An ninh được siết chặt với sự hiện diện của 54.000 binh sĩ và cảnh sát bảo đảm an ninh tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Khoảng 2.450 ứng cử viên chạy đua giành 249 ghế tại Hạ viện với nhiệm kỳ 5 năm, bao gồm một ghế dành riêng cho dân tộc Sikh thiểu số. Khoảng 8,8 triệu cử tri đã ghi danh đi bỏ phiếu.
Nhằm đảm bảo cuộc bầu diễn ra công bằng, công nghệ đăng ký cử tri bằng sinh trắc học đã được áp dụng vào phút chót. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ hiệu quả bởi công nghệ này chưa được thử nghiệm tại Afghanistan.
Giới chức Afghanistan lo ngại bạo lực có thể ngăn cử tri đến các điểm bỏ phiếu, nhất là sau vụ ám sát cảnh sát trưởng tỉnh Kandahar hôm 18/10, khiến cuộc bỏ phiếu tại tỉnh này phải lùi lại một tuần. Hàng nghìn cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai trên cả nước trước thềm bầu cử, song 9 ứng cử viên đã bị sát hại và hàng trăm người thương vong trong các vụ tấn công liên quan đến bầu cử.
Theo Ủy ban bầu cử độc lập, ban đầu nhà chức trách dự định mở 7.355 trung tâm bầu cử trên cả nước, nhưng chỉ có 5.100 được mở trong ngày bầu cử, do các mối quan ngại về an ninh. Ngoài tỉnh Kandahar, tỉnh Ghazni cũng phải hoãn bỏ phiếu vì các lý do an ninh. Trước đó, phiến quân Taliban đã đưa ra một loạt tuyên bố dọa sẽ tấn công các điểm bỏ phiếu.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đi bỏ phiếu ở Kabul. Trong một phát biểu ngắn phát trên truyền hình, ông Ghani kêu gọi người dân sử dụng quyền công dân của mình để đi bỏ phiếu. Ông cũng nhắc nhở những người sẽ trúng cử rằng họ được bầu để phục vụ người dân và bảo đảm pháp trị.
Liên hợp quốc (LHQ) hỗ trợ tiến trình bầu cử đã kêu gọi người dân Afghanistan "tận dụng cơ hội này để thực hiện quyền hiến định của mình", đồng thời hy vọng cuộc bầu cử diễn ra an toàn và an ninh.
Cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h00 đến 16h00 cùng ngày theo giờ địa phương. Do khó khăn trong việc thu thập hòm phiếu nên dự kiến phải mất ít nhất hai tuần để hoàn tất công tác kiểm phiếu, và đến cuối tháng 12 mới có kết quả cuối cùng.