Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 30/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 128.190.161 ca, trong đó có 2.802.965 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 103.348.563 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 22.038.633 ca và 94.492 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 29/3, thế giới có tới 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.
Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm với 31.025.049 ca mắc và số ca tử vong là 563.031. Brazil đứng thứ hai với 12.573.615 ca nhiễm và 313.866 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba với số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 12.095.329 và 162.147.
Còn lại trong tốp 10 đều là những cái tên ở châu Âu như Pháp, Nga, Anh (đều trên 4,3 triệu ca nhiễm), hay Italy, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ (đều trên 3,2 triệu ca nhiễm) và Đức đứng thứ 10 với 2.786.345 ca nhiễm.
Đặc biệt tại Pháp, nhà chức trách cảnh báo các bệnh viện của Paris sẽ sớm rơi vào quá tải do số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 nhập viện dồn dập, và có nguy cơ buộc phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân trong 10, 15 ngày hoặc 3 tuần tới.
Người đứng đầu Ủy ban Y tế của nhóm các bệnh viện Paris AP-HP, ông Remi Salomon đề xuất nhà chức trách triển khai đợt phong tỏa mới, trong đó có lệnh đóng cửa các trường học.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Mỹ với những làn sóng dịch mới khiến số ca nhiễm theo ngày liên tục được ghi nhận những con số kỷ lục mới bất chấp những biện pháp đối phó tăng cường của nhiều nước.
Tại khu vực Nam Mỹ, sự lây lan chóng mặt của biến thể mới của COVID-19 được phát hiện ở bang Manaos thuộc vùng Amazona của Brazil không chỉ khiến cho hệ thống bệnh viện của nước này quá tải, số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao kỷ lục, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nước láng giềng. Trong bối cảnh đó, Bolivia và Argentina đã buộc phải đưa ra những biện pháp đối phó mới, trong khi Chile và Paraguay đã áp đặt trở lại lệnh phong tỏa bắt buộc.
Tại Brazil, trong bối cảnh chính phủ liên bang của Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn tỏ ra “thờ ơ” với các biện pháp cách ly ở cấp quốc gia, chính quyền nhiều địa phương đã buộc phải đưa ra những quyết định riêng để bảo vệ người dân ở từng địa phương. Bang Rio de Janeiro, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng, đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa toàn bộ bang trong thời gian 10 ngày, trong đó các bãi biển, các cửa hàng, rạp phim và bảo tàng sẽ buộc phải đóng cửa và chỉ có các dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động.
Bang Sao Paolo, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch COVID-19 ở Brazil, cũng đưa ra biện pháp tương tự, đồng thời cho phép người dân được nghỉ lễ trước vài ngày để nối với những ngày nghỉ trong Tuần lễ Thánh, tạo ra một giai đoạn dừng các hoạt động dài hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong khi đó, giới chức y tế Paraguay thông báo trong tuần qua tất cả số giường chăm sóc tích cực tại các bệnh viên trên cả nước đã phải sử dụng để phục vụ các bệnh nhân COVID-19 và số ca mắc bệnh mới đã ghi nhận mức kỷ lục 2.688 ca/ngày.
Chính phủ nước này đã quyết định siết chặt các biện pháp đối phó bằng cách áp đặt lệnh cách ly xã hội bắt buộc kéo dài ít nhất tới ngày 4/4 khi kết thúc Tuần lễ Thánh. Người dân được yêu cầu ở trong nhà và chỉ di chuyển ra đường khi thực sự cần thiết. Hệ thống giáo dục tiếp tục hoạt động giảng dạy từ xa, trong khi các cửa hàng không thiết yếu và hàng ăn chỉ được phép bán hàng qua mạng và chuyển đồ cho người mua tới tận nhà.
Tại Chile, tình hình cũng đang ngày một xấu đi khi số ca nhiễm mới theo ngày bất ngờ tăng lên mức trung bình hơn 6.000 ca trong tuần qua bất chấp việc nước này đã triển khai nhanh chóng nhất ở khu vực chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân.
Cuối tuần qua, chính phủ của Tổng thống Sebastian Piñera đã quyết định phong tỏa nhiều địa phương trên cả nước và có tới 70% người dân nước này nằm ở những khu vực bị cách ly bắt buộc.
Uruguay, từng được coi là điểm sáng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Nam Mỹ, cũng đang bước vào một giai đoạn tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch với số ca nhiễm mới và tử vong được ghi nhận ở mức kỷ lục. Với chỉ hơn 3,4 triệu dân, tuần qua số ca mắc COVID-19 của Uruguay đã vượt mốc 2.500 trường hợp/ngày và tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân đã vọt lên 52 trường hợp, trong khi cách đây 1 tháng con số này mới chỉ ở mức 18 ca bệnh trên 100.000 dân. Trong bối cảnh đó, cơ quan chức năng đã buộc phải đóng cửa các trường học cho tới sau Tuần lễ Thánh, các cơ quan nhà nước cũng tạm dừng hoạt động tập trung, và các dịch vụ vui chơi giải trí công cộng cũng không được phép hoạt động
Trong khi đó, Argentina cũng quyết định đóng toàn bộ các cửa khẩu biên giới trên bộ với các nước láng giềng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Cùng với đó, các chuyến bay thương mại nối với Brazil, Chile, Anh và Mexico cũng bị dừng hoạt động trong thời gian trước mắt khi làn sóng thứ 2 của COVID-19 đang tấn công mạnh vào quốc gia Nam Mỹ này.
Trong những tuần qua, số ca nhiễm bệnh mới đang tăng mạnh trở lại và lại vượt con số 10.000 ca/ngày sau một thời gian giảm xuống mức trung bình 3.000-4.000 ca.
Ngày 29/3, Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Mueller cho rằng sự hợp tác và tài trợ toàn cầu là yếu tố quyết định khả năng tiếp cận công bằng vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho tất cả mọi người.
Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Mueller nêu rõ việc có được hạ tầng để giúp triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 tại các nước nghèo nhất thế giới là hết sức quan trọng và Đức sẽ cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến này.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế Nga đã cho phép sử dụng phiên bản một mũi đối với vaccine ngừa COVID-19 có tên là Sputnik-Light. Theo hãng tin TASS của nước này, tuần trước, Nga thông báo đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine trên. Đây được coi là giải pháp tạm thời khả thi nhằm giúp các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao tiêm vaccine cho nhiều người hơn.
Mặc dù vậy, Moskva cho biết vaccine Sputnik V loại 2 liều sẽ vẫn là phiên bản chính được sử dụng ở Nga.
Liên quan đến cuộc chiến ứng phó đại dịch COVID-19, Bồ Đào Nha ngày 29/3 thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm bay đến và từ Brazil và Anh đến ngày 15/4.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha cho biết chỉ những công dân nước này và Liên minh châu Âu (EU) mới có thể đi lại giữa 3 nước nhưng với điều kiện có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Khi nhập cảnh vào Bồ Đào Nha, tất cả những người này đều phải thực hiện cách ly 14 ngày.
Trước đó, Bồ Đào Nha đã cấm các chuyến bay tới và đi từ Brazil và Anh từ cuối tháng 1/2020, thời điểm các biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại cả hai nước trên. Bồ Đào Nha cho biết những du khách đến từ những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 ở mức 500/100.000 người hoặc cao hơn, như Pháp và Italy, đều bị yêu cầu cách ly 14 ngày sau khi đến bất kể bằng đường không hay đường bộ.
Trong khi đó, Slovenia cũng cho biết sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế đến giữa tháng 4 sau khi xem xét tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia láng giềng. Thủ tướng Janez Jansa đã thông báo lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu cũng như các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, cấm tập trung đông người và hạn chế đi lại trong thời gian từ ngày 1-12/4 tới. Toàn châu Âu hiện ghi nhận 39.106.997 ca nhiễm và 903.716 ca tử vong.
Bắc Mỹ hiện đứng sau châu Âu với 35.640.740 ca nhiễm và 815.359 ca tử vong. Mexico đứng thứ hai của khu vực này, song số ca nhiễm ít hơn nhiều so với Mỹ, hiện là 2.226.550 ca, trong khi số ca tử vong gần bằng một nửa của Mỹ, hiện là 201.623 ca. Khu vực Nam Mỹ cũng đã ghi nhận tổng cộng 20.826.207 ca nhiễm và 540.886 ca tử vong.
Ngày 29/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết mọi giả định về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn để ngỏ và cần được nghiên cứu thêm.
Ông đưa ra bình luận trên sau khi các hãng tin AFP và AP đưa tin về dự thảo báo cáo của WHO sau chuyến thăm là việc tại Vũ Hán (Wuhan, Trung Quốc) để nghiên cứu và đã đưa ra 4 khả năng virus SARS-CoV-2 truyền bệnh sang con người trước khi lây lan ra khắp thế giới. Theo ông, nhóm chuyên gia quốc tế sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 30/3 để thảo luận về những gì đã phát hiện được trong chuyến đi và báo cáo cuối cùng sẽ được công bố trên trang mạng của WHO cùng ngày.
Cùng ngày, WHO đã cảnh báo về khoảng cách ngày càng nới rộng trong việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 tới những nước giàu có và những nước nghèo hơn thông qua Cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu (COVAX) do tổ chức này đứng đầu. Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ việc phân phối thiếu cân bằng vaccine ngừa COVID-19 không chỉ trái với đạo đức, mà còn gây tổn hại về mặt kinh tế và dịch tễ học. Ông nhấn mạnh chừng nào virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan khắp mọi nơi, tính mạng của người dân vẫn bị đe dọa, trong khi các hoạt động thương mại và đi lại sẽ tiếp tục bị gián đoạn, kéo theo đó là đà phục hồi kinh tế chậm chạp.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.089 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 58.400 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Campuchia.
Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như ca tử vong mới cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước. Dù vậy, trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca tử vong mới COVID-19 cao thứ hai ở châu Á, sau Ấn Độ.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều gấp đôi Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong lại giảm mạnh so với các ngày trước.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Campuchia có một ngày ghi nhận thêm một ca tử vong mới.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19 tại nước này.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 29/3 ghi nhận thêm 39 ca bệnh mới.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 29 bệnh nhân mới trong ngày 29/3. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 58.406 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 154 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.812.986 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.490.556 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào (Myanmar không công bố số liệu).