COVID-19 tới 6 giờ sáng 8/4: Thế giới xấp xỉ 2,9 triệu ca tử vong; Phát hiện biến thể SARS-CoV-2 tại nhiều nước

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 650.696 trường hợp mắc COVID-19 và 12.950 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt mức 133,6 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,89 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, ngày 31/3/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 133.674.287 ca, trong đó có 2.898.588 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 107.797,186 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 22.978.513 ca và 97.814 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 7/4, thế giới có tới 108 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 571.126 ca tử vong trong tổng số 31.637.216 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 341.097 ca tử vong trong số 13.197.031 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 166.892 ca tử vong trong số 12.926.061 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, ngày 14/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận thêm 668 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 106.898 ca. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong 3 tháng qua, kể từ thời điểm làn sóng lây nhiễm thứ 3 bùng phát. Trong số các ca nhiễm mới có 653 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca nhập cảnh. Việc số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh - vượt ngưỡng 600 ca - cho thấy nguy cơ lây nhiễm tập thể đang trở nên nghiêm trọng. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4, tăng cường mở rộng phạm vi xét nghiệm nhằm nhanh chóng phát hiện người mắc bệnh trong cộng đồng.

Hàn Quốc đã tiêm chủng cho hơn 1,03 triệu người (tương đương 2% dân số), trong đó tổng số người được tiêm vaccine mũi thứ hai là 33.414 người. Quốc gia này cũng vừa phê chuẩn lưu hành vaccine của Johnson & Johnson. Tuy nhiên, cùng ngày, Hàn Quốc cũng thông báo tạm hoãn tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho nhóm người dưới 60 tuổi do những lo ngại liên quan chứng đông máu và sẽ đưa ra quyết định mới sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) họp công bố đánh giá về các hiện tượng đông máu ghi nhận ở những người được tiêm vaccine này.

Tại Nhật Bản, thành phố Osaka ghi nhận số ca mắc mới trong ngày lần đầu tiên vượt 800 người. Số ca mắc COVID-19 tại thành phố Osaka đã bắt đầu tăng nhanh kể từ cuối tháng 3 sau khi chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng ban bố khẩn cấp. Từ ngày 1 đến 3/4, số ca nhiễm tại địa phương này liên tục trên mức 600 ca và đến ngày 6/4 lần đầu tiên vượt mốc 700 ca. Tỉnh Hyogo cũng ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận hằng ngày cao nhất từ trước đến nay là 328 người. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm tại địa phương này cao hơn 300 người.

Thành phố Osaka và tỉnh Hyogo là hai trong số ba địa phương đang nằm trong diện được chính phủ áp dụng các biện pháp phòng dịch tăng cường trong 1 tháng từ ngày 05/4-05/5.  Một địa phương khác tại Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao nhất kể từ khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp lần hai là thủ đô Tokyo. Trong ngày 7/4, chính quyền Tokyo xác nhận 555 ca mới và số ca nhiễm trung bình 7 ngày gần đây tại Tokyo là 417 người, tăng 115,6% so với số liệu thống kê trung bình tuần trước đó.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 19/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 tại Thái Lan đang diễn biến phức tạp với các ca mắc mới được phát hiện ở nhiều địa phương trên toàn quốc có liên quan đến ổ dịch hiện nay ở thủ đô Bangkok. Thái Lan ghi nhận thêm 334 ca nhiễm mới, tăng 33% so với ngày hôm trước, trong đó, thủ đô Bangkok có tới 216 ca, chiếm 66% tổng số ca xác nhận trong ngày. Đáng chú ý, Thái Lan ghi nhận ít nhất 24 ca đầu tiên nhiễm biến thể B.1.1.7 của SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh.

Do đặc tính lây nhiễm nhanh của biến thể này cùng với việc số ca nhiễm mới tăng cao trong tuần qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chỉ thị các cơ quan chức năng chuẩn bị thành lập các bệnh viện dã chiến ngay tại khu vực thủ đô Bangkok để ứng phó tình hình. Kể từ khi dịch xuất hiện hồi tháng 1/2020 đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 29.905 ca bệnh, trong đó có 95 ca tử vong. Thái Lan đã khởi động chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 từ ngày 28/2 và cho đến nay đã tiêm được 323.989 liều vaccine phòng COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực Tây Thái Bình Dương đã bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm đang tăng tại Philippines và cảnh báo xu hướng gia tăng này “đang hướng đến ranh giới đỏ”. Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng số ca mắc COVID-19 tại Philippines “vượt quá năng lực chăm sóc y tế” và có nhiều yếu tố làm gia tăng tình trạng lây nhiễm tại Philippines và các nước khác, trong đó có sự xuất hiện của các chủng virus dễ lây lan hơn và việc người dân thiếu tuân thủ các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang và rửa tay. Ngày 7/4, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 6.414 ca nhiễm mới và 242 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 819.164 ca, với 14.059 ca tử vong.

Campuchia kêu gọi công dân nước này, đặc biệt là công chức và lực lượng vũ trang, đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Tiêm vaccine tại Campuchia sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, thay vì dựa trên tinh thần tự nguyện như trước, trừ những người có vấn đề về sức khỏe được các bác sĩ xác nhận. Sáng 7/4, Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 91 ca nhiễm mới COVID-19 và 30 người khỏi bệnh.

Trong 91 ca mắc mới có 1 ca nhập cảnh, còn 90 ca lây nhiễm cộng đồng. Các bệnh nhân mới là người Campuchia và Việt Nam tại các tỉnh Takeo, Svay Rieng, Tbong Khmum, Pursat, Kampong Cham, Pailin, Prey Veng, và thủ đô Phnom Penh. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.915 ca mắc COVID-19, trong đó 1.824 ca hồi phục và 22 người tử vong.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/4/2021. Ảnh: THX/TTXV

Lào sẽ mở rộng diện đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khi nhận được nhiều vaccine từ các nước bạn và các tổ chức quốc tế. Cụ thể, bên cạnh các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, Lào sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng cho các cán bộ, viên chức nhà nước của các bộ, các cơ quan ngang bộ, các sở ban ngành ở địa phương, nhân viên các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và gia đình của họ, cũng như một số doanh nghiệp trong diện có nguy cơ. Tính đến ngày 4/4, đã có 102.491 người trong các nhóm nguy cơ ở Lào được tiêm mũi vaccine đầu tiên, trong khi 6.171 người đã tiêm mũi thứ hai, sử dụng vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) và AstraZeneca.

Tại Trung Đông, Iran thông báo ghi nhận số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua cao chưa từng thấy, với 17.430 ca mắc mới, vượt mức đỉnh 14.051 ca ghi nhận được hồi cuối tháng 11/2020. Iran đã ghi nhận tổng cộng 1.963.394 ca mắc COVID-19. Ngoài ra, Iran cũng ghi nhận thêm 174 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 63.506 ca.

Trước tình hình trên, giới chức y tế Iran cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 4 tại quốc gia Hồi giáo này. Iran đang chống chọi với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất tại Trung Đông và số ca mắc mới có chiều hướng gia tăng trong nhiều tuần qua do người dân di chuyển nhiều trong dịp Năm mới của nước này.  

Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 49.584 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 3.579.185 ca. Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 11/3/2020 và tổng số người thực hiện xét nghiệm tại nước này đến nay là 40.083.142 người.

Ukraine ghi nhận 481 ca tử vong và 5.587 ca nhập viện trong 24 giờ qua, đều ở mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay. Nhiều tháng nay, hệ thống y tế lạc hậu của Ukraine phải vật lộn với sức ép do dịch bệnh lây lan. Riêng tại thủ đô Kiev, thị trưởng Vitali Kilitschko cảnh báo hệ thống y tế sẽ khó trụ vững nếu không ngăn được đà lây lan của dịch, các bệnh viện sẽ rất nhanh không còn giường điều trị. Kể từ đầu dịch, Ukraine ghi nhận hơn 1,7 triệu ca mắc COVID-19 trong số 40 triệu dân, trong đó có hơn 35.000 ca tử vong. Chiến dịch tiêm chủng của Ukraine cũng đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung. Hiện nước này mới có 500.000 liều vaccine của AstraZeneca và 215.000 liều vaccine của Trung Quốc.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Portimao, Bồ Đào Nha ngày 9/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ  Y tế liên bang Đức kêu gọi triển khai các biện pháp chống đại dịch COVID-19 một cách đồng bộ trên cả nước để ngăn chặn sự bùng phát mạnh của làn sóng lây nhiễm thứ ba hiện nay. Theo bộ này, cần có "sự đồng bộ và thống nhất" giữa liên bang và tất cả 16 bang, không để chỉ số lây nhiễm 7 ngày vượt 100 ca/100.000 dân.

Trước đó, chính phủ liên bang và chính quyền các bang của Đức đã thống nhất kế hoạch "phanh khẩn cấp" khi chỉ số lây nhiễm COVID-19 vượt quá 100 ca/100.000 dân, song không phải tất cả các bang đều thực thi kế hoạch này. Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã lên tiếng chỉ trích các bang không thực hiện cam kết, cảnh báo có thể cân nhắc áp đặt các biện pháp phong tỏa triệt để và đồng bộ trên cả nước nếu các bang không hành động.

Tại Mỹ, bang California sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn các lĩnh vực kinh tế vào ngày 15/6 tới nếu duy trì được tốc độ tiêm chủng hiện tại. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp sẽ được tự do mở cửa trở lại, trong khi cư dân được khuyến khích tuân thủ "các biện pháp giảm thiểu rủi ro thông thường". Các sự kiện trong nhà quy mô lớn, chẳng hạn hội nghị, sẽ được phép tổ chức song đi kèm với các yêu cầu xét nghiệm hoặc xác nhận tiêm chủng.

Tuy nhiên, bang này vẫn sẽ xem xét lại kế hoạch mở cửa kinh tế nếu cần thiết và sẽ theo dõi hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa các biến thể mới của virus. California - bang đông dân nhất của Mỹ - được đánh giá cao về cách thức ứng phó dịch COVID-19. Bang này đã tiêm chủng 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và số ca mắc mới vẫn duy trì ở mức thấp sau khi giảm nhanh kể từ tháng 1. Giới chức bang nhấn mạnh có được thành quả này là nhờ người dân hạn chế ra ngoài, đeo khẩu trang và tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tổng thống Indonesia kêu gọi phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19
Tổng thống Indonesia kêu gọi phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 7/4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bình luận về quá trình phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, trong đó cho rằng còn tồn tại quan điểm "chủ nghĩa dân tộc vaccine", làm cản trở việc cung ứng vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới và kéo dài đại dịch toàn cầu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN