Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 8/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.056 ca mắc bệnh COVID-19 và 254 ca tử vong so với 1 ngày trước.
Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.271.034 ca mắc COVID-19 trong đó có 29.336 ca tử vong và 1.100.847 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Với trên 5.200 ca nhiễm mới và 133 ca tử vong mới, Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.
Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới vẫn ở mức 1.400 ca/ngày trong khi nước này bắt đầu nới lỏng các quy định hạn chế kéo dài. Trong khi đó, số ca bệnh tại Myanmar đã vượt qua mốc 100.000.
Campuchia đóng cửa trụ sở Bộ Nội vụ để cách ly và xét nghiệm COVID
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã chỉ đạo đóng cửa tạm thời tòa nhà Bộ Nội vụ, triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và thực hiện cách ly 14 ngày đối với toàn bộ nhân viên, quan chức thuộc bộ này.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen khuyến nghị Bộ Y tế ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng đối với tất cả các nhân viên, quan chức thuộc Bộ Nội vụ sau sự cố lây nhiễm cộng đồng hôm 28/11 liên quan tới gia đình ông Chem Savuth, Tổng Cục trưởng Tổng cục trại giam (thuộc Bộ Nội vụ Campuchia).
Bộ Giáo dục-Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo hoãn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (dự kiễn diễn ra trong các ngày 21-22/12) đến tháng 1/2021 do tình trạng lây nhiễm cộng đồng bùng phát. Trước đó, các trường tư thục tại Campuchia đã tạm thời đóng cửa trong 2 tuần.
Trong diễn biến liên quan Thủ tướng Hun Sen thông báo ông đã yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Kinh tế-Tài chính nước này chuẩn bị ngân sách để mua 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cung cấp miễn phí cho nhân dân. Ông Hun Sen cho biết hai bộ trên sẽ tìm kiếm thêm sự hỗ trợ để đảm bảo toàn bộ người dân Campuchia được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19. Trong giai đoạn tiếp theo, Campuchia có thể mua từ 2-3 triệu liều vaccine.
Tới hết ngày 8/12, Campuchia ghi nhận 350 ca COVID-19, tăng 2 ca so với một ngày trước.
Thái Lan dùng máy bay không người lái giám sát biên giới phòng COVID
Thái Lan đang tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới bằng cách triển khai các máy bay không người lái và camera siêu cực tím. Trước đó nước này phát hiện hàng chục ca COVID mới liên quan đến một thị trấn nằm giáp biên giới Myanmar. Ít nhất 16 người vượt biên trái phép trốn cách ly 14 ngày đã có kết quả dương tính kể từ cuối tháng 11 vừa qua, trong đó có 2 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan đến nhóm người đến từ Myanmar.
Thủ tướng Chan-o-cha đã yêu cầu từ ngày 7/12 phải dựng các barie dọc biên giới để ngăn người nhập cư trái phép, đề phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đường biên giới Thái Lan và Myanmar là một trong những thách thức then chốt trong kiểm soát lây lan dịch. Bên phía Myanmar đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trong vài tuần trở lại đây, liên tục ở mức 4 con số. Ngày 8/12, Myanmar ghi nhận 1.308 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 101.739, trong đó có 2.151 ca tử vong. Có 64.056 bệnh nhân đã hồi phục.
Trong một diễn biến khác, ngày 7/12, Trung tâm Xử lý Tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) đã cho phép tổ chức các sự kiện đếm ngược quy mô lớn để chào đón Năm mới ở nước này. Tuy nhiên, CCSA nêu rõ các sự kiện này phải đảm bảo việc thực hiện các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe nhằm tránh lây lan dịch COVID-19.
Theo Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan (NSC) Natthapon Nakpanich kiêm Giám đốc CCSA, các nhà tổ chức sự kiện phải đảm bảo thực hiện các biện pháp y tế công cộng phòng, chống COVID-19, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên. CCSA đưa ra quyết định trên trong bối cảnh Thái Lan liên tục phát hiện các trường hợp mới mắc COVID-19, trong đó hầu hết là công dân nước này trở về từ thị trấn Tachilek của Myanmar.
Ông Natthapon cũng cho biết CCSA dự kiến sẽ tiến hành một cuộc họp khác với Bộ Y tế Thái Lan vào đầu tháng Một tới để thảo luận khung thời gian mới xét nghiệm COVID-19, có thể là vào ngày đầu tiên, ngày thứ 10 và ngày thứ 14 trong giai đoạn cách ly nhằm tăng độ chính xác của xét nghiệm. Bên cạnh đó, tiểu ban của CCSA cũng sẽ họp với Bộ Ngoại giao Thái Lan để thảo luận các biện pháp nới lỏng hạn chế đối với người nước ngoài nhập cảnh, trong đó có việc xem xét cấp thị thực. Tuy nhiên, người đứng đầu CCSA khẳng định vấn đề an toàn sức khỏe cộng đồng hiện vẫn là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ.
Cho đến nay, Thái Lan đã ghi nhận 4.107 ca mắc COVID-19, trong đó 3.868 ca đã bình phục, 179 trường hợp đang được điều trị và 60 người không qua khỏi.
Indonesia: Thúc đẩy tiếp cận sớm vaccine ngừa COVID-19
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 8/12 cho biết, nước này đang tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao trong việc tiếp cận vaccine ngừa viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trước đó, ngày 6/12, Indonesia đã tiếp nhận 1,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty Sinovac Biotech. Theo Ngoại trưởng Retno, để vaccine sớm về trong nước, Bộ Ngoại giao Indonesia đã phối hợp với các cơ quan bộ ngành trong nước, đồng thời mở rộng khả năng hợp tác với một số nhà phát triển vaccine trên thế giới như Sinovac và AstraZeneca cũng như tham gia hợp tác đa phương thông qua sáng kiến COVAX của Liên minh toàn cầu về vaccine (Gavi) vào tháng 10/2020.
Ngoại trưởng Indonesia cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm giám sát việc cung cấp vaccine. Hiện nay, Bộ Ngoại giao cùng với Bộ Y tế và Bộ Tài chính nước này cũng đang tiếp tục trao đổi với Thụy Sĩ về việc mua thêm vaccine theo cơ chế hợp tác đa phương, vì Indonesia là một trong 92 quốc gia COVAX AMC sẽ tiếp nhận lượng vaccine cho từ 3% - 20% dân số. Ngoại trưởng Retno cũng hy vọng nguồn vaccine từ hợp tác đa phương sẽ tới Indonesia vào năm 2021.
Indonesia hiện còn một số việc cần làm cho đến cuối năm 2020, bao gồm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tiếp nhận khoảng 15 triệu liều vaccine COVID-19 từ Sinovac, 1,8 triệu liều vaccine thành phẩm và 30 triệu liều vaccine nguyên liệu vào tháng 1/2021.
Australia, Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ vaccine COVID với Philippines
Theo Philstar, Giám đốc lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Philippines, Carlito Galvez Jr. cho biết một số quốc gia sẵn sàng chia sẻ vaccine phòng COVID-19 dôi dư của họ cho Philippines. Theo ông Galvez, Australia và Trung Quốc đã cam kết sẵn sàng chia sẻ, và các cuộc đàm phán về việc chia sẻ vaccine vẫn đang diễn ra.
Tuần trước, Tổng thống Duterte đã ban hành sắc lệnh cho phép Tổng Giám đốc Cơ quan Dược - Thực phẩm nước này ban hành uỷ quyền khẩn cấp sử dụng vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Chính phủ đang lên kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine cho 24,6 triệu người dân. Nhóm ưu tiên đầu tiên sẽ là là 1,76 triệu nhân viên y tế ở tuyến đầu, sau đó là 3,79 triệu người lao động các ngành cấp thiết; đối tượng ưu tiên thứ ba là 5,68 triệu người cao tuổi. Phillippines dự kiến mua vaccine phòng COVID-19 cho 60 triệu người dân.
Ngày 8/12, nước này ghi nhận 1.400 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 442.785 ca trong đó có 8.670 ca tử vong và 408.790 người đã bình phục.