COVID-19 tới 6h sáng 27/12: Mỹ đã tiêm gần 2 triệu liều vaccine; Hàng loạt nước châu Âu phát hiện biến chủng mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 400.870 ca mắc COVID-19 và trên 6.800 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 80,6 triệu, trong đó có gần 1,764 triệu ca tử vong. Nước Mỹ đã tiêm gần 2 triệu liều vaccine cho người dân.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại trung tâm xét nghiệm tạm thời ở ngoại ô Seoul, Hàn Quốc ngày 26/12/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

'Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 27/12 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 80.642.870 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.763.913 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 56.840.011 người, 22.037.836 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.054 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (114.004 ca), Anh (34.693 ca) và Nga (29.258 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.252 ca), tiếp theo là Mexico (665 ca) và Nga (567 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 400.870 ca tử vong trong tổng số 19.372.314 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 147.659 ca tử vong trong số 10.188.392 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 190.795 ca tử vong trong số 7.465.806 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 21/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ: 1/1000 người Mỹ đã tử vong vì COVID-19 

Theo dữ liệu từ worldometers đến 6h sáng 27/12, tổng cộng có 400.870 người Mỹ đã thiệt mạng vì COVID, trong khi dân số nước này là gần 332 triệu người. Như vậy cứ 1.000 người Mỹ thì có hơn 1 người không qua khỏi do đại dịch.

Dữ liệu của Đại học John Hopkins ghi lại những dấu mốc kể từ khi dịch bùng phát tại Mỹ là: Ngày 24/3, ghi nhận 1.000 ca tử vong; ngày 4/4: 10.000 ca tử vong; ngày 23/4, ghi nhận 50.000 ca tử vong; ngày 23/5: đánh dấu vượt 100.000 ca tử vong; ngày 21/9: 200.000 ca tử vong; ngày 14/12: nước Mỹ vượt 300.000 ca tử vong. 

Theo CNN, đến ngày 26/12, tổng cộng 9.547.925 liều vaccine đã được phân phối và 1.944.585 liều đầu tiên đã được tiêm cho người dân.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại Rome, Italy ngày 24/12/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Âu: 8 quốc gia phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới

Tại châu Âu, người đứng đầu Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho hay biến thể VUI-202012/01 đã được tìm thấy ở 8 quốc gia châu Âu, trong đó có Thụy Sĩ và Tây Ban Nha. Ông Kluge đồng thời khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp phòng vệ. Đến tối cùng ngày có thêm Thụy Điển và Tây Ban Nha thông báo về trường hợp nhiễm biến thể mới này. 

Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo kể từ ngày 28/12, tất cả người nước ngoài muốn nhập cảnh vào nước này phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi hành khách lên máy bay. Quyết định này có hiệu lực tới ngày 1/3/2021.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Aachen, miền Tây Đức ngày 10/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức triển khai sớm chiến dịch tiêm vaccine

Bà Edith Kwoizalla, 101 tuổi, ngày 26/12 đã trở thành người đầu tiên ở Đức được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Sự kiện này diễn ra 1 ngày trước khi chiến dịch tiêm chủng chính thức, theo kế hoạch, được triển khai ở cả Đức và Liên minh châu Âu (EU). 

Cũng trong ngày 26/12, hàng chục nghìn liều vaccine ngừa COVID-19 đã được bàn giao cho các cơ quan y tế ở bang Sachsen-Anhalt. Sau đó, các cơ quan này sẽ phân phối vaccine cho các trung tâm tiêm chủng địa phương. Các cư dân cao tuổi ở các viện dưỡng lão, những người từ 80 tuổi trở lên và đội ngũ nhân viên y tế sẽ là những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn đã gọi 26/12 là “ngày của hy vọng”. Tuy vậy, ông cũng cảnh báo rằng để đạt được mục tiêu mọi người đều được tiêm chủng sẽ là một nỗ lực “lâu dài”.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại thủ đô London, Anh khi lệnh phong tỏa được tái áp đặt do sự xuất hiện của chủng virus mới gây bệnh COVID-19, ngày 21/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đức thông báo Hà Lan đã xếp Đức vào danh sách quốc gia và khu vực nguy cơ cao mắc COVID-19, theo đó tất cả các trường hợp từ Đức tới Hà Lan phải thực hiện cách ly bắt buộc 10 ngày. Theo thông báo trên, bắt đầu từ ngày 29/12, các trường hợp từ Đức nhập cảnh Hà Lan bằng đường không sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, được thực hiện không quá 72 giờ trước thời điểm nhập cảnh. Quy định này cũng áp dụng cho hành khách tới Hà Lan bằng tàu hỏa, xe buýt hay tàu biển.

Ngoài ra, khi tới Hà Lan, hành khách bắt buộc phải tự cách ly tại nơi cư trú trong 10 ngày, kể cả trường hợp khách tới Hà Lan dưới 10 ngày, không có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện Đức ghi nhận trên 1,6 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 29.900 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva (Nga) ngày 25/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nga: Tiêm vaccine Sputnik V cho người trên 60 tuổi

Về vấn đề vaccine, Bộ Y tế Nga đã thông qua quyết định cho phép tiêm vaccine Sputnik V cho người trên 60 tuổi để phòng ngừa bệnh COVID-19. Trong khi đó, số liệu cập nhật mới nhất chiều 26/12 (giờ Việt Nam) cho biết số bệnh nhân COVID-19 tại Nga hiện đã lên tới hơn 3 triệu người, trong đó hơn 54.200 người đã tử vong. Nga hiện là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ tư thế giới.

Cũng trong ngày 26/12, Pháp, Tây Ban Nha và Bulgaria đã tiếp nhận lô vaccine phòng bệnh COVID-19 đầu tiên của hãng Pfizer/BioNTech và sẽ bắt đầu tiêm chủng từ ngày 27/12 theo kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Chính phủ Hungary thông báo đã bắt đầu tiêm vaccine này cho các nhân viên y tế.

Chú thích ảnh
Đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 9/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Á: Nhật Bản ca nhiễm mới tăng kỷ lục

Tại khu vực châu Á, ngày 16/12, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao kỷ lục với 3.877 ca, trong đó thủ đô Tokyo và một số khu vực khác thông báo số ca nhiễm mới cao nhất từ trước đến nay. Trong số các ca nhiễm mới trên cả nước, thủ đô Tokyo có 949 ca và số ca mắc mới theo ngày trung bình trong vòng 7 ngày tại khu vực này đã tăng lên mức 711,4 ca/ngày. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong vòng một tuần vượt mức 700 ca/ngày.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 24/12/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhật Bản đã xác nhận có thêm hai ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, có tên gọi là VUI-202012/01. Hiện tổng số người nhiễm biến thể này tại Nhật Bản đã tăng lên 7 người. 

Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành các bước điều chỉnh cuối cùng để triển khai biện pháp mới từ chối nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Hàn Quốc: Tình hình căng thẳng, trên 1.100 ca nhiễm/ngày

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới vẫn trên mức 1.100 ca/ngày. Sáng 26/12, Hàn Quốc thông báo có thêm 1.132 ca nhiễm mới, trong đó 1.104 ca lây nhiễm trong nước, dù quốc gia này đã nỗ lực hết sức để hạn chế số ca lây nhiễm bằng các quy định giãn cách xã hội chưa từng được áp dụng. Hiện tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc tăng lên 55.902 ca. 

Cùng ngày, tại Trung Quốc đại lục, Ủy ban Y tế quốc gia của nước này thông báo có thêm 20 ca mắc mới trong ngày 25/12, bao gồm 8 ca lây nhiễm cộng đồng và 12 lây nhiễm từ nước ngoài. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại trung tâm xét nghiệm tạm thời ở ngoại ô Seoul, Hàn Quốc ngày 26/12/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Iran áp đặt lệnh giới nghiêm tại 330 thành phố

Ngày 26/12, giới chức Iran đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại 330 thành phố được đánh giá là ít có nguy cơ lây lan dịch COVID-9. Đây được coi là nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19.

Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 21h hôm trước đến 4h sáng hôm sau hiện đã được áp dụng tại 108 thành phố thuộc diện màu cam - tức là nguy cơ lây lan dịch bệnh ở mức vừa phải. Lệnh này sẽ mở rộng ra với các thành phố màu vàng - có nguy cơ thấp hơn. Lệnh giới nghiêm, trong đó có lệnh cấm sử dụng ô tô riêng, là nhằm giảm mức độ tiếp xúc giữa mọi người. Trong tuần qua, cảnh sát đã ghi gần 100.000 phiếu phạt/đêm đối với các trường hợp vi phạm. 

Bộ Y tế Iran cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 134 người tử vong vì COVID-19 - là mức thấp nhất kể từ ngày 13/9. Hiện Iran có 54.574 bệnh nhân COVID-19 đã qua đời và là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất tại Trung Đông với tổng số bệnh nhân là 1.194.964 người.

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan tiếp tục đối phó ổ dịch cộng đồng

Thái Lan cũng ghi nhận thêm 110 ca nhiễm mới, trong đó 64 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca bệnh tại Thái Lan tăng lên 6.020 ca, trong đó 4.061 ca lây nhiễm cộng đồng. Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesin Visanuyothin cho biết cơ quan này đã công bố kế hoạch cấm tụ tập đông người và tổ chức các sự kiện tập trung đông người  trên toàn quốc. 

Philippines thông báo có thêm 1.406 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 469.005 ca. Theo Bộ Y tế, Philippines cũng có thêm 5 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, khiến tổng số người không qua khỏi tăng lên 9.067 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Brunei tiếp tục không có thêm ca mắc mới nào vào ngày 26/12 và tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này là 152 ca. Đây là ngày thứ 18 liên tiếp Brunei không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, sau khi nước này thông báo có thêm 1 ca bệnh mới là trường hợp nhập cảnh vào ngày 8/12. Về lây nhiễm trong cộng đồng, Brunei đã trải qua 234 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng. Hiện Brunei có 3 ca tử vong do COVID-19.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới ghi nhận trên 80,3 triệu ca mắc, 1,75 triệu ca tử vong do COVID-19
Thế giới ghi nhận trên 80,3 triệu ca mắc, 1,75 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 26/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 80.306.522 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.759.689 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 56.601.635 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN