COVID-19 tại ASEAN hết 20/11: Philippines vượt 8.000 ca tử vong; Toàn khối gần 9.000 ca nhiễm/ngày

Trong ngày 20/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 8.930 ca mắc COVID-19 so với ngày trước đó, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới 25.850 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 25/10. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 20/11, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 1.096.275 ca mắc COVID-19 trong đó có 25.850 ca tử vong và 944.912 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN, với số ca bệnh và tử vong mới luôn dẫn đầu khối. Trong ngày 20/11, nước này ghi nhận gần 4.800 ca bệnh mới và 78 ca tử vong. 

Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Trong đó, tình hình Myanmar đang ngày càng đáng ngại, với con số ca bệnh mới đang gần tới mức của Philippines. 

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 20/11/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  
Chú thích ảnh
Singapore sẽ siết chặt các biện pháp biên giới nhằm đề phòng lây lan COVID-19 từ Malaysia và Nhật Bản. Ảnh: Straits Times 

Singapore đề phòng người đến từ Malaysia

Theo tờ Straits Times, kể từ 23h59 ngày 22/11, mọi hành khách nhập cảnh vào Singapore, có lịch sử đi lại trong 14 ngày qua tới Malaysia đều phải cách ly 14 ngày trong các cơ sở chuyên dụng. Quy định này cũng áp dụng với những người vào Singapore để làm việc theo Thoả thuận Đi lại định kỳ. 

Singapore cũng áp đặt quy định trên với những khách du lịch tới đảo quốc sư tử theo Làn đường Xanh đối ứng Singapore-Nhật Bản. Trước đây, du khách đến từ Nhật Bản được phép chọn không cách ly 14 ngày tại một cơ sở chuyên dụng và chấp hành tại nơi họ cư trú nếu đảm bảo quy định. Những du khách đến từ Malaysia, ngoại trừ tỉnh "điểm nóng" Sabah, trước đây cũng được phép phục vụ cách ly 7 ngày tại nơi cư trú, trong khi du khách có lịch sử đi lại đến Sabah phải cách ly 14 ngày tại các cơ sở chuyên dụng.

Bộ Y tế Singapore ngày 20/11 cho biết việc thắt chặt các biện pháp biên giới là do sự gia tăng các ca bệnh ở Malaysia và Nhật Bản. Ngoài ra, những du khách không phải là công dân hoặc thường trú nhân Singapore và có lịch sử đi lại gần đây đến Malaysia trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh sẽ phải thực hiện bài kiểm tra phản ứng chuỗi polymerase COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Du khách sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hợp lệ như một điều kiện để được chấp thuận nhập cảnh vào Singapore.

Philippines và Indonesia hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế 

Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP), ngân hàng trung ương Philippines, ngày 19/11 đã quyết định hạ lãi suất theo hợp đồng mua lại đảo ngược qua đêm 25 điểm cơ bản, xuống 2%, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay xuống các mức tương ứng 1,5% và 2,5%. Quyết định này sẽ được thực hiện từ ngày 20/11.

Lần gần đây nhất BSP điều chỉnh lãi suất là vào tháng 6/2020, với quyết định hạ 50 điểm cơ bản, khi có những lo ngại rằng nền kinh tế sẽ giảm kỷ lục do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Chú thích ảnh
Người lao động Philippines ở nước ngoài trở về nước. Ảnh: Phil Star

Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Indonesia - BI đã hạ lãi suất sau khi đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này lần đầu tiên rơi vào suy thoái trong hơn 20 năm. Cụ thể, BI đã giảm lãi suất cho vay 25 điểm cơ bản xuống 3,75%. Đây là lần hạ lãi suất thứ năm của BI kể từ đầu năm 2020 đến nay trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Động thái này diễn ra hai tuần sau khi Indonesia thông báo nền kinh tế tăng trưởng âm quý thứ hai liên tiếp, lần đầu rơi vào suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1998-1999.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã công bố gói kích thích trị giá hơn 48 tỷ USD để giúp giảm nhẹ tác động từ dịch COVID-19. Hàng triệu người Indonesia đã mất việc hoặc phải nghỉ phép trong bối cảnh toàn quốc phải nỗ lực khống chế dịch bệnh. Indonesia là một trong số những quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Tình hình dịch bệnh tại đất nước vạn đảo vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống khi nước này ghi nhận 4.792 ca nhiễm mới trong ngày 20/11, nâng tổng số ca bệnh lên 488.310 trường hợp và 15.678 ca tử vong. Đến nay Indonesia cũng đã điều trị bình phục cho 410.552 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 15/1. Ảnh: AFP 

Thái Lan kêu gọi doanh nghiệp tạo động lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Thái Lan đã kiểm soát dịch COVID-19 khá tốt, với số ca nhiễm mới chỉ 1 con số và đều là ca nhập cảnh. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này, vốn dựa nhiều vào du lịch, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Ngày 19/11, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã có bài phát biểu về "Vị trí của ASEAN trong tương lai của APEC" tại Đối thoại CEO APEC 2020 được tổ chức trực tuyến, trong đó kêu gọi các giám đốc điều hành (CEO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương chung tay thúc đẩy phục hồi kinh tế sau thời kỳ dịch COVID-19, đồng thời lưu ý những thế mạnh của Thái Lan hướng tới năm chủ nhà APEC của nước này vào năm 2022. 

Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận 3.892 ca bệnh, trong đó có 60 ca tử vong và 3.745 người đã khỏi bệnh. Thái Lan đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa, cấm tụ tập đông người nhằm khống chế đà lây lan dịch bệnh. Sau khi được gia hạn, lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục có hiệu lực từ ngày 1/12/2020 đến 15/1/2021, qua kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2021. Thái Lan cũng đã thông qua “về mặt nguyên tắc” đối với quyết định giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống 10 ngày. 

Philippines: Ca tử vong đã vượt ngưỡng 8.000

Ngày 20/11, Philippines ghi nhận thêm 27 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên con số 8.025. Cùng ngày, nước này ghi nhận 1.639 ca bệnh mới, như vậy hiện tại tổng ca bệnh lên tới 415.067 trường hợp, trong đó 375.237 ca đã bình phục. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 25/10. Ảnh: THX/TTXVN

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, Chính phủ Philippines đã đồng ý trả tiền trước cho các hãng dược phẩm để đảm bảo có được hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tổng thống Duterte đã "đồng ý về nguyên tắc" một sắc lệnh hành pháp, theo đó những vaccine phòng COVID-19 đã nước ngoài phê chuẩn dùng trong trường hợp khẩn cấp, có thể được sử dụng ở Philippines. 

Là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, Philippines có kế hoạch đặt mua 50 triệu liều vaccine phòng bệnh ban đầu để đảm bảo cho ít nhất 1/4 trong tổng số 108 triệu dân ở nước này được tiêm chủng trong năm tới. 

Theo ông Carito Galvez, cựu quan chức đứng đầu lực lượng ứng phó dịch COVID-19 của chính phủ, Chính phủ Philippines đang đàm phán về với một vài hãng dược điều chế vaccine, trong đó có hãng Pfizer Inc và Moderna Inc (Mỹ) về các hợp đồng cung cấp vaccine. Bên cạnh đó, giới chức Philippines cũng đang quan tâm tới các thỏa thuận đặt mua vaccine song phương và đa phương, trong đó có khai thác Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX)  của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) . 

Malaysia chưa giảm nhiệt

Ngày 20/11, Malaysia ghi nhận 958 ca bệnh mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên 52.638 trường hợp, trong đó  có 329 ca tử vong và 39.088 người đã bình phục. 

Chú thích ảnh
Malaysia tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn làn sóng dịch thứ tư. Ảnh: Bernama 

Trước đó Quốc vương Malaysia, Abdullah Ahmad Shah đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang "điểm nóng" Sabah, để hoãn một cuộc bầu cử phụ diễn ra vào ngày 5/12 và ngăn chặn làn sóng thứ tư của đại dịch. Một ngày mới sẽ được ấn định cho cuộc bầu cử phụ này.

Quốc vương Abdullah Ahmad Shah cho rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp là phù hợp để trì hoãn cuộc bầu cử bổ sung ở Batu Sapi, vì nếu không sẽ chứng kiến ​​hơn 3.000 người đi từ bán đảo Malaysia và Sarawak đến bỏ phiếu ở Sabah. Quốc vương Abdullah cũng lưu ý rằng cuộc bầu cử toàn tiểu bang ở Sabah vào ngày 26/9 đã gây ra sự gia tăng đột biến ca lây nhiễm lên ba con số, sau khi giảm xuống một con số trước đó.

Hôm 25/10, Quốc vương đã bác bỏ đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, nhằm đối phó với đại dịch.  

Campuchia vay Nhật Bản hơn 200 triệu USD để khôi phục kinh tế thời COVID-19

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa thông báo Nhật Bản dành cho Campuchia khoản vay khoảng 240 triệu USD để giúp Campuchia khôi phục kinh tế và xã hội trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ngày 10/11 vừa qua, JICA đã ký thỏa thuận cung cấp khoản Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) trị giá hơn 200 triệu USD với Chính phủ Campuchia. Khoản vay hỗ trợ khẩn cấp ứng phó khủng hoảng COVID-19 này nhằm mục đích hỗ trợ ngân sách cho Campuchia thực hiện kế hoạch tổng thể khôi phục kinh tế-xã hội thời COVID-19 và các chính sách liên quan.

Khoản vay cũng sẽ góp phần giúp Campuchia hoàn thành Mục tiêu Phát triển Bền vững thứ nhất nhằm chấm dứt đói nghèo dưới tất cả các hình thức, Mục tiêu thứ ba về đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường sức khỏe cho người dân ở mọi lứa tuổi và Mục tiêu thứ 8 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo việc làm cho tất cả người lao động.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến khác, sáng 19/11, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã thông báo việc cho phép các cơ sở giáo dục công lập, tư thục tại thủ đô Phnom Penh, trung tâm tỉnh Kandal và sân vận động quốc gia Olympic hoạt động trở lại sau một thời gian gián đoạn.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới đã xấp xỉ mức 57,5 triệu
Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới đã xấp xỉ mức 57,5 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 20/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 57.473.859 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.369.060 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 39.888.233 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN