Cựu quan chức NATO dự đoán cách ông Trump giải quyết xung đột Ukraine

Ông James Stavridis - cựu Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu - cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể buộc Kiev từ bỏ yêu sách đối với các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland (Mỹ) ngày 24/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

“Tôi nghĩ ông Trump sẽ gây áp lực lên cả hai bên để ngồi vào bàn đàm phán”, ông Stavridis nhận định trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNN. Trong trường hợp này, ông Stavridis nói rằng Nga sẽ giữ các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của nước này.

Ông Stavridis nói thêm rằng con đường tự do gia nhập NATO của Ukraine sẽ được mở ra và Ukraine sẽ được NATO chấp thuận trong vòng 3 đến 5 năm.

“Đó không phải là kết quả tồi tệ nhất trên thế giới. Tôi nghĩ đó có thể là cách mọi chuyện kết thúc”, ông kết luận.

Trước đó, cố vấn cấp cao trong chiến dịch của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông Bryan Lanza cho biết nhiệm kỳ thứ hai ông Trump sẽ tập trung vào việc đạt được hòa bình ở Ukraine thay vì giúp Kiev lấy lại toàn bộ lãnh thổ đã mất vào tay Nga. Ông Lanza, một chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa và đã làm việc trong các chiến dịch tranh cử của ông Trump từ năm 2016, đã đưa ra nhận xét trên với BBC hôm 9/11.

Ông Lanza cho rằng mục tiêu của Kiev về việc đẩy lực lượng Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine là phi thực tế. Ông đặc biệt đề cập đến bán đảo Crimea, đã sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Ông không nhắc đến 4 vùng lãnh thổ trước đây của Ukraine mà Nga đã sáp nhập vào năm 2022.

“Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng họ sẽ chỉ dừng cuộc chiến này, sẽ chỉ có hòa bình khi Crimea được trả lại. Chúng tôi có tin cho ông Zelensky: Crimea đã không còn là của họ”, ông Lanza nói.

Về phần mình, Chính quyền của Tổng thống Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga. Ông Zelensky tuyên bố vấn đề lãnh thổ của Ukraine phải do người dân nước này quyết định.

Bà Shelby Magid, Phó giám đốc Trung tâm Á - Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, nói với Bloomberg rằng chiến thắng của ông Trump đã thay đổi thái độ của Ukraine đối với các cuộc đàm phán. Bà nói thêm rằng khi biết ông Trump giành chiến thắng, nước này đang tiến triển theo hướng chấp nhận rằng các cuộc đàm phán là hiện thực.

Về khả năng giải quyết xung đột Ukraine, tờ Wall Street Journal đưa tin một trong những kế hoạch đang được cân nhắc bao gồm Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tương lai gần và “đóng băng” cuộc xung đột dọc theo tuyến đầu hiện tại. Trong khi ông Zelensky đã loại trừ mọi nhượng bộ đối với Nga, bao gồm cả “giao dịch” lãnh thổ, truyền thông Ukraine cho rằng ông Trump có thể bất lực trong việc chống lại áp lực của Mỹ, nếu ông quyết định rằng Kiev phải đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.

Về phần mình, Nga đã loại trừ khả năng đóng băng xung đột. Moskva nhấn mạnh nước này phải đạt được tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự ở nước láng giềng - bao gồm cả sự trung lập của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này. Tuy nhiên, Nga đã ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo TASS, RT)
 EU lo gặp khó khăn trong duy trì hỗ trợ Ukraine khi ông Trump trở lại Nhà Trắng
EU lo gặp khó khăn trong duy trì hỗ trợ Ukraine khi ông Trump trở lại Nhà Trắng

Theo Bloomberg ngày 9/11, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với tình thế khó khăn khi phải cân nhắc khả năng duy trì hỗ trợ cho Ukraine khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và có thể cắt giảm viện trợ cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN