Cuba, tấm gương phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả - Kỳ 1

Tháng 4 và tháng 5 năm nay, quốc đảo Caribe xinh đẹp này phát hiện 270 ca nghi nhiếm sốt xuất huyết và ra báo động về khả năng bùng phát thành dịch trên toàn quốc nhưng chỉ tới cuối tháng 6, thời điểm bắt đầu mủa cao điểm du lịch nội địa của Cuba, mối đe dọa này đã được thanh toán hoàn toàn.

KẺ THÙ "TRUYỀN KIẾP" AEDES AEGYPTI: PHÒNG HƠN CHỐNG

Từ đầu tháng 4/2015 cho tới 6/2016, khi thế giới và đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh lao đao vì dịch Zika bùng phát từ Brasil, Cuba – cho dù nằm giữa các nước có số bệnh nhân cao – chỉ có 30 trường hợp nhiễm bệnh, nhưng tất cả đều là các ca lây nhiễm từ bên ngoài, không có trường hợp lây nhiễm trong nước và cũng không có ca tử vong nào. Tháng 4 và tháng 5 năm nay, quốc đảo Caribe xinh đẹp này phát hiện 270 ca nghi nhiếm sốt xuất huyết và ra báo động về khả năng bùng phát thành dịch trên toàn quốc nhưng chỉ tới cuối tháng 6, thời điểm bắt đầu mủa cao điểm du lịch nội địa của Cuba, mối đe dọa này đã được thanh toán hoàn toàn.

Đội tình nguyện Cuba chuẩn bị chiến dịch phun thuốc muỗi ở các khu dân cư.

Tất nhiên, những thành tích đáng ngưỡng mộ đó – mà nay đã trở thành tương đối “bình thường” tại Cuba – không phải “từ trên trời rơi xuống” mà đến từ sự chuẩn bị và vận động một cách có bài bản, hệ thống, cũng như chiến dịch đối phó chính xác, quyết đoán: sau khi phát hiện ca nhiễm Zika đầu tiên, Cuba đã triển khai thêm 8.500 quân nhân bổ sung cho lực lượng nhân viên y tế và vệ sinh dịch tễ vốn đã hùng hậu của mình để triển khai chiến dịch phun thuốc muỗi tăng cường trên toàn quốc, đặc biệt là tại 60 quận huyện được xác định là có nguy cơ cao.

Còn để đối phó với nguy cơ bung phát dịch sốt xuất huyết năm nay, Cuba đã huy động lực lượng quân đội dự bị và một số tổ chức quần chúng khác để tiến hành phun thuốc muỗi tăng cường trong suốt tháng 6. Vây đâu là cơ sở tạo nên sự khác biệt trong hiệu quả đối phó với các bệnh nhiệt đới truyền nhiễm tại Cuba với đa phần các nước đang phát triển khác? Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, xin được trích dẫn lý giải và tổng kết của một số chuyên gia, dựa trên những số liệu và những chiến dịch thực tế đã qua tại “hòn đảo tự do”.

Là một nước nhiệt đới và có lịch sử di cư khá sôi động, từ lâu Cuba đã phải gánh chịu các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới. Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ – tiến sĩ Rosa Duran García cho biết các tài liệu đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện căn bệnh này tại Cuba có từ năm 1828, và tới năm 1869 được định danh và đưa vào thống kê chính thức.

Mặt khác, từ năm 1881, bác sĩ và nhà dịch tễ học lỗi lạc người Cuba Carlos Finlay (1833-1915) là người đầu tiên trên thế giới phát hiện muỗi Aedes Aegypti là vật chủ hay tác nhân truyền nhiễm bệnh sốt vàng và đề ra biện pháp phòng và chống sốt vàng bằng cách diệt trừ loài muỗi trên – phương pháp đã gây được tiếng vang khi góp phần quan trọng giúp hoàn thành công trình vĩ đại Kênh đào Panama vào đầu thế kỷ XX – nơi trước khi áp dụng lý thuyết của Finlay, bệnh sốt vàng lan rộng trong các đoàn công nhân, gây thương vong nặng nề, làm gián đoạn công trình mà không có biện pháp phòng chống hiệu quả. Tiếp bước chân ông, các nhà khoa học sau này cũng đã vạch mặt loài muỗi “sát thủ” trên cũng là tác nhân gây nhiễm virus của các bệnh sốt xuất huyết, sốt chikungunya, zika và sốt mayaro – nói cách khác các bệnh truyền nhiễm thường hay bùng phát thành dịch nhất tại châu Mỹ.

Cũng như đại bộ phận các nước trên thế giới, ngành y tế Cuba xác định việc diệt trừ muỗi bằng cách loại bỏ những môi trường sinh trưởng của chúng vẫn là cách thức phòng chống lây lan sốt xuất huyết hữu hiệu duy nhất khi loại vắc-xin đặc trị vẫn chưa đủ điều kiện để sử dụng rộng rãi. Sự khác biệt của Cuba, trước hết trong công tác phòng bệnh, đến từ mạng lưới cảnh báo rộng rãi và công tác phun thuốc định kỳ của Cuba.

Cho dù phát hiện bệnh sốt xuất huyết cùng vật chủ truyền nhiễm từ khá sớm, những phải tới khi Cách mạng Cuba thành công (1959) và Nhà nước Cuba bắt đầu phát triển mạng lưới chăm sóc y tế miễn phí và trên diện rộng bao phủ toàn bộ lãnh thổ quốc gia (chính thức hình thành từ năm 1968), mạng lưới cảnh báo dịch truyền nhiễm sớm của đảo quốc Caribe này mới thực sự mang lại hiệu quả khác biệt. Theo Biên niên số liệu Y tế năm 2005, Cuba – quốc gia chỉ có 11 triệu dân và 110.000km2 lãnh thổ thời điểm đó có 444 bệnh viện đa khoa, 14.671 phòng khám bác sĩ gia đình, 272 cơ sở chăm sóc bà mẹ, 162 phòng khám nha khoa, 267 bệnh viện chuyên ngành, 295 nhà dưỡng lão, 32 nhà chăm sóc người tàn tật, 25 ngân hàng máu và 13 viện nghiên cứu y học.

Trong số này các phòng khám bác sĩ gia đình là những trung tâm y tế cấp cơ sở, với bác sĩ sống ngay trong lòng cộng đồng dân cư, trực thuộc các trạm xã đa khoa và đã bao phủ toàn bộ các khu dân cư Cuba, kể cả các vùng hẻo lánh nhất từ đầu thập niên 1990. Cho dù không đóng góp nhiều vào việc quyết định phác đồ điều trị cho các bệnh nhân, nhưng chính những cơ sở y tế rộng rãi, có mức độ giao thoa với xã hội rất cao này là đội quân tiên phong trong việc triển khai các chương trình quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nắm bắt tiểu sử sức khỏe của mỗi bệnh nhân, thậm chí là từ các thế hệ trước, cũng như của cộng đồng dân cư do mình quản lý; thay đổi những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh từ gốc rễ.

Trong một lần trò chuyện với phóng viên TTXVN thường trú tại Cuba, bác sĩ gia đình Ileana Bárbara Aguilera, tại Khu phố 15, quận Vedado, La Habana, từng ví von: “Không chỉ là quan hệ bác sĩ – bệnh nhân đơn thuần, ở đây chúng tôi đều quen biết nhau, biết về gia đình của nhau vì chúng tôi cũng là bạn, là hàng xóm. Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau rằng một bác sĩ gia đình cũng như một cha xứ trong xứ đạo của mình vậy; các bệnh nhân tới đây vừa khám bệnh vừa kể chuyện gia đình cho chúng tôi nghe”.

Phun thuốc tạo mù diệt muỗi trong một nhà dân Cuba.

Và mạng lưới bác sĩ gia đình vừa rộng vừa sâu này chính là hệ thống phát hiện và cảnh báo hiệu quả nhất đối với các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các dịch bệnh liên quan mật thiết tới thói quen và môi trường vệ sinh như sốt xuất huyết. Việc có một đội ngũ bác sĩ cơ sở đông đảo và làm việc thường xuyên theo các khu vực y tế (phân chia theo đặc điểm phân bố dân cư và không nhất thiết trùng khớp với các khu vực hành chính) cũng tạo thuận lợi rất lớn cho các chiến dịch khoanh vùng và dập dịch.

Một yếu tố then chốt khác mang lại hiệu quả cho công tác phòng ngừa dịch tại Cuba chính là hoạt động phun thuốc muỗi, bắt đầu được tiến hành một cách đại trà từ khoảng nửa cuối thập niên 1970. Nữ tiến sĩ Rosa Duran García thống kê 7 loại hình phun thuốc muỗi chủ yếu tại Cuba gồm có: (1) phun bằng máy bay trên quy mô rộng lớn cấp tỉnh – liên huyện; (2) phun tại các phương tiện công cộng cả đường không, đường bộ và đường biển (máy bay, xe bus, tầu hỏa, thuyền, tầu thủy v.v..); (3) phun tạo mù khoanh vùng theo từng khu phố; (4) phun tạo mù bằng phương tiện cầm tay trên phố; (5) phun tại từng hộ dân; (6) phun kết hợp phát quang, làm sạch những điểm có thể là ổ muỗi tiềm tàng; (7) phun diệt trừ các ổ muỗi. Đa phần các hoạt động phun trừ muỗi này, hoặc riêng lẻ hoặc kết hợp với một vài loại hình khác, mang tính định kỳ và sẽ được tăng cường trong các trường hợp có báo động hoặc bùng phát dịch.

Tại Cuba, công thức thuốc phun phổ biến nhất được sử dụng, đặc biệt là tại các khu dân cư, là thuốc diệt muỗi được pha trộn vào dầu hỏa, rồi ép thành khói phun ở nhiệt độ và sức ép lớn. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, loại khói phun hình thành từ dung dịch này thường có mùi hôi, nhất là khi bám và quần áo, chăn màn, và thậm chí người dân Cuba còn có nhiều mẩu chuyện cười về mùi hôi này. Bất chấp yếu tố phiền hà đó, việc cản trở cán bộ vệ sinh vào phun thuốc là khá hiếm tại Cuba, và đa phần người dân ý thức rất rõ lợi ích của các chuyến “thăm hỏi” này và coi đó như một phần trong cuộc sống của họ. Đây chính là một khía cạnh khác mang lại mô hình thành công của Cuba, đó là công tác tuyên truyền, vận động đa chiều để nâng cao ý thức người dân trong việc phòng ngừa dịch bệnh: từ việc đưa nội dung này vào các chương trình giáo dục phổ thông; sử dụng các biện pháp tuyên truyền truyền thống như áp phích, biểu ngữ, tranh cổ động; cho tới vận động qua mạng lưới bác sĩ gia đình.

Về mặt pháp lý, Điều 187 của Bộ Luật hình sự Cuba, quy định rõ các hình phạt đối với “những người cản trở các biện pháp hoặc các quyết định do các quan chức y tế đưa ra để ngăn chặn hoặc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và các chương trình hoặc chiến dịch diệt trừ dịch bệnh”. Mặc dù ít khi được áp dụng trong công tác xét xử, nhưng điều luật này thể hiện sự nghiêm túc của Nhà nước Cuba đối với công tác phòng và chống dịch, đồng thời cung cấp thêm công cụ thuyết phục cho các nhân viên y tế và vệ sinh.

Người Cuba rất thân thiện và dễ cảm thông nhưng cũng rất dứt khoát khi cần thiết; trong những lần phun thuốc định kỳ trong hoàn cảnh bình thường, các nhân viên dịch tễ có thể bỏ qua 1, 2 lần phun ngôi nhà của bạn vì một lý do tế nhị nào đó được trình bầy hợp lý, nhưng khi đã vào chiến dịch, sẽ không có trường hợp “ngoại lệ” nào được xem xét: nếu khi đó bạn đang ăn cơm, nhân viên dịch tễ có thể chờ đợi, nếu có trẻ sơ sinh hay người ốm, họ có thể giúp đỡ đưa ra ngoài một khoảng thời gian; và nếu chủ nhà vẫn không hợp tác, các nhân viên này sẽ gọi công an tới giải quyết dù hiếm khi họ to tiếng hay xúc phạm đương sự; thậm chí các ngôi nhà bị khóa trái thì chủ nhân cũng sẽ được liên hệ và hẹn lịch phun cụ thể, còn trong trường hợp nằm trong vùng dịch và không liên hệ được chủ nhân, các nhà chức trách có thể xem xét tiến hành mở cửa có sự giám sát của các cơ quan chức năng phù hợp và tiến hành phun thuốc, làm vệ sinh và sau đó lại đóng lại với đầy đủ đảm bảo an ninh.

Hiện tại, Cuba áp dụng hệ thống cảnh báo tích hợp từ 5 yếu tố khác nhau là môi trường, côn trùng học, dịch tễ học, lâm sàng và thí nghiệm, với sự tham gia của tất cả các tuyến trong hệ thống y tế. Nhờ hệ thống phòng ngừa hiệu quả này mà cho dù vẫn luôn phải chung sống với muỗi Aedes aegypti – sản phẩm tự nhiên của miền nhiệt đới Caribe và hoạt động sống của con người – và gần như năm nào cũng có các trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết, nhưng kể từ năm 1975 (năm Cuba tiến hành thăm dò trên toàn quốc để xây dựng cơ sở dữ liệu về sốt xuất huyết) tới nay, Cuba mới chỉ để dịch sốt xuất huyết bùng phát 4 lần vào các năm 1977, 1981, 1997 và 2002; và ngoại trừ trường hợp đặc biệt năm 1981 với 158 ca tử vong (lần đầu xuất hiện chủng virus sốt xuất huyết Dengue 2, trong khi chủng virus sốt xuất huyết thường thấy tại Caribe là Dengue 1, và sau này Cuba đã nhiều lần đưa ra bằng chứng rằng đây là một phần của cuộc chiến tranh sinh học do Mỹ tiến hành), Cuba đều nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh với số tử vong rát thấp.

Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)
Hà Nội giảm 1.230 ca sốt xuất huyết so với tuần cao điểm
Hà Nội giảm 1.230 ca sốt xuất huyết so với tuần cao điểm

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần vừa qua, Hà Nội đã ghi nhận 2.325 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 1.230 trường hợp so với tuần cao điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN