COVID-19 tại ASEAN hết ngày 30/6: Trên 150.000 ca bệnh, Indonesia ca tử vong/ngày cao kỷ lục

Trong 24 giờ qua các nước ASEAN ghi nhận 2.619 ca mắc bệnh COVID-19 và 82 ca tử vong. Indonesia tiếp tục trải qua một ngày có số ca tử vong tăng vọt lên con số kỷ lục, trong khi toàn khối có số ca bệnh đã vượt ngưỡng 150.000 người.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers, tới hết ngày 30/6, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.356 người dân ở khu vực Đông Nam Á, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 150.595 ca. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 85.301 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, toàn khối vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Tại Indonesia, số ca mắc mới chưa có dấu hiệu chững lại mà còn tăng so với những ngày trước, trong khi có tới 73 ca tử vong trong ngày.
 

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 30/6
Quốc gia Tổng ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca hồi phục
Indonesia 56.386 1.293 2.876 71 24.806
Singapore 43.907 246 26 0 37/986
Philippines 37.514 1.076 1.266 11 10.233
Malaysia 8.639 2 121 0 8.354
Thái Lan 3.171 2 58 0 3.056
Việt Nam 355 0 0 0 335
Myanmar 299 0 6 0 221
Brunei 141 0 3 0 221
Campuchia 141 0 0 0 138
Timor Leste 24 0 0 0 24
Lào 19 0 0 0 19
Chú thích ảnh
Các ứng viên đảng Singapore Tiến bộ (PSP) đeo khẩu trang tham gia đăng ký tranh cử ngày 30/6. Ảnh: Lê Dương - Pv TTXVN tại Singapore

Indonesia: Số ca tử vong trong ngày cao nhất

Ngày 30/6, giới chức y tế Indonesia cho biết nước này ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 71 người ca, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 2.876 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 1.293 trường hợp, đưa tổng số ca bệnh tại Indonesia lên 56.385 người. 

Cùng ngày, Cảnh sát quốc gia Indonesia đã triển khai 77.897 nhân viên trên toàn quốc để bảo vệ quá trình chuyển sang giai đoạn bình thường mới của chính phủ, trong đó mọi công dân đều phải tuân thủ các quy định y tế về phòng bệnh COVID-19 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Lực lượng cảnh sát đã được triển khai đến các khu vực được phân loại trên cả 4 cấp dựa trên tỷ lệ lây nhiễm tại địa phương, từ các khu vực xanh không có rủi ro đến các khu vực đỏ có nguy cơ mắc bệnh cao. Trong đó, số cảnh sát được cử đến khu vực màu đỏ cao nhất với 25.536 cảnh sát, khu vực màu cam là 35.830 cảnh sát, khu vực màu vàng là 8.981 cảnh sát và khu vực màu xanh là 7.550 cảnh sát.

Việc triển khai lực lượng cảnh sát trên toàn quốc nhằm đảm bảo trật tự công cộng và tuân thủ các hướng dẫn y tế trong giai đoạn bình thường mới sau dịch bệnh dù lệnh cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người đã được dỡ bỏ. 

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 29/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Lào hạn chế xuất nhập cảnh đến hết tháng 7

Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 ngày 30/6 ra thông cáo báo chí cho biết tính đến 17h chiều 29/6, Lào đã có 79 ngày liên tiếp không phát hiện các ca nhiễm mới. Từ tháng 1 đến ngày 29/6, Lào chỉ ghi nhận 19 ca bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tất cả đều được chữa khỏi và xuất viện.

Chiều cùng ngày, Chính phủ Lào quyết định bên cạnh việc tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, nước này vẫn áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ Lào cho phép tổ chức các hoạt động thể thao có khán giả với điều kiện phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và giữ khoảng cách tối thiểu 1m, cho phép mở cửa trở lại các casino, tổ chức các sự kiện như hội họp, lễ tiệc, lễ hội truyền thống và cưới hỏi nhưng phải tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế Lào và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bên cạnh đó, Lào sẽ tiếp tục sẽ đóng cửa các tụ điểm giải trí, quán karaoke và game, tiếp tục đóng các cửa khẩu truyền thống, cửa khẩu địa phương đối với hoạt động xuất nhập cảnh phổ thông và vận chuyển hàng hóa, ngoại trừ một số cửa khẩu được chính phủ cho phép. Các cửa khẩu quốc tế vẫn tiếp tục đóng cửa với hoạt động xuất nhập cảnh phổ thông, ngoại trừ công dân Lào, người nước ngoài có nhu cầu cấp thiết nhập cảnh, tuy nhiên phải được sự cho phép của Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên khử trùng rạp chiếu phim tại Bangkok, Thái Lan ngày 1/6/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thông cáo có hiệu lực từ ngày 1-31/7 trên, Lào sẽ tiếp tục ngừng cấp thị thực du lịch, thăm viếng đối với những cá nhân đi từ hoặc quá cảnh các quốc gia có dịch bệnh, ngoại trừ nhân viên ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên viên và lao động cho các dự án quan trọng tại Lào. 

