CPTPP hướng tới mở rộng để thúc đẩy thương mại tự do

Ngày 30/12/2018 đánh dấu việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính thức có hiệu lực, tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế thế giới.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago, Chile, ngày 8/3/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, văn kiện này càng cần được mở rộng chào đón thêm các nước nhằm tăng cường tự do thương mại toàn cầu. Ý kiến trên được nêu ra trong bài viết đăng tải trên báo "Yomiuri" của Nhật Bản mới đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, với nhan đề "CPTPP có hiệu lực, mở rộng thêm các nước tham gia hướng đến tăng cường thương mại tự do", bài báo cho hay Nhật Bản có ý định mở rộng các quy định tiên tiến, công bằng nhằm thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu.

CPTPP chính thức có hiệu lực kèm theo việc triển khai những quy tắc đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ và bãi bỏ thuế quan. Bài báo nhấn mạnh hàng hóa và dòng tiền lưu chuyển thuận lợi tại khu vực phát triển ấn tượng châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa lớn đối với giao thương toàn cầu.

Bài báo nhận định tăng thêm số quốc gia thành viên là hướng đi không thể thiếu trong lộ trình mở rộng quy định về tiêu chuẩn của CPTPP ra toàn thế giới. 11 nước tham gia CPTPP sẽ bắt đầu bàn bạc về quy chế đối với thành viên mới ngay trong tháng 1 này.

Hiện CPTPP đang nhận được sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Hàn Quốc... Theo bài báo, Nhật Bản đã đóng vai trò "dẫn dắt" TPP khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Tokyo sẽ phải tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu khi các quốc gia mới tham gia đàm phán gia nhập CPTPP.

Theo đó, tập trung sức mạnh xây dựng các khu vực kinh tế, củng cố hơn nữa hệ thống thương mại tự do trở thành vấn đề quan trọng của Nhật Bản. Bên cạnh đó, Tokyo cũng cần nhanh chóng thúc đẩy các bên đạt được thoả thuận trong đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) có sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã triển khai mạnh mẽ "Nước Mỹ trước tiên" với việc rút khỏi TPP - tiền thân của CPTPP ngày nay, và áp đặt thuế nhập khẩu. Do vậy, tác giả bài báo cho rằng việc các nước tham gia CPTPP, vốn đề cao thương mại tự do, sẽ gây áp lực với Mỹ và chủ nghĩa bảo hộ mà nước này đang thúc đẩy.

CPTPP - hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Thành Hữu - Thanh Hương (TTXVN)
CPTPP: Thách thức và động lực cải cách thể chế
CPTPP: Thách thức và động lực cải cách thể chế

Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 12/11/2018 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và Hiệp định có hiệu lực vào đầu năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN