Cuộc sống người dân Libi khốn đốn

Liên quân tiếp tục dội bom xuống Libi, người dân Libi tiếp tục thiệt mạng hoặc chạy loạn. NATO ngày 25/3 đã nhất trí nhận vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự nhằm thực hiện vùng cấm bay tại Libi theo Nghị quyết 1973 của LHQ. Tuy nhiên, các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên bộ ở Libi vẫn do liên quân Mỹ - Anh - Pháp thực hiện.

Dân thường lãnh hậu quả

Ngày 25/3, người phát ngôn chính phủ Libi Mussa Ibrahim cho biết, khoảng 100 dân thường đã thiệt mạng sau gần một tuần liên quân tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Libi. Đài truyền hình quốc gia Libi cũng đưa tin “nhiều địa điểm quân sự và dân sự ở thủ đô Tripôli và Tajura” đã trở thành mục tiêu của tên lửa tầm xa.

Người dân Libi dự đám tang những người thiệt mạng trong các vụ oanh tạc của liên quân tại nghĩa trang Al hanshir ở Tripôli ngày 24/3. Ảnh: AFP-TTXVN


Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng ngày cho biết, khoảng 340.000 người đã chạy khỏi Libi để lánh nạn và khoảng 9.000 người khác vẫn đang bị mắc kẹt. Nguy cơ một thảm họa nhân đạo lớn đang cận kề với người dân Libi khi chiến sự ngày càng khốc liệt và giá cả tăng mạnh. Theo số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới, giá lương thực tại đất nước này đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài tuần qua.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 25/3 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận về chiến dịch tại Libi và các vấn đề khu vực khác, trong đó nêu bật sự cần thiết phải tránh gây ra thương vong cho dân thường trong chiến dịch dội bom của liên quân ở Libi. Tuyên bố của Điện Cremli nêu rõ: “Tổng thống Nga đã đặc biệt lưu ý đến sự cần thiết phải tránh gây ra thương vong cho dân thường cũng như ưu tiên đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết số 1973 của HĐBA LHQ đặt ra”. Trước đó, Tổng thống Medvedev đã bày tỏ quan ngại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khi thăm Nga về việc các cường quốc nước ngoài sử dụng vũ lực “bữa bãi” ở Libi. Trung Quốc cùng ngày cũng kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức nhằm tránh gây thêm thương vong cho dân thường Libi. Đại diện thường trực Trung Quốc tại LHQ Lí Bảo Đông cho rằng, nghị quyết của LHQ là nhằm bảo vệ dân thường, không phải để gây ra một thảm họa nhân đạo lớn hơn.

Liên quan tới vấn đề này, Tướng Carter Ham, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, tuyên bố liên quân “không thể đảm bảo” không có dân thường thiệt mạng trong các đợt ném bom tại Libi, nhưng đang cố gắng thực hiện một cách “hết sức chính xác”. Ông Ham cũng khẳng định, các trận địa phòng không của Libi “cơ bản không còn tồn tại” sau những cuộc không kích của liên quân và liên quân đang chuyển mục tiêu tấn công lực lượng của chính phủ Libi.

Trong khi đó, liên quân tiếp tục mở các cuộc không kích mới nhằm vào Libi trong đêm 24/3 và ngày 25/3. Phó Đô đốc William Gortney, một chỉ huy trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay đợt tấn công này được thực hiện bằng cả máy bay tiêm kích và tên lửa từ tàu chiến. Theo ông Gortney, 14 quả tên lửa hành trình Tomahawk đã tấn công các trận địa phòng không của Libi, trong khi máy bay tiêm kích tiếp tục oanh tạc các địa điểm bố trí tên lửa phòng không, thông tin liên lạc, các trung tâm chỉ huy và kho vũ khí của nước này. Phóng viên hãng AFP (Pháp) dẫn lời nhân chứng cho biết đã có ít nhất 3 tiếng nổ lớn làm rung chuyển thủ đô Tripôli và ngoại ô phía đông của Tajura, nơi có nhiều căn cứ quân sự của chính phủ Libi.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/3 đã thông qua quyết định chấp thuận cho quân đội nước này tham gia chiến dịch hải quân của NATO ở ngoài khơi Libi nhằm thực thi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với quốc gia Bắc Phi này. Theo quyết định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cử 1 tàu ngầm, 4 tàu khu trục và 1 tàu hỗ trợ tham gia sứ mệnh ở ngoài khơi Libi. Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cam kết sẽ “đóng góp” vào chiến dịch Bình minh Odyssey của liên quân tại Libi 12 máy bay chiến đấu.

NATO tiếp quản quyền chỉ huy liên quân

Ngày 25/3, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen cho biết sau nhiều ngày tranh luận, NATO đã nhất trí nhận chỉ huy chiến dịch quân sự nhằm thực hiện vùng cấm bay tại Libi theo Nghị quyết 1973 của LHQ. Tuy nhiên, ông Rasmussen nói rằng các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên bộ ở Libi vẫn do liên quân Mỹ - Anh - Pháp thực hiện. Ông Rasmussen đồng thời khẳng định, NATO sẽ không hành động vượt quá khuôn khổ của vùng cấm bay, nhưng vẫn có thể hành động để tự vệ. Theo Tổng thư ký NATO, các cuộc thương lượng vẫn đang được tiếp tục về việc tạo cho NATO vai trò lớn hơn, nhưng vẫn “chưa có quyết định”; tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để tránh xung đột.

Trước đó, một nguồn tin ngoại giao giấu tên tiết lộ, NATO sẽ đảm nhận quyền chỉ huy liên quân chống Libi từ ngày 28 hoặc 29/3. Các quan chức NATO cho biết, quyết định về việc liệu NATO có mở rộng nhiệm vụ cho phép chỉ huy mọi chiến dịch quân sự và tấn công vào các mục tiêu trên bộ hay không, dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 27/3. Hoạt động triển khai vùng cấm bay của NATO dự kiến sẽ được tiến hành trong vòng 48 tới 72 giờ nữa.

Phát ngôn viên Jay Carney của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/3 đã bày tỏ tin tưởng Mỹ có thể sẽ chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch quân sự chống Libi trong những ngày tới. Theo Phó Đô đốc Gortney, sau khi Oasinhtơn chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch không kích tại Libi cho NATO, Mỹ có thể vẫn tiến hành các nhiệm vụ không kích.

Thủ tướng Anh David Cameron cùng ngày hoan nghênh quyết định của NATO là một “bước tiến có ý nghĩa” trong việc gia tăng các nỗ lực quốc tế nhằm thực thi nghị quyết 1973 của LHQ. Ngoại trưởng Anh William Hague còn hy vọng, trong vài ngày tới, NATO sẽ chấp thuận nắm quyền chỉ huy toàn bộ hoạt động quân sự của liên quân ở Libi.

Mịt mờ giải pháp

Ngày 25/3, một phái đoàn cấp cao gồm 5 thành viên của chính phủ Libi ngày 25/2 đã tham dự cuộc họp về cuộc khủng hoảng ở Libi do Liên minh châu Phi (AU) tổ chức tại thủ đô Ađi Abêba của Êtiôpia, theo lời mời của Chủ tịch Ủy ban AU Jean Ping. Tham dự cuộc họp này còn có các đại diện của LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arập (AL) và Đại hội Hồi giáo. Ông Jean Ping cho biết, cuộc họp này là cơ hội để các bên trao đổi quan điểm nhằm nhanh chóng đi đến một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Libi.

Ngày 24/3, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York(Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp về tình hình hiện thời ở Libi. Ảnh: AFP-TTXVN


Cùng ngày, HĐBA LHQ đã tổ chức phiên họp đặc biệt lần thứ ba trong tuần này để nghe và thảo luận báo cáo mới nhất của Tổng Thư ký Ban Ki-moon về diễn biến tình hình ở Libi sau khi liên minh phương Tây mở các cuộc tấn công quân sự vào Libi theo Nghị quyết 1973 của hội đồng về thiết lập vùng cấm bay ở nước này. Phát biểu với báo giới trước phiên họp, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh vùng cấm bay và chiến dịch quân sự đa quốc gia cần phải tiếp tục cho đến khi chính phủ của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi chấm dứt mọi cuộc tấn công nhằm vào phe đối lập. Chiến dịch quân sự hiện nay do phương Tây tiến hành sẽ không hạn chế và không có giới hạn. Tổng thư ký LHQ cũng nói rằng chiến dịch quân sự quốc tế hiện nay ở Libi sẽ thành công và nhấn mạnh, ông không tin chiến dịch này sẽ dẫn đến sa lầy về quân sự. Ông Ban Ki-moon đồng thời kêu gọi tất cả các bên ở Libi ngừng bắn.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 25/3 tuyên bố, Pháp và Anh đã sẵn sàng đưa ra một đề xuất về giải pháp cho vấn đề Libi, không chỉ về mặt quân sự mà cả ngoại giao và chính trị, tại cuộc họp của đại diện các nước tham gia liên quân ở Luân Đôn vào ngày 29/3.

Cũng trong ngày 25/3, Italia đã thông qua nghị quyết chủ yếu tập trung vào 2 nội dung chính: Thứ nhất, NATO cần phải nắm quyền chỉ huy mọi hành động can thiệp quân sự. Thứ hai, nghị quyết yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) phải thông qua biện pháp tiếp cận về chia sẻ gánh nặng trong vấn đề người nhập cư, theo đó thực hiện các biện pháp phối hợp tuần tra ở Địa Trung Hải, chia sẻ phí tổn tài chính và tái phân bổ người nhập cư tại các nước thành viên. Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải đưa ra các sáng kiến “xây dựng hòa bình” nhằm đảm bảo tương lai cho Libi bằng cách thực hiện bất kỳ hành động chính trị và ngoại giao nào nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ở Libi. Hiện Italia đã cung cấp 7 căn cứ quân sự và 8 máy bay chiến đấu để sử dụng trong chiến dịch Bình minh Odyssey. Theo các quyết định mới đây của NATO, Italia sẽ sử dụng lực lượng hải quân của mình để giám sát lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt đối với Libi.

Minh Hạnh

Tổng thống Nga, Mỹ thảo luận về chiến sự tại Libi
Tổng thống Nga, Mỹ thảo luận về chiến sự tại Libi

Theo một thông báo từ Điện Cremli, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 25/3 (giờ Việt Nam) đã nhấn mạnh với người đồng cấp Mỹ Barack Obama rằng phải tránh gây ra thương vong cho dân thường trong chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân ở Libi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN