Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (324.580 ca), Ấn Độ (268.999 ca) và Italy (180.426 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (723 ca), Mỹ (649 ca) và Ba Lan (429 ca).
Nhìn chung, với trên 2 triệu ca mắc mới trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trên toàn cầu vẫn ở mức cao.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất với trên 66,3 triệu ca, tiếp đó là Ấn Độ với 37,1 triệu ca mắc và Brazil với trên 22,9 triệu ca mắc.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines tăng cao kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp
Ngày 15/1, Bộ Y tế Philippines thông báo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Y tế Philippines - bà Maria Rosario Vergeire, cho biết biến thể Omicron đang lan rộng trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, khu vực gồm 16 thành phố với dân số hơn 13 triệu người. Bà Vergeire cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 có thể đạt đỉnh trong thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 tới.
Theo Bộ Y tế Philippines, trong ngày 15/1, nước này ghi nhận 39.004 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay. Số ca đang phải điều trị cũng tăng kỷ lục với 280.813 ca. Philippines hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia), với hơn 3,16 triệu ca mắc và gần 53.000 ca tử vong.
Indonesia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong vòng 3 tháng
Indonesia ngày 15/1 thông báo ghi nhận 1.054 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong vòng 3 tháng.
Tháng 7/2021, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta. Sau đó, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống còn khoảng 200 ca mỗi ngày vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, trong tháng này, số ca mắc mới tại quốc gia Đông Nam Á lại tăng cao trở lại do biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết đã phát hiện lây nhiễm Omicron cộng đồng và Jakarta là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất. Hiện nhà chức trách Indonesia đang phối hợp chặt chẽ nhằm siết chặt hoạt động đi lại, tăng cường y tế, tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19.
Indonesia ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 16/12/2021. Đến nay, nước này đã có tới hơn 500 ca nhiễm biến thể mới có khả năng lây lan nhanh. Giới chức Indonesia dự báo tỷ lệ lây nhiễm Omicron ở nước này có thể đạt đỉnh vào tháng 2 tới.
Nhật Bản vượt ngưỡng 25.000 ca mắc mới/ngày
Tình hình dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp ở Nhật Bản khi số ca mắc mới trong ngày 15/1 vượt ngưỡng 25.000 ca kể từ ngày 26/8/2021. Như vậy, đến nay nước này ghi nhận hơn 1,83 triệu ca mắc COVID-19 và 18.423 ca tử vong.
Thời gian qua, số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều khu vực ở Nhật Bản đã chạm các mốc cao kỷ lục do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Đáng chú ý, tại tỉnh Okinawa - nơi đặt phần lớn căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản (70%), 1.829 ca mắc mới đã được ghi nhận trong ngày 15/1, mức cao nhất từ trước đến nay. Thống đốc tỉnh Okinawa, ông Denny Tamaki, trước đó đã chỉ trích những hạn chế trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại các căn cứ quân sự của Mỹ khiến biến thể Omicron lan rộng ra các cộng đồng địa phương.
Nhật Bản mới đây đã siết chặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 tại 3 tỉnh đặt các căn cứ quân sự của Mỹ. Kể từ tháng 11/2021, Nhật Bản áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài, song binh sĩ Mỹ vẫn được phép ra vào nước này với điều kiện phải thực hiện xét nghiệm và cách ly.
Myanmar phát hiện thêm 10 ca nhiễm biến thể Omicron
Trong ngày 15/1, Bộ Y tế Myanmar đã ghi nhận thêm 10 ca nhiễm biến thể Omicron, qua đó đưa tổng số trường hợp nhiễm loại biến thể này tại Myanmar lên 76 người.
Thông báo của Bộ Y tế Myanmar cho hay trong số 10 ca bệnh trên có 8 người nhập cảnh từ Ấn Độ - bao gồm 5 công dân Myanmar và 3 người nước ngoài. Hai trường hợp còn lại là những thành viên trong một gia đình có tiếp xúc gần với bệnh nhân trước đó đã được xác định nhiễm biến thể Omicron.
Số bệnh nhân COVID-19 nặng tại Israel tăng cao nhất trong 3 tháng
Bộ Y tế Israel cho biết, tính đến ngày 14/1, số bệnh nhân COVID-19 nặng tại nước này đã tăng lên 306 bệnh nhân, trong đó 86 bệnh nhân rất nặng và 76 bệnh nhân phải thở máy.
Trong số 306 bệnh nhân trở nặng nói trên có 125 người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và 32 người chưa tiêm mũi tăng cường. Nếu tính theo tỷ lệ dân số, người trên 60 tuổi chiếm 6% số người chưa tiêm phòng nhưng chiếm tới 35% số ca nặng.
Kể từ đầu tháng này, Israel bắt đầu triển khai tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người lớn tuổi và có nguy cơ cao. Tính đến nay đã có trên 500.000 người dân nước này tiêm vaccine mũi thứ 4. Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 vẫn đang ở mức rất cao, trên 40.000 ca/ngày (trên tổng dân số khoảng 9,5 triệu người).
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Lieberman ngày 15/1 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và sẽ phải tự cách ly tại nhà, song ông vẫn tiếp tục thực hiện các công việc từ xa.
Pháp phê duyệt vaccine của hãng Novavax
Ngày 14/1, Cơ quan Y tế quốc gia Pháp (HAS) đã chính thức phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ.
Theo HAS, dữ liệu từ các nghiên cứu khác nhau cho thấy vaccine Nuvaxovid có hiệu quả cao, giúp giảm tới 90% các triệu chứng và có thể ngăn ngừa bệnh nặng lên đến gần 100%. Loại vaccine này có thể sử dụng để tiêm cho những người từ 18 tuổi trở lên, với khoảng cách giữa liều thứ nhất và liều thứ hai là 3 tuần.
HAS cho biết thêm vaccine Novaxovid có thể sử dụng cho những người chưa tiêm liều vaccine nào hoặc không thể tiêm vaccine theo công nghệ mRNA. Dự kiến, Pháp sẽ nhận lô vaccine Novaxovid đầu tiên vào cuối tháng 1, theo đó nước này có thể triển khai tiêm từ tháng 2 tới. Theo kế hoạch, Pháp sẽ nhận được 3,2 triệu liều vaccine Novaxovid trong quý I/2022.
Đến nay, Pháp đã cấp phép lưu hành 5 loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.
CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn về việc đeo khẩu trang
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cập nhật hướng dẫn người dân đeo khẩu trang để ngăn chặn sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Theo đó, cơ quan này cho biết một số loại khẩu trang có khả năng bảo vệ người dân khỏi sự tấn công của virus SARS-CoV-2 cao hơn, đồng thời đưa ra một số chỉ dẫn mà người tiêu dùng cần lưu ý.
Trong một tuyên bố, CDC Mỹ nêu rõ khẩu trang là công cụ quan trọng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và nhấn mạnh dù đeo khẩu trang loại nào cũng tốt hơn là không đeo.
Trong hướng dẫn cập nhật, CDC Mỹ khuyến nghị người dân đeo loại khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt nhất đó là đeo khít mặt và thường xuyên. Hướng dẫn mới nêu rõ một số loại khẩu trang có mức độ bảo vệ cao hơn khiến một số người có thể cảm thấy khó chịu hoặc khó đeo hơn loại khác. Điều quan trọng nhất là người dân cần đeo khẩu trang vừa với mặt, cảm thấy thoải mái và có khả năng bảo vệ tốt.
Cũng theo CDC Mỹ, các sản phẩm khẩu trang làm bằng vải dệt thưa cung cấp sự bảo vệ thấp hơn các sản phẩm dệt mịn nhiều lớp. Khẩu trang phẫu thuật và KN95 cung cấp sự bảo vệ tốt hơn và các loại khẩu trang đeo khít mặt được Viện Quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phê duyệt, trong đó có N95, cung cấp sự bảo vệ cao nhất cho người dùng trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
Hướng dẫn cập nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt hơn trong những điều kiện nguy cơ cao hoặc đối với những người có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc bệnh, trong đó có những người đang phải chăm sóc người mắc COVID-19; khi đi máy bay hoặc phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt trong thời gian dài; làm việc tại nơi phải tiếp xúc với nhiều người; chưa tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19, có nguy cơ mắc bệnh nặng do hệ miễn dịch yếu.
CDC Mỹ vẫn không khuyến khích đeo khẩu trang cho trẻ em dưới 2 tuổi, song khuyến nghị tất cả giáo viên, học sinh và những người đến trường học cần đeo khẩu trang trong không gian kín, bất kể tình trạng tiêm chủng hoặc tỷ lệ lây nhiễm của khu vực.
CDC Mỹ cũng đề nghị người dân dành khẩu trang N95 sử dụng trong phẫu thuật cho các nhân viên y tế. CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn đeo khẩu trang lần gần đây nhất vào tháng 10/2021.
Mỹ đang đứng đầu về cả số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới. Hiện nước này cũng đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 do sự lây lan của biến thể Omicron. Theo giới chuyên gia, tình hình dịch bệnh càng phức tạp hơn do nhiều người dân không tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Brazil bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi
Brazil đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi được giới chức y tế nước này cấp phép cách đây một tháng. Theo đó, hơn 20 triệu trẻ em tại Brazil đủ điều kiện để tiêm vaccine, miễn là có sự đồng ý của phụ huynh. Brazil sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm cho nhóm đối tượng này. Những người bản địa và trẻ em có nguy cơ cao là những nhóm ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Brazil, trên 300 trẻ em từ 5-11 tuổi đã tử vong vì COVID-19, trong tổng số khoảng 620.000 người không qua khỏi vì đại dịch tại nước này. Số ca nhiễm mới tại Brazil đã tăng mạnh kể từ khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Ngày 14/1, Brazil ghi nhận 112.286 ca nhiễm mới, gần bằng mức kỷ lục (115.228 ca) ghi nhận ngày 23/6/2021, thời điểm nước này chao đảo vì làn sóng thứ 3 của đại dịch.
Châu Phi ghi nhận trên 10 triệu ca mắc COVID-19
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận trên 10,4 triệu ca mắc COVID-19. Toàn châu lục với 55 quốc gia đã ghi nhận 234.096 ca tử vong.
Những quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong châu lục gồm Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Xét về khu vực, khu vực phía Nam châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là Bắc Phi và Đông Phi. Trung Phi ít bị ảnh hưởng nhất.
CDC Châu Phi cảnh báo nhiều quốc gia trong khu vực đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Những nước đang có dấu hiệu dịch tăng nhanh gồm có Maroc, Ethiopia, Tunisia, Zambia, Libya, Algeria…