Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.
Trước sự xuất hiện của biến thể virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện biến thể này cũng đã xuất hiện tại một số nước ASEAN như Campuchia hay Thái Lan.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này tiếp tục hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm xuống mức 1 con số.
Việt Nam ngày 15/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 15.500 ca mắc mới và 283 ca tử vong. Số ca tử vong trong ngày của Việt Nam cũng ở mức đứng đầu châu Á trong 24 giờ qua.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 15/12 ghi nhận thêm trên 3.300 ca bệnh mới và 29 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 8 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đã mở cửa lại đất nước, song sự xuất hiện của ca nhiễm Omicron đầu tiên đang khiến nhà chức trách nước này quan ngại.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào vẫn tăng cao mấy ngày qua, với trên 1.200 trường hợp trong ngày 15/12 và 6 ca tử vong. Singapore cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh và 3 ca tử vong vì COVID-19.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Campuchia đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tăng cường sau ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên
Campuchia cần thận trọng với các biện pháp phòng dịch COVID-19 hiện nay thay vì hoang mang dù đã phát hiện ca lây nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại nước này tối 14/12. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen trong ngày 15/12.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh việc sợ hãi thái quá sẽ dẫn đến đánh giá sai tình hình, và việc cần làm lúc này là cơ quan chức năng và người dân Campuchia tuân thủ chặt nguyên tắc “Ba phòng - Ba tránh” và Campuchia sẽ không áp dụng bất cứ biện pháp phong tỏa nào.
Trong bài phát biểu sáng 15/12, Thủ tướng Hun Sen cũng thông báo sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm tăng cường cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi trong tháng 1/2022. Theo ghi nhận của Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, Campuchia phát hiện 8 ca lây nhiễm mới COVID-19 theo kết quả xét nghiệm PCR và 3 ca tử vong (1 trong số này chưa tiêm vaccine).
Tổng số ca lây nhiễm cho đến ngày 15/12 tại Campuchia là 120.390, trong đó 116.746 ca đã bình phục và 2.995 người tử vong.
Theo nhiều chuyên gia, việc Campuchia phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến Omicron vào ngày 14/12 sẽ khiến quá trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nước này diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới đối với những người chưa tiêm, hoặc chưa tiêm đủ mũi. Ca mắc biến thể Omicron là một người phụ nữ mới trở về từ Ghana.
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tính đến cuối tháng 11/2021, Campuchia xếp thứ 4 trong tổng số 46 quốc gia và nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương đạt tỷ lệ tiêm chủng đủ liều cao nhất. Theo báo cáo này, Singapore và đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương là hai nước có tỷ lệ tiêm chủng đạt hơn 90% dân số. Xếp tiếp theo là Hàn Quốc, Campuchia và Brunei với khoảng 80% dân số.
Diễn biến dịch leo thang tại Lào
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.245 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 6 ca tử vong do COVID-19; trong đó chỉ có 2 ca là người nhập cảnh.
Thống kê của Bộ Y tế Lào cho hay tuy đã giảm 113 ca so với ngày trước đó, số ca mắc mới tại nước này vẫn mức 4 con số. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận số ca cộng đồng vẫn ở mức cao với 616 trường hợp trong một ngày tại 9 quận. Đáng chú ý, các ca tử vong do COVID-19 hôm nay tại Lào đều là người cao tuổi và có bệnh lý nền. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 93.061 ca, trong đó có 256 người tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu Ủy ban chuyên trách các cấp chỉ đạo thành phần có liên quan khẩn trương lập kế hoạch phân bổ và tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đến nhóm người cao tuổi, đặc biệt là người ở vùng nông thôn, vùng xâu vùng xa ít được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu; đồng thời phổ biến, tuyên truyền và vận động nhân dân và doanh nghiệp hiểu và góp phần thực hiện các biện pháp mà chính phủ và chính quyền địa phương ban hành thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong diễn biến liên quan khác, nhà chức trách tỉnh Nongkhai, Đông Bắc Thái Lan đang chuẩn bị mở lại cửa khẩu biên giới với Lào và đề xuất chương trình “Du lịch trong ngày” giữa hai bên, trong đó du khách đã tiêm đủ liều vaccine không phải cách ly. Theo đó, chính quyền tỉnh Nongkhai kỳ vọng Lào sẽ đồng ý với chương trình này trước khi cửa khẩu Hữu nghị Lào-Thái Lan số 1 được mở cửa trở lại vào thời gian tới.
Thái Lan cảnh báo gia tăng ca nhiễm biến thể Omicron sau dịp Giáng sinh và Năm mới
Cục Dịch vụ Y tế (DMS) của Thái Lan đang kêu gọi người dân nước này tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa COVID-19 do lo ngại khả năng gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron sau kỳ lễ Giáng sinh và đón Năm mới.
Truyền thông sở tại dẫn lời Cục trưởng DMS Somsak Akksilp ngày 14/12 nói rằng biến thể Omicron dường như lây lan nhanh hơn biến thể Delta. Nếu người dân có các triệu chứng nhẹ thì có thể được điều trị khi cách ly tại nhà và cách bảo vệ tốt nhất là tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19.
Thái Lan hiện đã xác nhận 11 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều là người đến từ nước ngoài. Theo ông Wasun Chantratita, người đứng đầu Trung tâm gene tại Bệnh viện Ramathibodi, Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) có thể sử dụng xét nghiệm RT-PCR để xác nhận bệnh nhân nhiễm biến thể Delta hay biến thể Omicron. Ngoài ra, Thái Lan cũng nên nhanh chóng tiêm liều vaccine tăng cường cho người dân.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết chính phủ nước này vẫn chưa quyết định có điều chỉnh các biện pháp phòng chống COVID-19 hay không sau ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron ở Anh, đồng thời hối thúc tất cả các khu vực phải tuân thủ những hướng dẫn phòng chống dịch bệnh.
Thái Lan sáng 15/12 ghi nhận 3.370 ca mắc mới và 29 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.178.276 ca, trong đó có 21.260 người không qua khỏi.