Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 66.157.201 ca, trong đó có 1.522.918 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 45.763.170 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 18.871.236 ca và 106.089 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 4/12, thế giới có tới 147 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 99 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Số liệu thống kê của hãng tin AFP công bố cùng ngày cho thấy kể từ ngày 24/11 vừa qua, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu liên tục ghi nhận trên 10.000 ca/ngày, mức chưa từng ghi nhận trước đó.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19, với tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 14.736.502 triệu ca và 285.280 ca. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.531.295 ca mắc COVID-19 và 138.628 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 6.607.632 ca mắc và 175,964 ca tử vong.
Với 2.731 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao kỷ lục kể từ tháng 3, trong khi số ca nhập viện lần đầu tiên vượt 100.000 ca/ngày. Giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (UNIAID), Tiến sĩ Anthony Fauci ngày 4/12 cảnh báo Mỹ vẫn chưa trải qua “đỉnh dịch hậu kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn” về mức độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, ngay cả khi các bang trên khắp nước Mỹ đã ghi nhận số ca lây nhiễm tăng kỷ lục trong tuần qua.
Phát biểu với hãng tin NBC News, Tiến sĩ Fauci nêu rõ: “Chúng ta vẫn chưa trải qua đỉnh dịch hậu kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn”, và cho biết thêm rằng Mỹ sẽ có thể không nhận thấy ảnh hưởng đầy đủ do các cuộc tụ họp và đi lại vào kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn gây ra cho đến khoảng 2-3 tuần sau kỳ nghỉ này.
Trong khi đó, tại châu Âu, Italy là nước ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất châu lục, với 993 ca. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Italy lần lượt là 1.664.829 ca và 58.038 ca.
Hungary ghi nhận thêm 189 ca tử vong trong ngày 4/12, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 5.513 ca. Trong khi đó, số ca mắc tại quốc gia Trung Âu này tăng thêm 6.212 ca lên 238.056 ca.
Tại Nga, trong cuộc họp chính phủ về tình hình lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày 4/12, Phó Thủ tướng Nga, bà Tatyana Golikova cho biết tất cả các chủ thể của nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng quy mô lớn ngừa COVID-19 vào cuối tuần tới.
Bà Golikova thông báo: "Tôi muốn nói rằng việc tiêm chủng đã bắt đầu với quân đội Nga, ở thành phố Moskva. Và vào cuối tuần, tất cả các vùng miền trên cả nước sẽ tiến hành đợt tiêm chủng này". Theo bà Golikova, 168.000 liều vaccine Sputnik V đã được đưa vào lưu hành dân sự.
Bà Golikova cũng cho biết tình hình lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện nay ở Nga cho phép có thể tuyên bố một cách thận trọng rằng tốc độ lây lan đã dịu bớt. Bà nói: "Trung bình trong nước, động lực của quá trình dịch bệnh cho phép chúng tôi đánh giá một cách thận trọng rằng tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 đang chậm lại".
Trước đó, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết các chủ thể của Nga đang ở mức độ sẵn sàng khá cao để tiêm chủng đại trà ngừa virus SARS-CoV-2. Vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 - Sputnik V do Trung tâm Gamaleia phát triển đã được đăng ký tại Nga ngày 11/8. Các nhà phát triển đánh giá hiệu quả của Sputnik V là hơn 95%. Ngày 14/10, vaccine EpiVacCorona của Trung tâm Vector tiếp tục được đăng ký.
Nhằm khống chế dịch bệnh, Chính phủ Hy Lạp đã quyết định kéo dài tình trạng phong tỏa trên toàn quốc cho đến ngày 14/12 tới. Đây là lần thứ hai Hy Lạp gia hạn sắc lệnh phong tỏa cả nước, có hiệu lực từ ngày 7/11. Lần gia hạn đầu tiên cách đây một tuần. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Hy Lạp có tổng cộng 111.537 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 2.706 ca tử vong.
Tại châu Á, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận 36.595 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày ở mức dưới 40.000 ca/ngày vào ngày thứ 5 liên tiếp ở Ấn Độ. Hiện tổng số ca nhiễm tại quốc gia Nam Á này tăng lên 9,57 triệu ca, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ (hơn 14,5 triệu ca nhiễm). Số ca tử vong tại Ấn Độ trong vòng 24 giờ qua cũng tăng thêm 540 ca, nâng tổng số người không qua khỏi lên 139.188 người.
Lần đầu tiên trong 9 tháng qua, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày vượt 600 ca, bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội đã được thắt chặt và tăng cường.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố thêm 629 ca nhiễm mới, trong đó 600 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 36.332 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia châu Á này đã lên tới 536 ca.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc sáng 4/12 thông báo trong 24 giờ qua Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, trong đó có hai ca lây nhiễm trong cộng đồng tại vùng Nội Mông. Tính đến hết ngày 3/12, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 86.584 ca mắc COVID-19, bao gồm 271 bệnh nhân vẫn đang được điều trị, trong đó có 5 ca bệnh nặng. Tổng cộng 81.679 bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc đại lục đã xuất viện sau khi bình phục và 4.634 bệnh nhân đã tử vong.
Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận thêm 112 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 3 trong vòng 7 ngày qua, số ca nhiễm mới tại vùng lãnh thổ này vượt 100 ca. Trong số 112 ca nhiễm mới, có 100 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 36 người chưa rõ nguồn lây - mức cao nhất kể từ khi làn sóng lây nhiễm hiện nay bùng phát.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền Hong Kong đã quyết định hủy hoạt động bắn pháo hoa mừng Năm mới vào ngày 31/12 tới tại Cảng Victoria, cũng như lễ diễu hành được tổ chức vào Tết Nguyên đán (theo Âm lịch).
Tại châu Đại dương, New Zealand không ghi nhận ca nhiễm mới nào, lần đầu tiên trong vòng vài tuần qua và tổng số ca mắc COVID-19 vẫn là 1.713 ca.
Liên quan đến kế hoạch sản xuất và phân phối vaccine phòng COVID-19, công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) thông báo kế hoạch cung cấp từ 100-125 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong quý I/2021, trong đó phần lớn sẽ được phân phối ở Mỹ.
Theo tuyên bố, khoảng 85-100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng này sẽ được cung cấp cho thị trường Mỹ, 15-25 triệu liều còn lại sẽ phân phối cho các nước khác. Moderna xác nhận vào cuối năm 2020 sẽ có 20 triệu liều vaccine của công ty này tại Mỹ.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý dược phẩm uy tín đang tiến hành đánh giá độ an toàn và hiệu quả của các loại vaccine triển vọng ngừa COVID-19 trước khi chính thức cấp phép sử dụng. Nhiều nước châu Âu và châu Mỹ đã công bố kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.401 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 28.500 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 1.141 ca bệnh phát sinh, song trong 1 ngày qua nước này không có tử vong mới nào vì COVID-19.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.502 ca bệnh mới và 31 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Như vậy, trong 24 giờ qua, Philippines đã vượt qua Myanmar để tiếp tục trở thành nước có số ca tử vong/ngày vì đại dịch nhiều cao thứ hai trong số các nước thành viên của khối.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 28.550 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 218 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.230.993 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.063.128 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Việt Nam, Timor Leste, Brunei và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 4/12.
Tại Campuchia, tối 4/12, bà Youk Sambath Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia thông báo bộ này tiếp tục phát hiện 6 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại hiệu thời trang Pedro trên đại lộ Preah Sihanouk, sau khi phát hiện 1 người tại cửa hàng này có kết quả dương tính trước đó.
Đồng thời với công bố của Bộ Y tế, Thủ tướng Campuchia đã đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia đang diễn biến nguy hiểm, phức tạp nhưng cơ quan y tế Campuchia chưa xác định được nguồn, thời gian lây nhiễm.
Các biện pháp mới của Chính phủ Campuchia được đưa ra sau khi nước này phát hiện trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 28/11/2020 là Tổng cục trưởng Tổng cục trại giam thuộc Bộ Nội vụ và người thân trong gia đình ông này. Cho đến nay, Campuchia đã phát hiện 341 trường hợp mắc COVID-19 trong đó 304 trường hợp đã được chữa khỏi và 37 trường hợp đang được điều trị.