Bê bối nghe lén của chính phủ Mỹ:

"Cuộc tấn công Hiến pháp kinh hoàng"

Các tờ báo lớn của Anh và Mỹ ngày 6/6 đồng loạt đưa tin Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã kết nối trực tiếp và bí mật vào các máy chủ của 9 tập đoàn Internet khổng lồ để "lục lọi" các đoạn video, ảnh và thư điện tử của người dùng. Theo các tờ báo này, hành động do thám trên của Mỹ nằm trong khuôn khổ một chương trình gọi là PRISM của NSA.

 

Ai cũng có thể bị theo dõi


Chương trình PRISM cho phép NSA và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) theo dõi các hoạt động trên mạng của từng cá nhân bằng cách phân tích dữ liệu âm thanh, video, hình ảnh, thư điện tử và lịch sử kết nối Internet. Chương trình này được thành lập từ năm 2007 dưới thời Tổng thống George Bush và quy mô đã "phồng to" theo cấp số nhân, đến mức nó trở thành nguồn cung cấp thông tin chủ yếu cho bản tin tình báo tối mật mà Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận được hàng ngày.


 

NSA theo dõi các hoạt động trên mạng của từng cá nhân.

 

Chín tập đoàn có máy chủ bị kết nối với NSA gồm Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Apple, PalTalk, AOL, Skype và YouTube - những công ty mạng quản lý thông tin của hàng tỷ người trên thế giới. Thông tin trên được tiết lộ bởi một nhân viên tình báo chuyên nghiệp - người được tiếp cận trực tiếp với các hệ thống do thám và thấy “hoảng sợ” trước nguy cơ của chúng. Nhân viên giấu tên này nói: "Theo nghĩa đen, chúng gần như có thể theo dõi quá trình bạn hình thành suy nghĩ khi bạn gõ trên bàn phím".


Trước đó, trong một vụ riêng biệt, tờ The Guardian của Anh ngày 5/6 tiết lộ rằng, theo một lệnh của tòa án, công ty viễn thông Verizon của Mỹ đã bị yêu cầu phải liên tục nộp một báo cáo hàng ngày ghi lại toàn bộ các cuộc gọi viễn thông và di động của khách hàng, cả các cuộc liên lạc trong nước Mỹ và giữa nước Mỹ với các nước khác. Hiện chưa rõ liệu chương trình này chỉ nhằm vào những đối tượng tình nghi cụ thể hay là thu thập dữ liệu trên diện rộng của tất cả người Mỹ.


Theo các chuyên gia tình báo, chính phủ Mỹ dù không nghe trực tiếp các cuộc điện thoại nói trên nhưng sẽ tìm kiếm những dấu hiệu của khủng bố. Họ cho rằng các công ty điện thoại khác cũng bị yêu cầu tương tự như Verizon.


Hầu hết các tập đoàn đều phủ nhận mở "cửa sau" cho các cơ quan tình báo Mỹ. Phát ngôn viên của hãng Apple, Steve Dowling, khẳng định: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe tới chương trình PRISM. Chúng tôi không cung cấp cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào đường tiếp cận trực tiếp tới các máy chủ của chúng tôi". Ông Joe Sullivan, người phụ trách an ninh của Facebook, cũng khẳng định điều tương tự. Trong khi đó, Google và Microsoft nói họ chỉ tiết lộ những gì hợp pháp.

 

Chính phủ Mỹ "bênh" PRISM


Phản ứng trước tin báo chí đưa, Nhà Trắng nói rằng người Mỹ không bị do thám nhưng cũng không phủ nhận sự tồn tại của chương trình PRISM và coi đây là "công cụ quan trọng" để ngăn chặn khủng bố. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ giải thích rằng, chương trình chỉ nhằm vào người không phải là công dân Mỹ ở bên ngoài nước Mỹ và nó mới được quốc hội Mỹ cho phép hoạt động lại. Hơn nữa, PRISM còn chịu sự giám sát chặt chẽ.


Ông James Clapper, Giám đốc tình báo quốc gia, kịch liệt chỉ trích người đã tiết lộ thông tin về PRISM cho báo chí, cho rằng tiết lộ này có thể gây tổn hại lâu dài và không thể sửa chữa được đối với khả năng phản ứng trước các mối đe dọa của nước Mỹ. Ông nói thêm rằng thông tin trên báo chí về chương trình này có nhiều điểm sai và đã bỏ lọt điều quan trọng. Đó là PRISM sẽ được đánh giá lại 3 tháng/lần, không được chọn bừa dữ liệu điện thoại và chỉ được phép chất vấn khi có nghi ngờ hợp lý.


Trong khi một số nghị sĩ ca ngợi tính hiệu quả của chương trình thì số khác, nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, cho rằng thu thập thông tin chi tiết về các cuộc gọi của người Mỹ là sự xâm phạm trái phép vào cuộc sống riêng tư. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul gọi PRISM là "cuộc tấn công Hiến pháp kinh hoàng".


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN