COVID-19 tới 6 giờ ngày 20/7: Anh số ca mới cao nhất thế giới; Pháp tuyên bố làn sóng dịch thứ tư

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 399.230 trường hợp mắc COVID-19 và 6.292 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 191,6 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,11 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến đường ở thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia khi lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19 được áp dụng, ngày 16/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 191.664.360 ca, trong đó có 4.111.958 người tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, với châu Á  hiện là những vùng dịch “nóng nhất”, song số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh số ca mắc mới cao một cách báo động, cao nhất thế giới với 39.950 trường hợp nhiễm bệnh.

Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Người dân được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 gần Manaus, bang Amazonas, Brazil ngày 9/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 174.520.444 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.031.958 ca và 80.492 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 19/7, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 87 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Ấn Độ ghi nhận 29.360 ca mắc mới và 370 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, đây là số ca mắc mới và tử vong tính theo ngày thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.

Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới theo ngày là 1.252 ca, giảm so với mức đỉnh điểm 1.454 ca ghi nhận trong ngày 17/7. Tuy nhiên, số ca mắc mới trong ngày vẫn trên 1.000 ca/ngày trong gần 2 tuần qua, khiến nhà chức trách buộc siết chặt các quy định chống dịch trên toàn quốc nhằm giảm tốc độ lây nhiễm trong mùa Hè. Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 179.203 ca mắc và 2.058 ca tử vong. Trong đó, riêng vùng thủ đô Seoul, chiếm một nửa trong tổng số 51,34 triệu dân của cả nước.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến đường ở thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia khi lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19 được áp dụng, ngày 16/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bang Victoria của Australia sẽ kéo dài lệnh phong tỏa chống dịch sau ngày 20/7, mặc dù số ca mắc mới giảm nhẹ. Gần một nửa trong số 25 triệu người dân Australia đã bị cách ly tại nhà, trong đó riêng Sydney - thành phố lớn nhất nước - thực hiện lệnh phong tỏa 5 tuần và toàn bộ bang Victoria thực hiện quy định ở nhà, sau khi biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh gây ra đợt bùng phát tồi tệ nhất tại Australia trong năm nay.

Tại châu Âu, Chính phủ Anh đã dỡ bỏ tất cả biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng để chống dịch COVID-19 tại vùng England. Theo đó, từ ngày 19/7, các hộp đêm được mở cửa trở lại và những cơ sở kinh doanh trong nhà khác được phép hoạt động đủ công suất. Các quy định bắt buộc đeo khẩu trang và làm việc tại nhà cũng được dỡ bỏ. Trong khi England dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, chính quyền các vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland sẽ đưa ra chính sách riêng về vấn đề này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân duy trì cảnh giác, đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đồng thời hối thúc mọi người tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đi bộ trong một công viên tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiến dịch tiêm vaccine tại Anh đã được triển khai thành công, theo đó, hiện mọi người trưởng thành tại nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo số ca mắc mới tại Anh có thể tăng lên mức cao kỷ lục 100.000 ca/ngày do biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh.

Chính phủ Anh ngày 19/7 thông báo quy định mới, theo đó những nhân viên y tế tuyến đầu có thể tiếp tục làm việc ngay cả khi họ đã tiếp xúc với người mắc COVID-19, miễn cách ly đối với những nhân viên đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Những nhân viên này cần có xét nghiệm âm tính với virus và được làm xét nghiệm hằng ngày trong thời gian lẽ ra họ cần phải cách ly do tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Pháp không loại trừ khả năng tái áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng. Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận hơn 12.500 ca mới, ngày thứ 3 liên tiếp số ca mới trên 10.000 ca do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal ngày 19/7 cho biết nước này đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ tư. Động thái của Chính phủ Pháp diễn ra trong bối cảnh nước này có ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca mới trên 10.000 trường hợp do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Phát biểu sau cuộc họp nội các, người phát ngôn Gabriel Attal cho biết Chính phủ Pháp đang triển khai kế hoạch mới đối phó với tình trạng lây nhiễm COVID-19 gia tăng và giảm áp lực đe dọa “nhấn chìm” các bệnh viện một lần nữa.

Chú thích ảnh
Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp, vắng vẻ vì COVID-19. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kế hoạch mới của Pháp có thể bao gồm một số biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh nghiêm khắc nhất tại châu Âu, như yêu cầu phải có chứng nhận y tế đối với những người đến các địa điểm tập trung đông người gồm nhà hàng và rạp chiếu phim, yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc đối với nhân viên y tế.

Trước đó cùng ngày 19/7, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune không loại trừ khả năng nước này sẽ tái áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng. Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận hơn 12.500 ca mới, ngày thứ ba liên tiếp số ca mới trên 10.000 trường hợp do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Chú thích ảnh

Chính phủ Italy dự kiến áp đặt các hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng nhằm cố gắng ngăn chặn sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19. Trong sắc lệnh, dự kiến được thông qua trong tuần này và có thể có hiệu lực từ ngày 26/7, những người chưa được tiêm phòng đầy đủ có thể bị cấm đi ăn bên trong các nhà hàng, quán bar và không được vào sân vận động, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, bể bơi và phòng tập thể dục.

Chính phủ Italy hy vọng nghĩa vụ phải xuất trình “thẻ xanh COVID-19”, chứng nhận đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, khi đi du lịch trong nước bằng tàu hỏa hoặc máy bay sẽ khuyến khích nhiều người đi tiêm chủng hơn.

Phát biểu với báo giới ngày 19/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa cho biết kế hoạch "thẻ xanh COVID-19" mới của chính phủ có thể phản ánh nguy cơ lây nhiễm của một khu vực nhất định, và việc sử dụng thẻ xanh này có thể thay đổi. Ví dụ như nếu một khu vực chuyển từ vùng trắng, hầu như không còn nguy cơ lây nhiễm, sang vùng cam có nguy cơ lây nhiễm thấp thì việc sử dụng thẻ này có thể sẽ chặt chẽ hơn.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Saint-Maur-des-Fossés, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ireland đã áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 như nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Động thái trên của Ireland chậm hơn vài tuần so với các nước trong khối do hệ thống công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe của nước này bị tin tặc tấn công.

Với việc áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19, những người đến từ EU, Iceland, Lichtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ khi nhập cảnh vào Ireland sẽ không phải cách ly nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, vừa khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. EU đã chính thức áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 từ ngày 1/7, với hy vọng đây sẽ là “bàn đạp” để khôi phục ngành du lịch khu vực sau 1 năm đìu hiu dưới tác động của đại dịch.

Về tình hình dịch ở châu Phi, theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Châu Phi, tính đến chiều 19/7, châu lục này ghi nhận tổng cộng 6.236.745 ca COVID-19, trong đó có 157.967 ca tử vong. Hơn 5,43 triệu bệnh nhân COVID-19 tại châu Phi đã phục hồi. Các quốc gia gồm Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là nhóm những nước có số ca mắc cao nhất tại châu lục, trong đó đứng đầu là Nam Phi với hơn 2,29 triệu ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 70.010 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 119.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Campuchia. Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tăng mạnh. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và cao hơn cả tâm dịch Ấn Độ, trở thành tâm dịch mới của châu Á.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Manila, Philippines, ngày 6/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn khá nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Trong ngày 19/7, Philippines đã không còn là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao của khu vực nữa. Nước này 24 giờ qua chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh trở lại.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 19/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 129 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 5.189 ca COVID-19 mới và 281 trường hợp tử vong, chỉ sau Indonesia. Tình hình dịch bệnh tại Myanmar đang rất nghiêm trọng vì cả số ca mắc mới và tử vong đều tăng vọt mấy ngày gần đây.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 19/7 ghi nhận thêm trên 11.784 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 81 người, giảm đôi chút so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 790 bệnh nhân mới và 22 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Singapore khuyến cáo những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt người cao tuổi, nên ở trong nhà nhiều nhất có thể trong vài tuần tới, trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Singapore ngày 19/7 ghi nhận 163 ca mắc mới, con số thống kê theo ngày cao nhất trong 11 tháng, với các cụm lây nhiễm tăng liên quan tới quán bar karaoke và một cảng cá. Khoảng 73% trong tổng số 5,7 triệu dân ở Singapore đã được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, tuy nhiên chính phủ nước này đang đẩy mạnh việc tiêm chủng cho người cao tuổi.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 119.009 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.923 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 6.203.440 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 5.123.597 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
'Bong bóng khép kín' phòng COVID-19 đã được bóng đá châu Á triển khai như thế nào?
'Bong bóng khép kín' phòng COVID-19 đã được bóng đá châu Á triển khai như thế nào?

Cấp có thẩm quyền đã cho ý kiến đồng ý để VFF tổ chức các trận đấu vòng 3 của Vòng loại World Cup 2022 trên sân nhà. Ngày 7/9 tới, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) sẽ bắt đầu diễn ra loạt 5 trận cầu quan trọng của đội tuyển Việt Nam trên sân nhà trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ để phòng dịch COVID-19 theo mô hình "bong bóng khép kín.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN