Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 118.591.858 ca, trong đó có 2.630.409 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 94.195.644 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.765.805 ca và 89.828 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 10/3, thế giới có tới 108 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 541.880 ca tử vong trong tổng số 29.851.560 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 158.213 ca tử vong trong tổng số 11.284.816 ca nhiễm. Brazil đứng thứ 3 với tổng số 11.202.304 ca nhiễm, trong đó 270.656 ca tử vong.
Brazil đang trải qua làn sóng dịch bệnh mới. Số ca mắc mới và tử vong tại hầu hết các thành phố trong cả nước tăng cao đã gây tình trạng quá tải cho hệ thống y tế. Có tới 25 trong tổng số 27 thành phố thủ phủ của Brazil đang phải đối mặt với tình trạng thảm họa y tế khi số giường điều trị bệnh nhân nguy kịch luôn chiếm tới hơn 80%. Hiện các chính quyền địa phương phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Tại Mỹ, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến nghiêm trong, song nhiều nơi đã mở cửa lại trường học. Hàng trăm nghìn trẻ em tại thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ) có thể quay trở lại trường học từ tháng 4 tới sau gần 1 năm phải chuyển sang học trực tuyến do đại dịch.
Los Angeles, thành phố lớn thứ hai của Mỹ, đang thụt lùi so với nhiều thành phố khác trong nỗ lực đưa sinh viên và học sinh trở lại trường học bình thường trong bối cảnh nảy sinh nhiều tranh cãi giữa mối quan ngại về an toàn và nhu cầu giảng dạy. Chính quyền thành phố đã đạt thỏa thuận với hiệp hội phụ huynh về lộ trình mở cửa trường học trở lại.
Các trường tiểu học và mẫu giáo sẽ là nhóm đầu tiên nối lại việc giảng dạy trực tiếp vào giữa tháng 4 tới. Tiếp đó là các trường trung học cơ sở vào cuối tháng 4. Thỏa thuận này phụ thuộc vào tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên trường học và việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại thành phố. Thỏa thuận còn cần sự thông qua của ban lãnh đạo nhà trường và Hiệp hội giáo viên Los Angeles.
Giới chức Mỹ nhấn mạnh việc mở cửa trường học phải cân nhắc đến tiêu chuẩn cao nhất về mức độ an toàn trong phòng dịch, số ca mắc mới giảm và việc nhân viên trường học tiếp cận với vaccine.
Los Angeles nằm trong số thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất tại California, bang có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất nước Mỹ. Trước đó, New York, thành phố lớn nhất Mỹ, đã cho phép trường học mở cửa trở lại từ tháng 12 năm ngoái theo giai đoạn.
Trong khi đó, kể từ ngày 10/3, người dân bang Texas (Mỹ) đã không cần phải đeo khẩu trang khi ra đường khi mà chính quyền bang dỡ bỏ quy định này, một động thái gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh đó, chính quyền bang cũng cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại với 100% công suất.
Tại khu vực châu Âu, Bulgaria ngày 10/3 ghi nhận thêm 3.502 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 132 ca. Bulgaria đã cấm tiến hành các cuộc phẫu thuật không khẩn cấp tại các bệnh viện ở nhiều thành phố. Bộ Y tế cho biết có thể đóng cửa trường học, trung tâm mua sắm và trung tâm thể thao cũng như nhà hàng nếu cần thiết nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Ở Tây Ban Nha, Bộ trưởng Du lịch Reyes Maroto cho biết nước này có thể bắt đầu sử dụng "hộ chiếu vaccine" vào tháng 5 tới, khi hội chợ du lịch quốc tế FITUR được tổ chức ở thủ đô Madrid. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm hơn 900.000 người ở châu Âu tử vong và đẩy châu lục này vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tiếp tục làm việc về "hộ chiếu vaccine", loại giấy tờ chứng nhận cho những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển nội khối và cứu vãn ngành du lịch châu Âu trong mùa Hè sắp tới.
Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch Đức (DTV) lo ngại rằng không thể bù đắp được thiệt hại từ đợt phong tỏa vào mùa Đông. Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Đức trong năm 2020 khi số lượng khách lưu trú qua đêm giảm 39% xuống còn 302,3 triệu lượt.
Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1992. Theo báo cáo của Viện Robert Koch (RKI) sáng 10/3, Đức ghi nhận thêm 9.146 ca mắc mới trong 24 giờ qua và hơn 300 ca tử vong trong khi chỉ số lây nhiễm giảm từ 67,4 xuống còn 65,4 ca/100.000 dân/1 tuần. Đến nay, Đức ghi nhận tổng cộng hơn 2,51 triệu ca mắc, trong đó 72.489 ca tử vong.
Séc hiện là quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất trong EU. Nhiều bệnh viện đang đối mặt với nguy cơ thiếu giường bệnh và nhân viên y tế. Dự kiến, ngày 11/3, Thủ tướng Séc Andrej Babis sẽ gặp người đồng cấp Hungary và Israel để thảo luận về hợp tác chống dịch. Trước đó, Séc đã bắt đầu đàm phán với các đối tác Đức, Thụy Sĩ và Ba Lan để chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng sang các nước này điều trị.
Trong những tuần gần đây, Séc và Slovakia đang nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ 3. Do hệ thống y tế đứng trước với nguy cơ quá tải, 2 quốc gia Trung Âu này đã kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ tiếp nhận điều trị những bệnh nhân COVID-19 đang ở trong tình trạng nghiêm trọng. Séc hiện cũng đã bắt đầu bán bộ kit xét nghiệm COVID-19 ở siêu thị.
Về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, theo một nghiên cứu của Anh được đăng tải trên tập san British Medical Jourrnal số ra ngày 10/3, biến thể phát hiện ở Anh hồi cuối năm ngoái, hay còn gọi là biến thể B.1.1.7, có khả năng gây tử vong cao hơn từ 30-100% so với các chủng trước. Nhà nghiên cứu Robert Challen thuộc Đại học Exeter và là một trong số tác giả của nghiên cứu này, đánh giá với khả năng lây lan nhanh và gây tử vong cao hơn, biến thể B.1.1.7 là một mối đe dọa mà các nước cần phải thận trọng ứng phó.
Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nhiều nước châu Phi như Maroc, Sudan, Tunisia, đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Singapore triển khai tiêm vaccine cho lao động nhập cư. Tại Mỹ, 2 bang New York và Florida đã điều chỉnh độ tuổi được tiêm phòng, theo đó lên kế hoạch tiêm phòng cho cả những người từ 60 tuổi trở lên.
Trong khi đó, việc mở rộng chưa từng thấy quy mô sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đã gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng. Các tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất vaccine toàn cầu thừa nhận thực tế trên sau khi suy xét về cách thức đẩy nhanh việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến về cách thức đẩy nhanh việc sản xuất vaccine ngừa COVID-19, các nhà tổ chức đã kêu gọi thúc đẩy "dòng chảy tự do hàng hóa và lực lượng lao động" để đảm bảo công tác sản xuất vaccine. Các nhà tổ chức cũng khuyến khích tiếp tục chuyển giao công nghệ và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các hãng dược phẩm và nhà sản xuất nhằm mở rộng quy mô sản xuất, tương tự thỏa thuận mà hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) đạt được với Viện Huyết thanh của Ấn Độ.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.086 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 55.020 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước. Trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm so với ngày trước nữa.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.448 ca bệnh mới, 5 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về dịch bệnh COVID-19.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 10/3 ghi nhận thêm 39 ca bệnh mới, song không có ca tử vong. Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 64 bệnh nhân mới trong ngày 10/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, đồng thời ra thông báo khẩn cấp.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 55.020 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 197 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.552.300 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.281.673 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei, Myanmar (không công bố) và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.