COVID-19 tại ASEAN hết 10/1: Toàn khối ghi nhận trên 59.000 ca bệnh; Philippines lập kỷ lục ca mắc mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 57.927 ca mắc mới COVID-19 và 390 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 15.313.358 trường hợp và 308.193 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Pasay, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tham quan đền Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/1, Philippines ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt và cao chưa từng thấy, dẫn đầu toàn khối với trên 33.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 14.000 ca mắc mới và 212 ca tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 10/1 ghi nhận thêm trên 7.900 ca bệnh mới và 13 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 15 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 120.000, số ca mắc mới trên 600 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 11 người.

Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Marikina, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục

Tình hình dịch COVID-19 tại Philippines đang tiếp tục nóng lên, với 33.169 ca mắc mới ghi nhận ngày 10/1 - mức cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 2.998.530 ca.

Theo Bộ Y tế Philippines, tỷ lệ số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tổng số người tiến hành xét nghiệm cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục 46%. Ngoài ra, thêm 145 ca tử vong vì dịch COVID-19 được báo cáo, đưa tổng số ca tử vong lên 52.293 ca. Kể từ ngày 8/1 vừa qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines liên tục chạm các mốc cao kỷ lục mới. Giới chức nước này cho rằng nguyên nhân do nhu cầu đi lại của người dân gia tăng trong dịp nghỉ lễ và tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch.

Trong khi đó, ông Vince Dizon - quan chức cấp cao thuộc lực lượng chuyên trách chống dịch của Chính phủ Philippines, cho biết nhu cầu xét nghiệm ở nước này đang tăng mạnh, gây sức ép lên các cơ sở xét nghiệm trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên y tế. Từ đầu dịch đến nay, Philippines đã tiến hành xét nghiệm hơn 24 triệu người trong tổng dân số 110 triệu người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Philippines đã chỉ đạo các bệnh viện tại vùng thủ đô Manila và khu vực lân cận tăng số giường bệnh và đảm bảo có sẵn các cơ sở điều trị tạm thời trong trường hợp bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng đột biến

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thái Lan phát miễn phí 1 triệu bộ xét nghiệm nhanh

Văn phòng Bảo hiểm Y tế quốc gia (NHSO) của Thái Lan đang khẩn trương phân phối miễn phí 1 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để đối phó với tình trạng gia tăng ca nhiễm Omicron - biến thể hiện chiếm hơn 30% số ca mắc mới COVID-19 ở nước này.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 10/1 đã chỉ thị các cơ quan y tế phát miễn phí các bộ dụng cụ tự xét nghiệm trên cả nước. Bộ trưởng Anutin cho biết các bộ xét nghiệm này sẽ được phân phối chủ yếu tại những cộng đồng đông dân cư, gần chợ và bến giao thông công cộng.

Thái Lan đến nay ghi nhận tổng cộng 5.397 ca nhiễm biến thể Omicron ở 72/77 tỉnh, thành. Hiện biến thể Omicron chiếm 35,17% số ca mắc COVID-19 ở nước này và biến thể Delta vẫn là biến thể chủ đạo. Tuy nhiên, theo Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA), giải trình tự DNA ngẫu nhiên cho thấy biến thể Omicron là nguyên nhân gây ra 70,3% số ca nhiễm ghi nhận từ ngày 2-8/1. Biến thể Delta chỉ chiếm 29,7% số ca mắc trong cùng thời kỳ. CCSA nhận xét sự gia tăng các ca nhiễm biến thể mới không phải là điều bất ngờ. 

Thái Lan ngày 10/1 ghi nhận 7.926 ca mắc mới COVID-19 cùng 13 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 2.277.476 ca, trong đó có 21.838 người không qua khỏi. Giới chức y tế Thái Lan cho biết các ca nhiễm chủ yếu đang tăng lên ở các tỉnh thí điểm mở cửa du lịch, trong khi rất nhiều ổ dịch bùng phát tại các quán ăn và liên quan đến tiệc mừng Năm mới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia cấp phép sử dụng 5 loại vaccine cho chương trình tiêm phòng tăng cường

Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã chính thức cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) các loại vaccine của các hãng Pfizer, Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh-Thụy Điển), Sinovac và vaccine Zifivax (của Trung Quốc) trong chương trình tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19.

Phát biểu họp báo ngày 10/1, Giám đốc BPOM, bà Penny K Lukito, cho biết các loại vaccine trên có thể được sử dụng để tiêm cùng loại hoặc tiêm kết hợp. Cụ thể, vaccine của Sinovac, Pfizer, AstraZeneca được sử dụng cho người đã tiêm các mũi cơ bản cùng loại trước đó. Vaccine của Moderna có thể sử dụng cho người đã tiêm hai mũi cơ bản cùng loại này hoặc tiêm kết hợp, trong khi vaccine Zifivax do công ty Dược phẩm sinh học Anui Zhifei Longcom của Trung Quốc sản xuất chỉ được sử dụng để tiêm kết hợp.

Indonesia dự kiến sẽ khởi động chương trình tiêm chủng tăng cường ngừa COVID-19 vào ngày 12/1 này. Theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, ít nhất 244 huyện/thành phố đáp ứng các tiêu chí để tham gia chương trình, cụ thể đạt tỷ lệ bao phủ vaccine mũi một đạt 70% và mũi hai đạt 60% Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chương trình này hiện chỉ hướng đến các đối tượng trên 18 tuổi và đã được tiêm vaccine mũi thứ hai ít nhất 6 tháng. Bộ Y tế cho biết 21 triệu người đáp ứng các tiêu chí này để được tiêm mũi thứ ba trong tháng 1.

Bộ Y tế Indonesia cũng đặt mục tiêu cung cấp vaccine tăng cường miễn phí cho 100 triệu người thông qua dịch vụ bảo hiểm y tế BPJS, trong khi 121 triệu người còn lại sẽ phải trả phí để được tiêm vaccine mũi thứ ba.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 9/1: Philippines lại có ca mắc cao chưa từng thấy; Campuchia chuẩn bị tiêm mũi 4
COVID-19 tại ASEAN hết 9/1: Philippines lại có ca mắc cao chưa từng thấy; Campuchia chuẩn bị tiêm mũi 4

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 9/1, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 58.171 ca mắc COVID-19 và 242 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 15.255.431 ca, trong đó 307.803 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN