COVID-19 tới 6 giờ sáng 29/4: Phần Lan số ca tử vong tăng vọt; Trung Quốc kiên trì theo đuổi ‘Zero COVID’

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 602.135 trường hợp mắc COVID-19 và 2.335 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 512 triệu ca, trong đó trên 6,25 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 512.036.492 ca, trong đó có tổng cộng 6.245.533 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 465 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 40 triệu ca và trên 42.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 28/4, thế giới có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 64 nước có người tử vong vì căn bệnh này. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 119.000 ca), trong khi Phần Lan là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 301 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 242 ca tử vong. Trong ngày 28/4, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 14.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (127 ca).

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 190,2 triệu ca mắc, và hơn 1,8 triệu ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với  hơn 147,6 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong. Với số ca tử vong tương đương châu Á, khu vực Bắc Mỹ ghi nhận ít ca mắc hơn, hiện là hơn 98,1 triệu ca. Con số này ở Nam Mỹ là hơn 56,7 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới. Số ca mắc ở Mỹ (hơn 82,8 triệu) cao gấp đôi ở Ấn Độ (hơn 43 triệu). Số ca tử vong ở Ấn Độ (hơn 523.000) bằng một nửa ở Mỹ (hơn 1 triệu ca). Brazil nhiều ca tử vong hơn Ấn Độ (663.000 ca) trong khi ít ca mắc hơn (30,3 triệu ca).

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp. Một số trường học ở thủ đô Bắc Kinh đã phải chuyển sang chế độ học tập từ xa sau khi ghi nhận học sinh mắc COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm mới nhất.

Tính đến 15h00 ngày 27/4, tổng cộng 138 ca lây nhiễm trong cộng đồng đã được ghi nhận tại Bắc Kinh kể từ ngày 22/4, liên quan đến 8 quận. Học sinh của 6 trường phổ thông và 2 trường mẫu giáo chiếm 31% số ca mắc. Thủ đô Bắc Kinh hiện có 5 khu vực nguy cơ cao về dịch và 15 khu vực nguy cơ trung bình.

Trong khi đó, thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, một trung tâm thương mại và sản xuất lớn ở miền Nam Trung Quốc, cùng ngày đã bắt đầu xét nghiệm cho 5,6 triệu người sau khi phát hiện 1 ca nghi nhiễm ở sân bay. Trung tâm công nghệ Hàng Châu gần Thượng Hải cũng yêu cầu xét nghiệm định kỳ 48 giờ đối với 9,4 triệu người ở khu vực trung tâm, trong số 12,2 triệu cư dân thành phố, nếu họ muốn đến các nơi công cộng và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/4/2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Hàn Quốc đang cân nhắc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở ngoài trời vào tuần tới trong bối cảnh nước này tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm số ca nhiễm mới. Theo một quan chức Chính phủ Hàn Quốc, ngay sau khi các biện pháp hạn chế về giờ giấc kinh doanh và các cuộc tụ họp riêng tư được dỡ bỏ hoàn toàn, số ca COVID-19 vẫn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ bệnh nặng và tử vong duy trì ổn định. Theo đó, giới chuyên gia cho rằng việc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở ngoài trời, nơi nguy cơ lây nhiễm thấp hơn trong không gian kín, là có thể.

Tại Nhật Bản, khu vực tư nhân đề nghị chính phủ nới lỏng hơn nữa kiểm soát biên giới cho người nước ngoài, trong đó có việc mở cửa cho khách du lịch nước ngoài. Ông Masakazu Tokura, Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), cho rằng chính phủ cần nâng giới hạn về số lượng người nhập cảnh mỗi ngày và nới lỏng các thủ tục nhập cảnh bổ sung khi mà các biện pháp như vậy đã được xác định là ít hiệu quả hơn trong việc giảm số ca mắc mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần “nối lại một cách dần dần” việc tiếp nhận khách du lịch để đối phó với sự sụt giảm về thặng dư tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, các chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vừa lên tiếng cảnh báo về khả năng số ca mắc COVID-19 ở nước này có thể tăng trở lại sau Tuần lễ Vàng do số người đi du lịch sẽ tăng cao hơn so với bình thường trong kỳ nghỉ dài vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 này.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Pháp là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 28,4 triệu ca mắc và 145.579 ca tử vong. Tiếp đó là Đức với hơn 24,4 triệu ca mắc và Anh với hơn 22 triệu ca. Liên minh châu Âu (EU) dự định giữ lại hầu hết năng lực sản xuất vaccine, vốn được phát triển mạnh mẽ khi đối mặt với đại dịch COVID-19, để đối phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai.

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách nội khối Thierry Breton, sau một giai đoạn phát triển chưa từng có để đối phó với COVID-19, EU đã đạt năng lực sản xuất tương đương 3 hoặc 4 tỷ liều vaccine mỗi năm.

Với mục tiêu tiếp tục có vaccine “địa phương” để có thể được huy động nhanh chóng trong tương lai, Ủy ban châu Âu (EC)  mong muốn duy trì một “mạng lưới” các địa điểm sản xuất vaccine trên đất châu Âu, với khả năng có “quyền ưu tiên”.

Chú thích ảnh
Người dân đi mua sắm tại khu vực Causeway Bay, ngày 23/4. Ảnh: Mạc Luyện PV TTXVN tại Hong Kong

Để đạt được mục tiêu này, EC đưa ra sáng kiến "EU FAB", kêu gọi đấu thầu dự trữ năng lực sản xuất vaccine theo ba công nghệ lớn là protein, RNA thông tin hoặc vector virus đặt tại EU hoặc ở Iceland, Liechtenstein, Na Uy, các quốc gia của khu vực kinh tế châu Âu, với mục tiêu đối phó với “các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai”.

Các công ty dược phẩm và các công ty sản xuất cho những đối tượng khác trong lĩnh vực dược phẩm có thể đăng ký tham gia cho đến ngày 3/6. EC nhấn mạnh cuộc chiến chống COVID-19 mang lại cho các quốc gia thành viên cơ hội tăng cường giám sát sức khỏe, hệ thống y tế và sự chuẩn bị chung  cho các đại dịch trong tương lai.

Tuy nhiên, do vẫn còn nguy cơ gia tăng số ca mắc mới khi virus tiếp tục biến đổi nên các quốc gia cần chuẩn bị các kế hoạch để nhanh chóng trở lại trạng thái khẩn cấp khi cần và nên đẩy mạnh các chiến dịch tiêm phòng.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Hơn 213,64 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam
Hơn 213,64 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam

Trong ngày 27/4/2022 có 327.296 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 213.645.290 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 195.134.871 liều, tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.360.022 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.150.397 liều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN