COVID-19 tới 6 giờ 18/5: Thế giới vượt 3,4 triệu ca tử vong; Mỹ sẽ xuất khẩu 80 triệu liều vaccine

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 513.642 trường hợp mắc COVID-19 và 9.799 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 164 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,4 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân ở trung tâm y tế Patna, Ấn Độ ngày 13/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 164.243.453 ca, trong đó có 3.403.195 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 144.103.771 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 16.736.487 ca và 101.813 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 17/5, thế giới có tới 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 93 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện điều trị ở Brasilia, Brazil, ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh với số ca tử vong vược mốc 600.00 ca. Theo đó, nước này đã ghi nhận 600.494 ca tử vong trong tổng số 33.742.108 ca mắc. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận trên 20.000 ca nhiễm mới. Tiếp đó là Ấn Độ với 25.227.970 ca mắc, trong đó có 278.751 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 15.657.391 ca mắc và 436.423 ca tử vong.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Nam Á, Ấn Độ thông báo đã ghi nhận 278.751 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên số ca mắc theo ngày của Ấn Độ giảm xuống dưới mức 300.000 ca kể từ ngày 21/4, mặc dù số ca tử vong theo ngày vẫn ở mức cao với 4.340 ca trong 24 giờ qua. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 có kết quả dương tính hiện đã giảm xuống còn 16,98% so với mức 24,47% của ngày 3/5. Sáu bang chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất tại Ấn Độ là Maharashtra (5,38 triệu ca), Karnataka (2,2 triệu), Kerala (2,15 triệu), Uttar Pradesh (1,6 triệu), Tamil Nadu (1,6 triệu) và Delhi (1,38 triệu).

Vùng thủ đô Delhi ghi nhận 6.550 ca mắc mới trong 24 giờ qua, với tỷ lệ xét nghiệm dương tính tiếp tục giảm xuống còn 10,4%. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Delhi ghi nhận dưới 10.000 ca/ngày và ngày thứ hai liên tiếp ở mức dưới 7.000 ca/ngày. Mặc dù vậy, chính quyền Delhi đã quyết định kéo dài thêm 1 tuần lệnh phong tỏa thành phố, đến ngày 24/5. Tính đến ngày 17/5, Ấn Độ đã tiêm được tổng cộng 182,92 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tăng 691.211 liều so với một ngày trước đó.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Poznan, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu đã lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, ngày 17/5 có lẽ sẽ được coi như "ngày tự do" với khoảng 65 triệu người dân Anh khi nền kinh tế nước này sẽ mở cửa trở lại, một cách thận trọng, sau 4 tháng áp dụng các biện pháp hạn chế.

Cụ thể, từ ngày 17/5, người dân tại England, Wales và Scotland sẽ được phép tham gia hoạt động tụ tập ngoài trời tối đa 30 người, hai hộ gia đình có thể được gặp gỡ trong không gian khép kín trong khi các quán cafe, quán bar và nhà hàng được phép phục vụ trong nhà, người sinh sống tại các viện dưỡng lão có thể đón tiếp 5 người tới thăm và các trường học sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Các biện pháp hạn chế tại vùng Bắc Ireland sẽ được nới lỏng muộn hơn.

Trong khi đó, từ ngày 17/5, Bồ Đào Nha đã cho phép khách du lịch từ Anh và đa số các nước Liên minh châu Âu (EU) nhập cảnh vào nước này với điều kiện họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 tối đa 72 giờ trước khi lên máy bay. Dự kiến, khoảng 30 chuyến bay từ Anh sẽ đáp xuống sân bay của Bồ Đào Nha ngày 17/5. Trong đó, 17 chuyến bay chở khoảng 5.500 hành khách đến thành phố Faro. Anh là thị trường du lịch lớn nhất của Bồ Đào Nha.

Hà Lan cũng sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch COVID-19 trong tuần này, trong bối cảnh chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh đã giúp giải tỏa căng thẳng tại nhiều bệnh viện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 15/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước diễn biến tích cực của đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới và số ca tử vong giảm mạnh, Chính phủ Italy ngày 17/5 đã thông qua sắc lệnh mới về việc mở cửa trở lại, trong đó lệnh giới nghiêm sẽ lùi 1 giờ.

Theo sắc lệnh mới, lệnh giới nghiêm mới sẽ áp dụng từ 23h00-5h00, rút ngắn 1 tiếng so với quy định cũ từ 22h00-5h00 được duy trì từ tháng 11/2020 và sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn vào ngày 21/6. Sắc lệnh mới được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Italy diễn biến tích cực trong những tuần qua. Ngày 16/5 ghi nhận số ca tử vong thấp nhất kể từ tháng 10/2020 với 93 trường hợp.

Italy bắt đầu mở cửa trở lại từ hôm 26/4, cho phép các nhà hàng và quán bar phục vụ khách tại bàn bố trí ở ngoài trời và người dân được phép đi lại giữa các vùng. Với sắc lệnh mới, từ ngày 1/6, nhà hàng và quán bar sẽ được phép mở cửa phục vụ khách tại bàn ở trong nhà từ 5h00-18h00. Sắc lệnh mới cũng đưa ra các mốc thời gian mở cửa trở lại các trung tâm mua sắm vào ngày lễ, các trung tâm thể thao, phòng tập thể hình… Từ ngày 1/6, người dân cũng sẽ được phép tham dự các sự kiện thể thao ngoài trời và từ ngày 1/7 sẽ được tham dự các sự kiện thể thao tổ chức trong nhà, nhưng không vượt quá 1.000 người đối với sự kiện ngoài trời và 500 người với sự kiện trong nhà.

Italy hiện vẫn phân định các vùng màu dựa trên tỷ lệ lây nhiễm, với vùng đỏ là vùng có nguy cơ cao nhất, tiếp theo là vùng cam, vàng và trắng. Cho đến nay, phần lớn Italy đều là vùng vàng và một số khu vực dự kiến được xác định là vùng trắng - nơi chỉ áp dụng bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội như: Friuli-Venezia-Giulia, Molise, Sardegna kể từ ngày 1/6 và Abruzzo, Veneto và Liguria từ ngày 7/6.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Ontario, Canada ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Trung Quốc chính thức cấm mọi hoạt động chinh phục đỉnh Everest trên phần sườn núi thuộc lãnh thổ nước này nhằm kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan đại dịch COVID-19. Theo Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc, dựa trên tình hình thực tế, giới chức thể thao nước này đã hủy mọi hoạt động leo núi Everest. Tuần trước, Trung Quốc thông báo dựng các hàng rào ngăn cách trên đỉnh Everest để ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh từ Nepal xâm nhập sang nước này trong bối cảnh dịch bệnh ở quốc gia láng giềng đang diễn biến nghiêm trọng.

Đại dịch COVID-19 sẽ không thể kết thúc nếu trẻ em không được tiêm chủng vaccine. Tờ New York Times của Mỹ dẫn kết quả cuộc khảo sát của các nhà dịch tễ học dự báo về thời điểm có thể kết thúc đại dịch COVID-19.

Theo các nhà khoa học, thời điểm thực sự có thể kết thúc đại dịch - khi mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường mà không cần các biện pháp phòng ngừa - sẽ chỉ xảy ra khi ít nhất 70% người Mỹ ở mọi lứa tuổi được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Báo trên cho rằng trẻ vị thành niên ở Mỹ mới bắt đầu được tiêm vaccine trong tuần này và hiện vaccine dành cho trẻ em dưới 12 tuổi ở nước này vẫn chưa được cấp phép.

Ông David Celentano, Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins, đồng thời là một trong 723 nhà dịch tễ học tham gia cuộc khảo sát mới nhất, khẳng định: “Trẻ em là chìa khóa để chấm dứt đại dịch". Các chuyên gia đều tin rằng COVID-19 sẽ lây nhiễm với tốc độ thấp hơn trong 5 năm tới, nhưng không còn là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng buộc thế giới phải áp đặt các biện pháp phong tỏa như hiện nay.

Trong khi đó, Phó Giáo sư nhi khoa Gretchen Bandoli, Đại học California (San Diego), nhận định: “Dường như đã có ánh sáng cuối đường hầm. Chúng tôi có những công cụ cần thiết để kiểm soát dịch và điều đó có thể trong tầm tay".

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 15/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.137 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 73.570 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Malaysia và Việt Nam.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ tư.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức cao với 45 trường hợp không qua khỏi. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 32 ca mắc COVID-19 và  có 1 ca tử vong nào.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 17/5 ghi nhận thêm số ca bệnh mới cao kỷ lục lên tới gần 10.000 trường hợp, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 25 người.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 360 bệnh nhân mới và 4 ca tử vong trong ngày 17/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 73.578 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 360 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.717.680 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.391.470 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 17/5: Thái Lan lập kỷ lục gần 10.000 ca mắc/ngày; 7 nước có ca tử vong mới
COVID-19 tại ASEAN hết 17/5: Thái Lan lập kỷ lục gần 10.000 ca mắc/ngày; 7 nước có ca tử vong mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.137 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 73.570 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN