tiên và quan trọng nhất, đối với ông, điều này có nghĩa là “Ukraine không được gia nhập EU".

“Ukraine là cầu nối giữa phương Tây và Nga [và] phải duy trì như vậy. Do đó tư cách ứng cử viên EU của quốc gia này tốt nhất là không nên", ông Sarkozy lưu ý, so sánh quá trình này với các cuộc đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập EU đã kéo dài nhiều năm và vẫn rơi vào bế tắc.

Ông Sarkozy cũng nói với Le Figaro rằng nguyên tắc trung lập này cần đi kèm với “một thỏa thuận quốc tế đảm bảo an ninh mạnh mẽ, để bảo vệ [Ukraine] khỏi những rủi ro của một cuộc tấn công khác”.

Trong khi đó, Pháp ngày 21/8 đã kêu gọi Trung Quốc thuyết phục Nga chấm dứt xung đột ở Ukraine. Cụ thể, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc điện đàm rằng Bắc Kinh "cần làm mọi thứ có thể để thuyết phục Nga chấm dứt xung đột với Ukraine và tăng cường an ninh lương thực toàn cầu".

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm cấp cao, bà Colonna “nhắc lại rằng Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Nga chấm dứt [cuộc xung đột] và tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Trong khi từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moskva và duy trì “hợp tác kinh tế bình thường với Nga”, Bắc Kinh cho biết họ đã sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euractiv.com)
Tại sao phương Tây tăng lưu trữ khí đốt ở Ukraine, bất chấp rủi ro do xung đột?
Tại sao phương Tây tăng lưu trữ khí đốt ở Ukraine, bất chấp rủi ro do xung đột?

Các công ty đa quốc gia từ phương Tây đang bơm khí đốt tự nhiên vào các bể chứa của Ukraine, hy vọng xung đột không làm gián đoạn lợi nhuận tiềm năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN