Hội đồng Nhà nước Crimea ngày 11/4 đã thông qua tuyên bố “Về tình hình các khu vực đông nam Ukraina”, theo đó nêu rõ cuộc khủng hoảng trong nước chỉ có thể được khắc phục bằng con đường tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý địa phương. Các đại biểu Crimea cũng nêu rõ bằng hành động của mình, khi tiến hành trưng cầu dân ý toàn Crimea về quyền tự quyết, người dân Crimea đã thể hiện cho cư dân ở các khu vực khác của Ukraine thấy rõ cần phải làm thế nào để đấu tranh cho vận mệnh tương lai của mình.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng CH Crimea Sergei Aksyonov trong cuộc hội đàm tại thủ phủ Simferopol ngày 31/3. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cùng ngày, Cơ quan lập pháp Crimea đã bỏ phiếu thông qua hiến pháp mới, theo đó tuyên bố bán đảo bên bờ Biển Đen này là một nhà nước hợp pháp và dân chủ nằm trong Liên bang Nga.
Được 88 nghị sĩ Crimea thông qua, hiến pháp, bao gồm 10 chương 95 điều, quy định tiếng Nga, Ukraine và Tatar sẽ được công nhận là các ngôn ngữ chính thức. Hiến pháp mới quy định hai nhánh của chính phủ gồm nhánh lập pháp là Hội đồng Nhà nước và nhánh hành pháp là Hội đồng Bộ trưởng.
Theo văn kiện trên, người đứng đầu nước Cộng hòa này sẽ là quan chức cao nhất tại Crimea. Một khi được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn, người đứng đầu sẽ phụ trách điều hành đất nước với nhiệm kỳ 5 năm.
Ngày 17/3, Cơ quan lập pháp của Crimea đã tuyên bố độc lập và tách khỏi Ukraine sau khi kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo này cho thấy có tới 96,77% cử tri Crimea ủng hộ gia nhập Liên bang Nga.
TN