Thái Lan dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay quốc tế từ 1/7

Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) cho biết lệnh cấm các chuyến bay quốc tế sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1/7, nhưng chỉ một số công dân nhất định được phép nhập cảnh. 

Máy bay và công dân vào Thái Lan phải tuân thủ các điều kiện, quy định của Luật Di trú, Luật Về bệnh truyền nhiễm, Luật Hàng không và Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp. Một số trường hợp đặc biệt sẽ được phép nhập cảnh Thái Lan như doanh nhân, du lịch chữa bệnh, có vợ hoặc chồng là người Thái, có giấy phép lao động, sở hữu nhà tại Thái Lan… Tất cả những người nước ngoài tới Thái Lan sẽ phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc.

Trước đó, ngày 29/6, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã quyết định kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng nữa cho đến cuối tháng 7. 

Chú thích ảnh
Máy bay của Thai Airways đỗ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 25/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngành hàng không Thái Lan bị tổn thất nặng nề kể từ khi lệnh cấm bay được áp đặt vào tháng Tư do dịch COVID-19 bùng phát. Theo số liệu thống kê của CCAT, tính từ đầu năm nay, toàn bộ 28 sân bay của nước này chỉ đón 4,2 triệu lượt khách, giảm mạnh so với số lượng 9,3 triệu lượt người của cùng kỳ năm ngoái.

Đến nay, Thái Lan đã trải qua 36 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Tất cả những trường hợp mới được xác nhận đều là công dân trở về từ nước ngoài được cách ly. Ngày 30/6, Thái Lan ghi nhận có thêm 2 ca mắc COVID-19 là những công dân Thái trở về từ Iraq, nâng tổng số người mắc bệnh lên 3.171, trong đó có 58 ca tử vong. Hai bệnh nhân này không có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng cho kết quả dương tính khi xét nghiệm ở khu cách ly.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi chờ lên xe buýt tại Manila, Philippines, ngày 18/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia: Một ca tái dương tính 

Một trong hai bệnh nhân người Campuchia từ Malaysia về nước hôm 26/6 đã dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2. Đáng lưu ý cả hai người này đã được điều trị và chữa khỏi COVID-19 tại Malaysia trước khi về nước.

Bộ Y tế Malaysia đang tìm cách khoanh vùng nơi ở của bệnh nhân thứ hai sau khi trở về Campuchia. Đây là học sinh đang theo học tại một trường tôn giáo ở Malaysia.

Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia Datuk Dr Noor Hisham Abdullah cho biết bệnh nhân thứ 1.051 của Malaysia là một người Campuchia đã được điều trị khỏi COVID-19. Dù trường hợp này vừa được thông báo dương tính tại Campuchia, nhưng có thể chỉ còn xác virus và không đáng lo ngại. Trên thực tế, bệnh nhân khỏi bệnh nhưng trong cơ thể vẫn còn virus qua xét nghiệm RT-PCR, nhưng virus này yếu và không hoạt động.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh để phòng chống dịch COVID-19 sau khi nước này phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong vòng hai ngày sau khi về đến Campuchia.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại bưu điện ở Manila, Philippines, ngày 10/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Thu Hằng/Báo Tin tức
Người chết, thất nghiệp tràn lan, chủ nghĩa dân túy có bị COVID-19 xóa sổ?
Người chết, thất nghiệp tràn lan, chủ nghĩa dân túy có bị COVID-19 xóa sổ?

Các lãnh đạo dân túy bị chỉ trích cả ở trong nước và ngoài nước vì xử lý dịch bệnh COVID-19 kém. Họ đứng trước nguy cơ phải trả giá vì hậu quả mà đại dịch gây ra về sinh mạng và nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN