Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 488.066.100 ca, trong đó có 6.165.557 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 422 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 58 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 31/3, thế giới có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 320.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 330 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, qua đó tiếp tục kiên trì với chiến lược “Không COVID”.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 31/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 27 triệu trường hợp và 401.466 ca tử vong. Trong ngày 31/3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 85.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Philippines ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (124 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Tất cả các nước thành viên ASEAN đều ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Tại Thái Lan, du khách nhập cảnh từ ngày 1/4 sẽ không cần làm xét nghiệm trước khi khởi hành. Tuy nhiên, những người nhập cảnh theo một trong các chương trình “Xét nghiệm & Lên đường” (Test & Go), “Hộp cát” (Sandbox) và Cách ly sẽ vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR khi đến. Họ cũng được yêu cầu tự xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến và theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú.
Ngoài ra, du khách đến theo chương trình “Hộp cát” phải ở tại khu vực được chỉ định trong 5 ngày. Du khách đến theo chương trình cách ly, kể cả những người bị bắt khi nhập cảnh bất hợp pháp, sẽ bị cách ly trong 5 ngày và làm xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 4 hoặc thứ 5 sau khi đến.
Tại Myanmar, các trường đại học và cao đẳng sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 12/5 tới sau 2 năm tạm thời đóng cửa do đại dịch COVID-19 hoành hành. Thông báo của Bộ Giáo dục Myanmar cho biết các sinh viên đã trúng tuyển năm học 2019-2020 cũng có thể nhập học các lớp năm thứ nhất. Các khóa học cho sinh viên bán thời gian của các trường đại học nói trên sẽ mở lại trong tháng 9 và 10.
Trong khi đó, tháng 11, các trường đại học sẽ đón sinh viên năm nhất là các em trúng tuyển kỳ thi đầu vào năm học 2021-2022. Thông báo này được đưa ra sau khi Myanmar nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bao gồm cho phép tụ tập đến 400 người tại các nơi công cộng.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với hơn 81,7 triệu ca mắc và hơn 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (659.570 ca). Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 178,1 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,7 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn 139,3 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 96,5 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 56 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.
Tại Australia, làn sóng dịch do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron tiếp tục lan rộng trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào mùa Đông. Theo thống kê, số ca tử vong do COVID-19 tại Australia có chiều hướng tăng. Bang đông dân nhất Australia - New South Wales (NSW) ngày 31/3 ghi nhận 22.107 ca mắc mới và 17 ca tử vong. Đây là số ca tử vong theo ngày cao nhất ghi nhận tại bang này. Theo Giám đốc về dịch tễ học thuộc Đại học Nam Australia, Tiến sĩ Adrian Esterman, làn sóng dịch hiện tại ở NSW dường như đang tiến tới mức đỉnh, với chỉ số lây (Rt) 1,01.
Tại Nhật Bản, trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang tái bùng phát. Ngày 30/3, nước này ghi nhận thêm 53.753 ca mắc, tăng 12.000 ca so với một tuần trước đó. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca bệnh mới ở nước này gia tăng. Riêng tại thủ đô Tokyo, số ca mắc mới tăng 1,5 lần so với một tuần trước đó lên 9.520 ca. Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 bình quân trong tuần từ 24-30/3 cũng tăng 21,1% lên 7.622,6 ca/ngày.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus dự đoán mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 trên toàn thế giới sẽ giảm theo thời gian. Trong một cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ), WHO đã đưa ra những điều chỉnh chiến lược mà mọi quốc gia cần thực hiện nhằm loại bỏ các tác nhân gây lây truyền virus SARS-CoV-2, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 và chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế.
Cùng ngày, giới chuyên gia nhận định nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người tái mắc COVID-19 là do sự xuất hiện của Omicron - biến thể được cho là có khả năng "né tránh" các "hệ thống phòng thủ", vốn được hình thành từ các lần lây nhiễm cũ. Rất may, hầu hết người mắc COVID-19 lần thứ hai ít khi diễn tiến nặng. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy việc nhiễm Omicron và tiêm vaccine sẽ giúp cơ thể có sự chuẩn bị tốt hơn chống lại nguy cơ lây nhiễm mới. "Hàng rào" bảo vệ nhờ tiêm chủng và việc từng lây nhiễm trước đó đã giúp ngăn virus xâm nhập sâu vào cơ thể, gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Liên quan đến vaccine, các chuyên gia y tế khuyến nghị người trên 50 tuổi thận trọng khi tiêm mũi thứ 4. Dù Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã cho phép người trên 50 tuổi được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường thứ 2, song nhiều chuyên gia y tế cộng đồng hiện cho rằng một số đối tượng trẻ và khỏe hơn trong nhóm trên không nên vội vã tiêm mũi thứ 4 này. Theo tiến sĩ Peter Chin-Hong, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, với người 50 tuổi thì tiêm 3 mũi là tương đối đủ, do đó cần có khoảng thời gian trước khi cân nhắc tiêm mũi tăng cường bổ sung để nhắc lại hệ miễn dịch.
Trong nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí Y khoa New England, các nhà khoa học cho biết việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi đã giúp làm giảm hơn 2/3 số ca nhập viện cũng như ngăn bệnh trở nặng ở lứa tuổi này trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra tại Mỹ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 88% ca nhập viện vì COVID-19 là những người chưa tiêm chủng và 25% trường hợp bệnh trở nặng cần trợ thở. Ở nhóm trẻ 5-11 tuổi nhập viện vì COVID-19, 92% chưa tiêm phòng, 16% bệnh trở nặng cần trợ thở, trong số này 90% chưa tiêm chủng. Ở nhóm tuổi từ 12-18 phải nhập viện vì COVID-19, 87% chưa tiêm phòng, 27% bệnh trở nặng, trong đó 93% chưa tiêm chủng và có 2 trẻ tử vong. Sau khi quan sát, các nhà nghiên cứu kết luận rằng ở nhóm trẻ 5-11 tuổi, việc tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech mang lại hiệu quả bảo vệ không phải nhập viện lên tới 68% trong thời gian biến thể Omicron hoành hành.
Do nhóm lứa tuổi này mới gần đây được phép tiêm vaccine, nên vẫn chưa đủ số lượng trẻ để đưa ra đánh giá riêng về bệnh trở nặng. Ở nhóm thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi, việc tiêm phòng mang lại hiệu quả bảo vệ tới 92%, giúp không phải nhập viện do biến thể Delta và tỉ lệ này là 40% ở những người mắc biến thể Omicron. Việc tiêm chủng cũng mang lại hiệu quả 96% trong ngăn bệnh trở nặng trong giai đoạn biến thể Delta lây lan và 79% trong thời gian biến thể Omicron hoành hành.
Tiếp tục các biện pháp sống chung an toàn với COVID-19, Pakistan đã cho dừng hoạt động Trung tâm chỉ huy và điều hành quốc gia (NCOC), cơ quan giám sát việc ứng phó với dịch vì số ca mắc mới tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020.
Trong ngày 31/3, quốc gia Nam Á này ghi nhận 244 ca mắc mới, với tỷ lệ lây nhiễm là 0,82%. Cách thức ứng phó với COVID-19 của Pakistan đã được các chuyên gia y tế và cơ quan quốc tế công nhận là một trong những quốc gia chống dịch thành công nhất trên toàn cầu. Trước đó, từ ngày 16/3, Pakistan đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hối thúc thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả hơn và giảm thiểu tác động của dịch đối với sự phát triển kinh tế. Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần nhanh chóng hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2 trong khi vẫn kiên trì chính sách "Zero COVID năng động". Các quan chức ở những khu vực có dịch bùng phát nghiêm trọng nên coi công tác kiểm soát COVID-19 là ưu tiên hàng đầu và những người khiến dịch bệnh bùng phát vượt tầm kiểm soát phải chịu trách nhiệm.
Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) của Cuba mới đây cho biết sẽ sớm đề nghị cơ quan y tế quốc gia “trong những tuần tới” cấp phép sử dụng khẩn cấp “như một liều tăng cường” cho vaccine Mambisa, một trong số ít các loại chế phẩm ngừa COVID-19 sử dụng qua đường mũi đang được nghiên cứu và phát triển trên thế giới.
Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel cũng chia sẻ thông tin về những tiến bộ trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của "ứng viên" vaccine Mambisa.
CIGB cho biết đang thực hiện cùng lúc 2 thử nghiệm lâm sàng với Mambisa, một trên những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh và chưa từng tiêm bất cứ loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 nào trước đó, và một trên những người khỏe mạnh đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng gồm 3 liều vaccine Abdala, cũng do trung tâm này nghiên cứu và phát triển.
Giám đốc Nghiên cứu Y sinh của CIGB, Gerardo Guillén Nieto, cho hay một trong những tiêu chí thành công của thử nghiệm lâm sàng là tăng hiệu giá kháng thể của các tình nguyện viên lên ít nhất 4 lần, tương đương 20% khả năng ức chế virus của các kháng thể này. Các kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm sẽ được công bố tại Đại hội Quốc tế về Công nghệ Sinh học Cuba (BioHabana 2022), dự kiến được tổ chức tại thủ đô La Habana từ ngày 25-29/4.
Theo bài viết đăng trên trang abc.net.au, khoảng 2,5% người đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng tình trạng ho vẫn kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, thậm chí đến 1 năm sau khi đã âm tính với virus SARS-CoV-2. Tình trạng này ảnh hưởng đến công việc, đời sống, đặc biệt quan hệ xã hội khi những người xung quanh có thể lo ngại nguy cơ lây lan virus khi người nào đó ho.
Nguyên nhân gây ho kéo dài
Theo chuyên gia y tế Natasha Yates thuộc Đại học Bond ở Australia, không có gì ngạc nhiên khi COVID-19 gây ho cho người bệnh vì virus ảnh hưởng đến đường hô hấp, từ mũi xuống phổi. Ho là một trong những cách để cơ thể loại bỏ các tác nhân gây kích ứng không mong muốn như virus, bụi và dịch nhầy. Khi phát hiện tác nhân “lạ” trong đường hô hấp, phản xạ của cơ thể là ho để loại bỏ những tác nhân này. Mặc dù đây là một cơ chế bảo vệ hiệu quả của cơ thể, nhưng cũng là cách phát tán virus. Do đó, đây là một trong những lý do khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới.
Biện pháp
Tình trạng ho sau khi mắc COVID-19 có thể kéo dài và có thể khiến cơ thể bị suy nhược. Hầu hết cách xử lý đơn giản, ít tốn kém và có thể thực hiện mà không cần sự can thiệp của y tế. Nếu ho chủ yếu do chảy dịch mũi sau thì người bệnh có thể áp dụng biện pháp khắc phục tình trạng này như viên ngậm giảm ho, súc miệng nước muối, xịt mũi và ngủ tư thế nằm thẳng, cao đầu. Nếu cổ họng khô, rát gây ho, giải pháp là uống nước ít một, ngậm mật ong và thở chậm bằng mũi để làm ấm và ẩm cổ họng, qua đó giúp giảm phản xạ gây ho. Nếu nguyên nhân là do viêm nhiễm ở phổi, các bài tập thở có kiểm soát và xông hơi có thể hữu ích. Chất nhầy cũng có thể loãng ra bằng cách xông hơi dung dịch muối.