COVID-19 tại ASEAN hết ngày 24/6: Dịch bệnh diễn biến trái chiều

Tình hình dịch bệnh tại một số nước Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận những diễn biến trái chiều. Trong khi những nước như Thái Lan chuẩn bị mở cửa trở lại mọi hoạt động kinh tế thì cũng có nước như Indonesia chứng kiến ca nhiễm COVID-19 hàng ngày liên tục ở mức cao.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 21/6. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 24/6, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 1.784 ca mắc COVID-19 và 56 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 136.637 và số ca tử vong lên 3.991.

Trong 24 giờ qua, Indonesia tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc và ca tử vong cao nhất ASEAN. Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này ghi nhận 1.113 ca COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 49.009. Số ca tử vong tại nước này là 2.573 người, tăng 38 người. 

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi chờ lên xe buýt tại Manila, Philippines ngày 18/6. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày 24/6, Bộ Y tế Philippines thông báo 32.295 bệnh nhân COVID-19, tăng 470 ca so với ngày hôm trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện là 8.656  người, trong khi số ca tử vong là 1.204 người (tăng 18 người). 

Singapore cũng ghi nhận số ca mắc trong ngày 24/6 ở mức ba con số (191 ca). Tyu nhiên, số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm ở Singapore trong những ngày qua.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 12/6. Ảnh: THX/TTXVN

Các nước như Malaysia, Việt Nam và Thái Lan ghi nhận số ca mắc dưới 10, lần lượt là 6, 3 và 1 ca.

Thái Lan sẽ nối lại các hoạt động kinh doanh từ 1/7 tới. Theo đó, tất cả các loại hình kinh doanh và hoạt động bị đình chỉ để kiểm soát đại dịch COVID-19 ở Thái Lan sẽ được phép nối lại từ 1/7, kể cả những địa điểm giải trí và các cửa hiệu massage.

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã công bố quyết định nói trên ngày 24/6, theo đó các quy định đã được soạn thảo cho giai đoạn 5 nối lại kinh doanh và các hoạt động.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Các lĩnh vực kinh doanh và hoạt động được nối lại lần này thuộc diện có nguy cơ cao lây lan bệnh truyền nhiễm. Việc đóng của những dịch vụ đó có không gây ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế, nhưng một bộ phận người dân đã gặp vấn đề về tài chính do lệnh đóng cửa, trong đó có các nhạc sĩ và ca sĩ.

Trong giai đoạn 5 nới lỏng các biện pháp phong tỏa, các quán rượu và karaoke sẽ được mở lại, nhưng phải đóng cửa vào lúc nửa đêm. Các nhóm khách được phép tối đa 5 người và không ghép các nhóm khác. Các hoạt động quảng cáo bán hàng sẽ bị cấm. 

Ngoài ra, các trường học sẽ mở lại hoàn toàn, trong khi những hạn chế về giờ mở cửa của các trung tâm thương mại sẽ được dở bỏ.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 9/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại tất cả các địa điểm nói trên, chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội, vệ sinh thường xuyên, lưu giữ hình ảnh camera an ninh trong 1 tháng để tạo điều kiện cho việc điều tra dịch bệnh và sử dụng ứng dụng trên điện thoại có tên là Thaichana để khai báo ra vào.

Hiện nay, ngoài Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vaccine thuộc Đại học Chulalongkorn, còn ít nhất 3 cơ quan khác ở Thái Lan cũng đang thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19.

Trả lời báo chí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Vaccine, ông Kiat Ruxrungtham cho biết cơ quan này đang hợp tác với hai nhà máy công nghệ sinh học nước ngoài, trong đó có TriLink ở Mỹ, để sản xuất vaccine mRNA. Các nhà máy đã ước tính giá một liều vaccine là 30 USD với khối lượng sản xuất 2 triệu liều.

Theo ông Kiat, mỗi người sẽ cần ít nhất 2 lần tiêm vaccine ngừa COVID-19 và mục tiêu hàng đầu là để mọi người dân được tiếp cận vaccin. Nếu loại vaccine này sẵn sàng thì hàng chục triệu liều có thể sẽ được sản xuất vào giữa năm 2022 hoặc cuối năm 2022. Điều đó phụ thuộc vào việc vaccine có vượt qua được thử nghiệm trên người vào cuối năm nay, có thể vào tháng 10 hoặc tháng 11, hay không.

Chú thích ảnh
Nhân viên giới thiệu mẫu vaccine phòng COVID-19 tại một phòng thí nghiệm của Đại học Chulalongkorn ở Saraburi, Thái Lan ngày 23/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 23/6, Bộ trưởng Giáo dục đại học, Đổi mới, nghiên cứu, khoa học của Thái Lan Suvit Maesincee thông báo nước này dự kiến thử nghiệm một loại vaccine phòng COVID-19 ở người vào cuối năm nay.

Ông Suvit xác nhận nhà chức trách có kế hoạch tiêm vaccine thử nghiệm ở người vào tháng 10 hoặc 11 tới sau khi thử nghiệm ở khỉ đuôi ngắn. Vaccine này do Đại học Chulalongkorn, Viện Vaccine quốc gia và công ty BioNet-Asia phối hợp phát triển. 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế công của Thái Lan Anutin Charnvirakul dự kiến sẽ sớm gặp các đại diện của Đại học Chulalongkorn và Viện Vaccine quốc gia để thảo luận về kế hoạch của chính phủ hỗ trợ tài chính cho kế hoạch thử nghiệm sắp tới.

Phó Thủ tướng Anutin đã tình nguyện là một trong những người đầu tiên tham gia thử nghiệm tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Thái Lan.

Thùy Dương/Báo Tin tức
 Bắc Kinh tuyên bố kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID-19 mới
Bắc Kinh tuyên bố kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID-19 mới

Nhà chức trách thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 24/6 cho biết đợt bùng phát mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ảnh hưởng tới 256 người ở thủ đô từ đầu tháng 6, hiện đã được kiểm soát tuy nhiên vẫn còn lo ngại về nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN