Theo số liệu được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 23/8, ước tính có khoảng 155,2 triệu người ở các quốc gia châu Á, tương đương 3,9% dân số khu vực, sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ tính đến năm ngoái, nhiều hơn 67,8 triệu người so với mức dự tính trong trường hợp không xảy ra khủng hoảng về sức khỏe và chi phí sinh hoạt.
Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết: “Châu Á và Thái Bình Dương đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng cuộc khủng hoảng lạm phát đang cản trở tiến trình xóa đói giảm nghèo”.
Theo số liệu năm 2017, tình trạng nghèo cùng cực được định nghĩa là sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày (khoảng 50.000 đồng).
Lạm phát ở hầu hết các quốc gia đã tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm vào năm ngoái, do hoạt động kinh tế phục hồi và sự gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng.
Giá cả tăng ảnh hưởng đến tất cả mọi người nhưng những người nghèo hơn bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả vì họ phải chi nhiều hơn cho thực phẩm và nhiên liệu, khiến họ khó tiết kiệm tiền và chi trả cho những nhu cầu thiết yếu bao gồm chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Ông Park chỉ ra: “Bằng cách tăng cường mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo và thúc đẩy đầu tư, đổi mới nhằm tạo cơ hội tăng trưởng và việc làm, các chính phủ trong khu vực có thể đi đúng hướng”.
Trong một báo cáo tháng 7 của ADB, châu Á đang phát triển đang trên đà tăng trưởng 4,8% trong năm nay so với một năm trước đó, nhanh hơn mức tăng 4,2% của năm trước.
Tuy nhiên, trong khi các nền kinh tế ở châu Á đang phát triển được kỳ vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tình trạng nghèo đói thì ADB cho biết 30,3% dân số trong khu vực, tương đương khoảng 1,26 tỷ người, vẫn sẽ được coi là dễ bị tổn thương về mặt kinh tế vào năm 2030.