Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 20/12 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 274.956.222 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.369.908 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 430.860 và 3.466 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 246.654.853 người, 22.931.461 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 88.711 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 82.886 ca; Pháp đứng thứ hai với 48.473 ca; tiếp theo là Mỹ (41.675 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.023 người chết trong ngày; tiếp theo là Mexico (268 ca) và Việt Nam (215 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 51.737.880 người, trong đó có 827.295 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.742.636 ca nhiễm, bao gồm 477.422 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.213.762 ca bệnh và 617.803 ca tử vong.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 83,64 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 80,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 61,6 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,3 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 9,27 triệu ca và châu Đại Dương trên 412.000 ca nhiễm.
Chuyên gia hàng đầu Mỹ cảnh báo Omicron "hoành hành khắp thế giới", thế chân Delta
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, ngày 19/12 cảnh báo biến thể Omicron đang "hoành hành khắp thế giới" và có thể thay thế biến thể Delta trở thành chủng vượt trội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể này đã được phát hiện ở 89 quốc gia và các trường hợp nhiễm Omicron đang tăng gấp đôi cứ sau 1,5 đến 3 ngày ở những nơi có sự lây truyền trong cộng đồng.
“Một điều rất rõ ràng - và không có nghi ngờ gì về điều này - đó là khả năng lan truyền phi thường của nó", ông Fauci nói. "Nó chỉ đang hoành hành khắp thế giới."
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, biến thể Delta chiếm hơn 96% các trường hợp COVID-19, nhưng Omicron đang nhanh chóng tấn công, chiếm gần 3% tổng số ca bệnh ở Mỹ. Tại một số vùng nhất định của đất nước, Omicron được tìm thấy trong khoảng 50% các trường hợp giải trình tự gien.
Ông Fauci nói: “Khi nhân đôi trong khoảng thời gian ngắn như vậy, chẳng bao lâu nữa, Omicron sẽ thống trị. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Omicron đánh bại Delta".
Nga thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19
Nga dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại thuốc có thể kiểm soát khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 vào nửa cuối năm 2022. Ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya cho biết như trên ngày 19/12.
Phát biểu với kênh truyền hình Rossiya 1 của Nga, ông Gintsburf cho biết: “Tôi nghĩ việc thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2022. Đây là hợp chất phân tử có đặc tính ức chế khả năng nhân lên của virus trong cơ thể người bệnh, kể cả những người đang trong giai đoạn bệnh nặng. Đây rõ ràng là loại thuốc cần thiết, đặc biệt đối với những bệnh nhân chưa tiêm vaccine”.
Chuyên gia y tế này cũng cho biết loại thuốc chữa COVID-19 thứ ba của Nga có tên gọi Ftortiazinon có khả năng ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân COVID-19. Hiện loại thuốc này đang được thử nghiệm giai đoạn hai.
Liên quan đến vaccine Sputnik V ngừa COVID-19, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19/12 bày tỏ tin tưởng rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ sớm cấp phép cho loại vaccine này trong vài tháng tới, và Nga sẽ cố thúc đẩy châu Âu thông qua loại vaccine này. Ông Peskov nhấn mạnh, việc Sputnik V chưa được cấp phép là do những khác biệt về yêu cầu thủ tục giấy tờ, dẫn đến khó khăn trong việc nộp các số liệu cần thiết cho việc cấp phép. Ông khẳng định sẽ phải mất một thời gian để các bên dung hòa các yêu cầu này.
Anh có thể áp hạn chế phòng dịch mới trước Giáng sinh
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 19/12 cho biết Anh không loại trừ khả năng áp đặt thêm các hạn chế phòng dịch COVID-19 trước lễ Giáng sinh, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh. Anh đã chứng kiến số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh trong ngày 18/12, và giới chức cho rằng đó mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.
Phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Javid cho biết chính phủ Anh đang nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chuyên gia, theo dõi số liệu gần như hàng giờ và sẽ cân đối giữa lợi ích phòng dịch với tác động đến xã hội, kinh doanh và giáo dục của việc áp đặt hạn chế.
Ông nhấn mạnh hiện thế giới mới biết rất ít về biến thể Omicron, nhưng nếu đợi đến khi các số liệu trở nên rõ ràng hơn rồi mới hành động thì có lẽ là quá muộn. Ông khẳng định: “Nếu chính phủ thấy cần phải có hành động, chúng tôi sẽ trình ngay lên Quốc hội để họ ra quyết định”.
Số ca nhiễm Omicron tại Anh là gần 25.000 ca, tăng hơn 10.000 ca so với một ngày trước đó. Theo Bộ trưởng Javid, chính phủ Anh cho rằng 60% các ca nhiễm mới tại Anh hiện nay là nhiễm biến thể Omicron.
Thủ tướng Israel kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine tăng cường
Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 19/12, Thủ tướng Israel Naftali Bennett kêu gọi người dân nước này tiếp tục tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19, đồng thời đưa con cái đi tiêm.
Ông Bennett cho biết liên quan đến biến thể mới Omicron, chính phủ Israel đã phản ứng nhanh nhạy cách đây ba tuần bằng việc đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, do biến thể mới có độ lây nhiễm mạnh nên các biện pháp của chính quyền là chưa đủ. Ông nói: “Mỗi người dân cần tự lo cho bản thân, gia đình và con cái… Làn sóng dịch bệnh mới đã xuất hiện. Mỗi gia đình cần có sự chuẩn bị”.
Người đứng đầu chính phủ Israel cũng khẳng định vaccine phòng COVID-19 là an toàn. Đã có 7 triệu trẻ em ở Mỹ được tiêm phòng và người dân Israel có thể đưa con đi tiêm bất cứ lúc nào mà không cần hẹn trước.
Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, ngày 18/12 nước này có thêm 372 ca nhiễm mới COVID-19. Về tiêm vaccine bổ sung, đã có 4,15 triệu người dân được tiêm mũi thứ 3.
Cũng trong ngày 19/12, Bộ Y tế Israel đã kiến nghị chính phủ đưa thêm một số quốc gia vào diện “cảnh báo Đỏ”, bao gồm Italy, Mỹ, Bỉ, Đức, Hungary, Maroc, Bồ Đào Nha, Canada, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu kiến nghị của Bộ Y tế được chính phủ và quốc hội thông qua, từ ngày 22/12 người từ các nước nói trên sẽ bị cấm nhập cảnh Israel, trừ trường hợp đặc biệt.
Iran ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Omicron
Ngày 19/12, Thứ trưởng Y tế Iran Kamal Heidari cho biết nước này đã ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể Omicron, là một người vừa trở về từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Ông Heidari cho hay giới chức y tế đã nhanh chóng đưa người này đi cách ly và tiến hành truy vết những trường hợp tiếp xúc gần. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron, Iran đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến thể này, trong đó có đề xuất tạm thời đóng cửa trường học.
Trung Quốc ghi nhận hàng chục ca mắc mới trong cộng đồng
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 19/12 công bố báo cáo cập nhật cho biết Trung Quốc đại lục ngày 18/12 ghi nhận 44 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Trong tổng số ca lây nhiễm cộng đồng, có 31 ca tại tỉnh Chiết Giang, 10 ca tại tỉnh Thiểm Tây và 3 ca tại tỉnh Quảng Đông.
Ủy ban trên cho biết thêm cũng đã có 39 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 18/12 là các trường hợp nhập cảnh tại 9 tỉnh thành. Trong khi đó, hai ca nghi mắc COVID-19 là các trường hợp nhập cảnh khác được ghi nhận tại thành phố Thượng Hải. Ngoài ra, trong tổng số 41 ca bệnh mới không triệu chứng, có 37 ca là các trường hợp nhập cảnh.
Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 100.284 ca, trong đó còn 1.685 bệnh nhân vẫn đang điều trị. Có tổng cộng 93.963 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.
Trên toàn Trung Quốc đại lục, không ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong vì COVID-19 trong ngày 18/12 và số ca tử vong vì dịch bệnh này tại đây vẫn ở mức 4.636 ca.
Campuchia phát hiện thêm ca nhiễm biến thể Omicron
Bộ Y tế Campuchia ngày 19/12 xác nhận nước này phát hiện thêm 2 ca mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Hai bệnh nhân này gồm một người Campuchia, 47 tuổi, từ bang Texas (Mỹ) quá cảnh ở Seoul (Hàn Quốc) về nước; một người Campuchia 33 tuổi từ Pháp nhập cảnh sau chặng dừng chân ở Singapore. Cả hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron này hiện đang được điều trị tại Viện Lao quốc gia Campuchia ở Phnom Penh. Trước đó, trong ngày 17/12, Bộ Y tế Campuchia đã công bố phát hiện trường hợp nhiễm Omicron thứ hai tại nước này là một công dân Iran, 25 tuổi, từ Kenya nhập cảnh Campuchia. Bộ Y tế Campuchia tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch.
Malayia sẵn sàng cuộc chiến mới với biến thể Omicron
Với 11 mẫu bệnh phẩm có kết quả xét nghiệm phân tích gene PCT xác nhận nhiễm biến thể Omicron, Malaysia đến nay đã phát hiện tổng số 13 trường hợp nhiễm biến thể này.
Khi Giáng sinh và Năm Mới đang đến gần trong bối cảnh Malaysia tái mở cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh, cho phép đi lại liên bang và kích cầu du lịch, tiêu dùng nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế, sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ là thách thức lớn cho nỗ lực kiểm dịch bệnh của quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cảnh báo rằng “người dân cần phải sẵn sàng chuẩn bị đối phó với Omicron” khi thừa nhận “biến thể này đang xâm nhập và Malaysia và thực tế đã tồn tại tại Malaysia, việc lây lan chỉ là vấn đề thời gian”.
Malaysia đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế Malaysia đã ra quy định chỉ cho phép tổ chức các buổi lễ đón Năm Mới hay Giáng sinh quy mô lớn nhỏ và những người tham dự cần phải tự xét nghiệm COVID-19 trước.
Cùng với đó, quốc gia Đông Nam Á cũng đưa ra các quy định mới đối với người đến từ Anh nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Từ ngày 17/12, người nhập cảnh vào Malaysia từ Anh sẽ phải tự xét nghiệm hàng ngày trong thời gian cách ly và tất cả kết quả sẽ phải thông báo trên ứng dụng quản lý COVID-19 của chính phủ.
Lào đẩy mạnh tiêm vaccine
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.067 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 3 ca tử vong do COVID-19; trong đó chỉ có 1 ca là người nhập cảnh.
Bộ Y tế Lào cho biết số ca mắc COVID-19 tại nước này tiếp tục giảm 182 trường hợp so với ngày 18/12 nhưng đa số vẫn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục thúc đẩy hoạt động tiêm vaccine cho các đối tượng có nguy cơ cao, phụ nữ mang thai 12 tuần trở lên, phụ nữ đang cho con bú; đồng thời phối hợp với các thành phần liên quan cấp Trung ương và địa phương trong việc vận động chuyên gia xét nghiệm, y bác sĩ và cán bộ chức năng hỗ trợ ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh tại địa phương theo điều kiện thực tế.