COVID-19 tại ASEAN hết 29/9: Toàn khối trên 16.500 ca tử vong, Indonesia vượt 4.000 ca mắc mới/ngày

Trong ngày 29/9, sáu quốc gia ASEAN ghi nhận 6.160 ca mắc COVID-19 và 196 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 677.600 ca, trong đó trên 16.500 bệnh nhân không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Ngày 29/9, Philippines có ít ca nhiễm trong ngày nhất trong tháng. Ảnh: AP

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 29/9, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 677.661 ca mắc COVID-19 trong đó có 16.563 ca tử vong và 538.607 bệnh nhân đã bình phục.

Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới và tử vong, với số ca nhiễm mới trong ngày 29/9 cao gấp hai lần Philippines, lên tới hơn 4.000 ca.

Philippines hiện có tổng số ca mắc bệnh cao nhất trong số các nước thành viên hiệp hội, với trên 2.000 ca nhiễm mới. Trong khi đó, sau những ngày có số ca nhiễm mới tăng báo động, Myanmar không có thống kê chính thức về tình hình dịch bệnh trong ngày 29/9.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 29/9/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  
Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 21/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia: Trên 4.000 ca nhiễm mới/ngày

Ngày 29/9, Indonesia thông báo 4.002 ca nhiễm mới COVID-19 đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 282.724. Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của nước này cũng cho biết có 128 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này do dịch bệnh lên 10.601.

Cùng ngày, các nhà lập pháp Indonesia đã thông qua ngân sách, chi kỷ lục 254 tỉ USD trong năm tới, để khôi phục tăng trưởng kinh tế về mức 5% và thâm hụt ngân sách là 5,7% GDP. 

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Indonesia hiện đang hướng tới năm đầu tiên trong vòng hơn 20 năm qua ghi nhận tăng trưởng kinh tế ở mức âm (-). Bộ trưởng Tài chính Indonesia hy vọng, ngân sách chi cho khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 sẽ phát huy tác dụng đưa nền kinh tế bật tăng trở lại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 22/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Đất nước đông dân thứ tư thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng COVID-19, cho đến nay đã làm trên 10.600 người thiệt mạng.

Philippines gia hạn hạn chế thêm 1 tháng đề phòng "cơn sóng mùa Giáng sinh"

Bộ trưởng Y tế Philippines, Francisco Duque ngày 29/9 cho biết, các lệnh hạn chế cách ly hiện tại áp dụng ở Thủ đô Manila và 5 đô thị khác tại Philippines sẽ được kéo dài ít nhất đến tháng 10. Phần còn lại của đất nước sẽ được đặt trong tình trạng ít nghiêm ngặt hơn thông qua lệnh "cách ly cộng đồng chung được điều chỉnh". Quyết định gia hạn lệnh hạn chế tại Manila và các đô thị khác được đưa ra trước lo ngại việc mở cửa lại quá sớm có thể dẫn đến làn sóng lây nhiễm trong mùa Giáng sinh.

Ngày 29/9, Philippines thông báo 2.025 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua đưa tổng số ca nhiễm tại lên 309.303. Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 68 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong do dịch bệnh tại nước này lên 5.448 trường hợp.

Chú thích ảnh
Ghế được đánh dấu nhằm giãn cách xã hội tại bến xe buýt ở Cubao Quezon ngày 28/9/2020. Ảnh: Philstar

WB hạ thấp hơn dự báo kinh tế Malaysia, giảm 4,9%

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 29/9 đã điều chỉnh giảm thêm dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong năm nay, xuống còn giảm 4,9% so với dự báo trước đó là giảm 3,1%. 

Ngân hàng Thế giới cho biết, sự thay đổi trong dự báo phản ánh diễn biến không ổn định ngày càng tăng xung quanh thời điểm bắt đầu phục hồi toàn cầu, điều này sẽ ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư và nhu cầu từ bên ngoài. WB cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và những yếu kém khác trên thị trường lao động sẽ tiếp tục đè nặng lên tiêu dùng cá nhân. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 26/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan khởi động du lịch quốc tế 

Cùng ngày, lãnh đạo Cơ quan quản lý du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn cho biết nước này sẽ đón đoàn khách du lịch nước ngoài đầu tiên trên một chuyến bay từ Trung Quốc vào tuần tới, đánh dấu việc tái khởi động từng bước lĩnh vực du lịch vốn chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19.  

Chuyến bay đầu tiên này sẽ có khoảng 120 khách từ Quảng Châu, bay trực tiếp đến một khu nghỉ dưỡng tại Phuket. Khách nước ngoài được cấp phép vào Thái Lan sẽ tiếp tục được giám sát dù đến từ các nước được xem là có nguy cơ thấp theo đánh giá của chính phủ Thái Lan.

Chú thích ảnh
 Đo thân nhiệt cho khách thăm quan phòng lây nhiễm COVID-19 tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết: “Chúng tôi chưa mở cửa đất nước. Chúng tôi đang giới hạn số lượng người nhập cảnh và sẽ quản lý bằng cách sử dụng băng tay và các ứng dụng để theo sát họ”.

Người phát ngôn chính phủ Thái Lan dự báo có khoảng 1.200 du khách nước ngoài trong tháng đầu tiên, tạo ra doanh thu khoảng 1 tỉ baht (43,29 triệu USD) và doanh thu 12,4 tỉ baht cho tới hết năm, với 14.400 du khách. Chính phủ Thái Lan cũng dự đoán chỉ có khoảng 6,7 triệu du khách nước ngoài tới Thái Lan trong năm nay sau kỷ lục 39,8 triệu khách trong năm 2019.

Cho đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.559 ca mắc COVID-19, bao gồm 59 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Một khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly cho những người từ nước ngoài trở về nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Thu Hằng/Báo Tin tức
Yoga giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần trong đại dịch COVID-19
Yoga giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần trong đại dịch COVID-19

Ameera Nejem, một huấn luyện viên yoga từ thành phố Ramallah, Palestine, dốc sức để giúp đỡ các học viên duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN