Cuộc sống tủi nhục của những ‘góa phụ hổ’ ở miền quê Bangladesh

Bị con cái bỏ rơi, hàng xóm xa lánh và xem như phù thủy, bà Mosammat Rashida thực sự chẳng mắc tội lỗi gì ngoại trừ việc chồng bà bị một con hổ Bengal vồ chết. 

Những người phụ nữ giống bà đều bị tẩy chay tại các ngôi làng nông thôn ở quốc gia Nam Á Bangladesh, nơi họ bị coi là nguyên nhân khiến chồng phải chết thảm. “Các con trai tôi nói tôi là một mụ phù thủy đen đủi”, bà Rashida trả lời phóng viên hãng AFP trong ngôi nhà ván ọp ẹp ở làng Gabura nằm bên rìa rừng đước Sundarbans rộng lớn. Chồng bà bị hổ tấn công trong lúc vào rừng tìm mật ong. 

Ông Monirul Khan, chuyên gia về hổ Bengal tại Đại học Jahangirnagar cho biết: “Các thợ săn mật ong chủ yếu đi kiếm mật ở phía Tây Nam rừng Sundarbans, nơi có nhiều hổ sinh sống nhất”. 

Chú thích ảnh
"Góa phụ hổ" Mosammat Rashida. Ảnh: AFP

Hổ là loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Biến đổi khí hậu cùng với sự phát triển của con người đã làm hạn chế môi trường sống hoang dã của chúng, buộc chúng phải tràn xuống những ngôi làng để tìm kiếm thức ăn. Các tổ chức bảo vệ động vật ước tính có khoảng 100 con hổ sống trong rừng Sundarbans của Bangladesh. 

Theo tổ chức từ thiện Ledars Bangladesh, trong giai đoạn năm 2001 – 2011, ít nhất 519 người đàn ông ở cùng một khu vực có khoảng nửa triệu dân này đã bị hổ tấn công và mất mạng. Cái chết của họ là "nỗi đau kép" với những người phụ nữ ở lại. Vừa gánh chịu nỗi đau mất chồng, sau một đêm, họ trở thành các “góa phụ hổ” bị gia đình và cộng đồng ruồng bỏ vào đúng thời điểm cần đến sự động viên nhất. 

Mang đến vận rủi

Bà Rashida rất đau lòng song không bất ngờ khi hai cậu con trai trưởng thành đã 24 và 27 tuổi, bỏ rơi bà cùng hai đứa em nhỏ. “Chúng vẫn là một phần của xã hội này”, người phụ nữ 45 tuổi lau nước mắt khi nói về hai đứa con út còn ngây dại. 

Căn nhà dựng bằng ván gỗ nhỏ bé của bà bị bão cuốn bay mất mái, nhưng bà chẳng hề nhận được bất kỳ hỗ trợ nào của hàng xóm hay chính quyền. Bà phải căng một tấm bạt cũ lên để che mưa, nắng. 
Ngay kế bên, anh Mohammad Hossain đang sửa lại mái nhà của gia đình mình. Anh thú nhận rằng vợ dặn không được nói chuyện với bà Rashida. “Điều đó có thể đe dọa sự an toàn của gia đình tôi cũng như đem đến vận rủi”, người thợ săn mật ong 31 tuổi nói. 

Người đứng đầu tổ chức từ thiện Ledars Bangladesh, ông Mohon Kumar Mondal cho hay sự đối xử tệ bạc đối với “góa phụ hổ” đã lan rộng khắp các cộng đồng dân cư cổ hủ. Để khôi phục lại cuộc sống bình thường cho những người phụ nữ có chồng bị hổ vồ chết, theo ông, thách thức lớn nhất chính là thay đổi quan niệm của người dân. 

“Thay đổi này đang diễn ra rất chậm. Nhưng tôi muốn nói là có tiến triển”, ông Mondal lưu ý là thế hệ dân làng trẻ hơn, được giáo dục đầy đủ hơn đã bớt sợ hãi các “góa phụ hổ”.  

Tiếp tục sống

Chú thích ảnh
Bà Rijia Khatun. Ảnh: AFP

Bà Rijia Khatun, người phải học cách sống cùng sự hắt hủi của dân làng sau khi chồng bắt bị hổ sát hại 15 năm trước, đã bí mật nhận được sự hỗ trợ từ cậu cháu trai. “Các con tôi còn nhỏ nhưng chẳng có ai muốn giúp đỡ. Ban đầu tôi cảm thấy thật tồi tệ khi mọi người đổ lỗi cho tôi về cái chết của chồng mình. Nhưng giờ đây tôi đã học được cách sống chung với điều đó”, bà tâm sự. 

Anh Yaad Ali, cháu trai của bà Khatun, từng chứng kiến vài vụ hổ tấn công người, nói thêm rằng mặc dù muốn giúp đỡ dì nhưng anh không thể làm công khai vì sợ bị tẩy chay lây. 

Săn mật ong từ lâu được coi là một công việc dễ tiếp cận hơn đối với những người dân làng không đủ khả năng mua máy móc hoặc tàu thuyền để theo nghề đánh bắt cá. Tuy vậy, nỗi sợ hãi bị thú dữ tấn công cùng hậu quả để lại cho các bà vợ đã khiến ngày càng nhiều đàn ông chọn sang nghề khác. 

Anh Harun ur Rashid, có cha bị hổ giết chết, cho biết anh muốn làm ngư dân, bất chấp việc nhiều thế hệ trong gia đình làm nghề săn mật ong. Thanh niên 21 tuổi này cho biết: “Mẹ tôi không muốn tôi có kết cục giống cha mình. Và tôi muốn sống sót để chăm sóc mẹ bởi bà vốn đã phải chịu đựng nhiều nỗi tủi nhục sau khi cha tôi chết”. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Những phụ nữ thầm lặng trong cuộc chiến chống virus Corona ở Trung Quốc
Những phụ nữ thầm lặng trong cuộc chiến chống virus Corona ở Trung Quốc

Cùng với các đồng nghiệp nam, hàng nghìn phụ nữ Trung Quốc với nghị lực mạnh mẽ, tận tâm và chuyên nghiệp đã cống hiến sức mình đảm bảo an toàn cho người dân trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN