Bộ Thương mại Mỹ mới đây thông báo sẽ áp đặt mức thuế 8,59% đối với hầu hết các nhà sản xuất gỗ xẻ của Canada, giảm mạnh so với mức thuế 17,91% hiện tại và cũng thấp hơn nhiều so với mức 11,64% được đề xuất đầu năm nay. Tuy nhiên, các mức thuế này chưa đủ để xoa dịu sự thất vọng của Canada.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế của Canada, bà Mary Ng nhận định rằng các khoản thuế này là phi lý cho dù ở mức độ nào và sẽ gây khó khăn lớn đối với cả ngành lâm nghiệp của Canada và người tiêu dùng Mỹ. Bà cho biết Ottawa sẽ chính thức phản đối theo hệ thống giải quyết tranh chấp của Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Bà Mary Ng đánh giá các mức thuế mới là “vô căn cứ”, “không chính đáng” và “không công bằng”. Tuy nhiên, bà vẫn để ngỏ khả năng giải quyết tranh chấp đã kéo dài nhiều năm này. Bà Ng nhấn mạnh:“Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng một giải pháp thương lượng cho vấn đề thương mại đã tồn tại từ lâu này là vì lợi ích tốt nhất của cả hai nước và chúng tôi hoan nghênh một cuộc đối thoại cởi mở với Mỹ về mục tiêu này”.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Mỹ sẵn sàng đối thoại với điều kiện Canada phải giải quyết chế độ thu phí ở cấp tỉnh mà các nhà sản xuất Mỹ lâu nay phàn nàn rằng đã mang lại cho các nhà sản xuất Canada một lợi thế không công bằng. Mỹ và Canada áp dụng các hệ thống khác nhau để tính phí chặt cây. Ở phần lớn các khu vực của Canada, người mua phải trả phí cho chính quyền các tỉnh để có quyền khai thác. Cốt lõi khiếu nại của Mỹ đối với xuất khẩu gỗ xẻ của Canada là mức phí trên quá thấp, để sau đó gỗ được bán phá giá vào thị trường Mỹ.
"Cuộc chiến" gỗ xẻ giữa Canada và Mỹ đã kéo dài từ năm 1982. Thỏa thuận gỗ mềm Canada - Mỹ năm 2006 đã hết hạn vào tháng 10/2015. Trong vòng tranh chấp thương mại mới nhất, các nhà sản xuất Canada đã nộp thuế gỗ xẻ kể từ tháng 4/2017.
Chủ tịch Hội đồng Thương mại gỗ xẻ tỉnh British Columbia Susan Yurkovich cho biết do các nhà sản xuất Mỹ vẫn không thể đáp ứng nhu cầu trong nước, các mức thuế này tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát ở cả hai nước.
Theo số liệu chính thức của Chính phủ Canada, nước này xuất khẩu gỗ xẻ mềm trị giá khoảng 8 tỷ CAD (6,2 tỷ USD) ra thị trường thế giới mỗi năm và Mỹ là khách hàng mua đơn lẻ lớn nhất. Không phải tất cả các sản phẩm gỗ của Canada bị áp mức thuế giống nhau vì Mỹ cáo buộc các công ty Canada được trợ cấp ở các mức khác nhau.