COVID-19 tại ASEAN hết 17/4: Gần 64.000 người đã tử vong; trên 20.000 ca nhiễm mới

Chỉ trong ngày 17/4, toàn khối có trên 20.000 ca nhiễm mới; tổng ca tử vong lên tới gần 64.000. Campuchia ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới dù đã phong toả thủ đô, trong khi hàng trăm nhân viên y tế Malaysia nhiễm virus sau tiêm vaccine.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng Campuchia tăng cường thực hiện nghiêm lệnh phong tỏa tại đường số 105, thủ đô Phnom Penh. Ảnh: Vũ Hùng-P/v TTXVN tại Campuchia

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.356 ca mắc COVID-19 và 212 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 3.152.701 trường hợp và 63.922 ca tử vong. Toàn khối có 2.735.944 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 132 ca. Philippines ghi nhận 72 ca tử vong, Malaysia thêm 5 ca, Thái Lan có 2 ca tử vong mới và Campuchia ghi nhận thêm 3 ca.

Với 5.041 ca nhiễm mới Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.599.763 ca bệnh và 43.328 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.

Trong khi đó, Philippines tiếp diễn một ngày ghi nhận số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 10.000 người, với 11.101 ca trong ngày 17/4. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 926.052 ca bệnh, trong đó có 15.810 ca tử vong và 706.532ca bình phục.

Dịch bệnh đang diễn biến rất "nóng" tại Thái Lan sau một thời gian kiểm soát được số ca nhiễm mới. Ngày 17/4, nước này ghi nhận 1.547 ca, đưa tổng ca bệnh vượt ngưỡng 40.000 ca.

Tình hình dịch tại Campuchia vẫn đáng ngại với 291 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn ở mức cao bất chấp thủ đô Phnom Penh đã bị phong toả.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang và khiên che mặt ở Manila. Ảnh: Reuters 

Campuchia ghi nhận nhiều ca mắc mới sau khi phong tỏa thủ đô

Tính đến chiều 17/4, Bộ Y tế Campuchia đã ghi nhận thêm 291 ca mắc COVID-19 mới, trong số này có 290 ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục phức tạp với tổng cộng 5.771 ca lây nhiễm (2.416 người đã bình phục) khi thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao bước sang ngày phong tỏa thứ ba. Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 16/4 cảnh báo có thể kéo dài lệnh phong tỏa tại hai khu vực trên và mở rộng ra một số tỉnh khác tại Campuchia.

Ông Hun Sen khẳng định nếu không có sự hợp tác của người dân, mục tiêu ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 sẽ khó có thể thực hiện. Người đứng đầu chính phủ tuyên bố những người dân đã bỏ về quê tại các tỉnh trong dịp Tết Chol Chhnam Thmey cổ truyền sẽ không được phép quay trở lại thủ đô trong thời gian phong tỏa (từ ngày 15-28/4).

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng Campuchia tăng cường thực hiện nghiêm lệnh phong tỏa tại đại lộ Preah Monivong, thủ đô Phnom Penh. 

Trước đó, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng thực thi những biện pháp nghiêm ngặt nhất để đảm bảo người dân ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao (tỉnh Kandal) phải ở trong nhà 14 ngày, từ 0h00 ngày 15/4 tới ngày 28/4, nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19. Thủ tướng Hun Sen nêu rõ: “Tôi ra lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao".

Người phát ngôn Bộ Tư pháp Campuchia Kim Santepheap khẳng định rằng bất kỳ cá nhân nào vi phạm các biện pháp phong tỏa sẽ nhận hình phạt thích đáng theo Luật phòng chống COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm.    

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Campuchia đang nỗ lực chống dịch COVID-19. Quốc gia Đông Nam Á đã tiêm chủng cho hơn 1 triệu người, và có kế hoạch tiêm vaccine cho khoảng 10 triệu trong hơn 16 triệu dân cả nước.Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong thông điệp đặc biệt phát đi tối 16/4, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã thông báo một sắc lệnh chặt chẽ hơn liên quan tới việc phong tỏa thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal nhằm khống chế sự lây lan của bệnh COVID-19.

Malaysia: Hàng trăm nhân viên y tế nhiễm COVID sau tiêm vaccine

Trang Straits Times dẫn nguồn giới chức Malaysia ngày 17/4 cho biết, 40 nhân viên y tế nước này được xác nhận mắc COVID-19 dù trước đó đã tiêm đầy đủ 2 liều vaccine. Ngoài ra, 142 nhân viên y tế khác nhiễm virus sau khi tiêm 1 liều vaccine.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Malaysia. Ảnh: Reuters 

Theo Tổng giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah, 40 nhân viên y tế nói trên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 dù đã được tiêm vaccine đủ liều. Trong số này, 9 trường hợp nhiễm virus hơn 2 tuần sau khi tiêm liều vaccine thứ hai và 31 trường hợp nhiễm bệnh không đầy 2 tuần sau khi được tiêm liều 2.

Trong bài đăng trên trang Facebook cá nhân ngày 17/4, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cũng cho biết, ngoài 40 nhân viên y tế kể trên, còn có 142 nhân viên y tế khác nhiễm bệnh sau khi tiêm liều vaccine đầu tiên. 

Diễn biến nói trên tại Malaysia được cho là không bất thường bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho biết, việc tiêm chủng bảo vệ các cá nhân khỏi mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

WHO cũng cho biết, trong 14 ngày đầu sau khi tiêm chủng, một cá nhân sẽ không có mức độ bảo vệ đáng kể trước khi khả năng miễn dịch tăng dần lên. "Với vaccine một liều, khả năng miễn dịch thường xảy ra sau 2 tuần kể từ khi tiêm chủng. Đối với vaccine hai liều, cả hai liều đều cần thiết để cung cấp mức độ miễn dịch cao nhất có thể", WHO khẳng định.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 28/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thông tin về việc tiêm chủng, Tiến sĩ Noor Hisham nói rằng không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn, đồng thời khuyến cáo mọi người tiếp tục tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa sức khỏe cộng đồng. “Mặc dù vaccine mang lại tia hy vọng trong cuộc chiến chống COVID-19, đừng lầm tưởng rằng chúng ta có thể nới lỏng tất cả các biện pháp y tế công cộng sau khi tiêm chủng", ông Noor Hisham cảnh báo.

Malaysia hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 của chương trình tiêm phòng COVID-19, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 dành cho đối tượng ưu tiên ở tuyến đầu. Giải đoạn 2, ưu tiên người cao tuổi, người có bệnh lý nền, sẽ bắt đầu từ ngày 19/4. Giải đoạn 3 bắt đầu từ tháng 5 dành cho những người nguy cơ thấp từ trên 18 tuổi.

Lào thêm các ca nhiễm mới

Chiều 17/4, Bộ Y tế Lào xác nhận nước này đã có thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 58 người, trong đó có 1 ca nhập cảnh bất hợp pháp. Đây là ca nhiễm thứ 3 liên quan tới hành vi nhập cảnh bất hợp pháp trong vòng 1 tuần qua tại Lào.
Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Lào cho biết cả 4 trường hợp nhiễm mới đều là lao động Lào trở về từ Thái Lan, trong đó các ca 55-56-57 đều là nhập cảnh hợp pháp và được cách ly ngay. Trong khi bệnh nhân số 58 là một trường hợp nhập cảnh trái phép. 

Đến thời điểm hiện tại, Lào vẫn chưa có trường hợp nào tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này đang có chiều hướng gia tăng tại Lào trong những ngày qua, trong bối cảnh các quốc gia láng giềng của Lào là Thái Lan và Campuchia đang có đợt bùng phát nghiêm trọng.

Ca nhiễm mới vượt ngưỡng 1.500/ngày, Thái Lan tăng cường chống dịch

Chú thích ảnh
Một nhà thi đấu được biến thành trung tâm xét nghiệm COVID ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Chính phủ Thái Lan đã quyết định áp dụng một loạt biện pháp nhằm chặn đứng đà lây lan của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh số lượng các ca nhiễm mới theo ngày đang gia tăng. Tuy nhiên, Thái Lan quyết định không áp đặt giới nghiêm ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước nhằm tránh gánh nặng và sự bất tiện cho người dân.

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesin Visanuyothin cho biết Bộ Y tế đã đề xuất đánh dấu các tỉnh bằng màu sắc và các biện pháp phải dựa trên mức độ của tình hình. Theo đó, vùng đỏ được kiểm soát tối đa sẽ bao gồm 18 tỉnh là Bangkok, Chiang Mai, Chonburi...  Trong khi đó, 59 tỉnh còn lại sẽ được xem xét xếp vào vùng da cam, tức là vùng kiểm soát. 

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 8/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài ra, các trường học và cơ sở giáo dục sẽ chỉ được phép dạy trực tuyến, các quán bar, cửa hàng massage, tiệm karaoke sẽ phải đóng cửa cho tới khi có thông báo tiếp theo và việc bán đồ uống có cồn tại các nhà hàng bị cấm. Tất cả những buổi tiệc hoặc tụ tập đông người đều phải hủy hoặc hoãn, trong khi những hoạt động liên quan đến hơn 50 người đều phải xin phép trước.

Các biện pháp nói trên được thực thi từ ngày 18/4 và có hiệu lực trong 14 ngày trước khi tình hình được đánh giá và các biện pháp mới được xem xét. Tuy nhiên, CCSA cho biết nếu đợt bùng phát tồi tệ hơn, tỉnh trưởng các tỉnh có thể đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn.

Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân tránh rời khỏi nhà và làm việc tại nhà càng nhiều càng tốt. Mặc dù giao thông liên tỉnh vẫn được phép, người dân được yêu cầu phải kiểm tra các biện pháp phòng dịch được áp dụng tại địa phương nơi họ đến.

Chú thích ảnh
 Người dân đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Thái Lan đã ghi nhận thêm 1.547 ca COVID-19, đưa tổng số các ca bệnh ở nước này từ trước tới nay lên 4o0.585 ca. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hàng trăm nhân viên y tế Malaysia nhiễm COVID sau khi tiêm vaccine
Hàng trăm nhân viên y tế Malaysia nhiễm COVID sau khi tiêm vaccine

40 nhân viên y tế Malaysia được xác nhận mắc COVID-19 dù trước đó đã tiêm đầy đủ 2 liều vaccine. Ngoài ra, 142 nhân viên y tế khác nhiễm virus sau khi tiêm 1 liều vaccine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN