COVID-19 làm lu mờ Sáng kiến 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc

Nhiều dự án trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu đang bị ngưng trệ hoặc tiến độ rất chậm vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 suốt nửa năm qua.

Chú thích ảnh
Ngân hàng EXIM Trung Quốc đầu tư tuyến đường sắt Standard Gauge Railway tại Kenya. Ảnh: EPA-EFE

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Bắc Kinh muốn các dự án này nối lại hoạt động sau thời gian bị dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn, song giới quan sát nhận định phải mất vài tháng để điều đó trở thành hiện thực vì phần lớn các quốc gia vẫn còn đang chật vật khống chế sự lây lan của đại dịch.

Tuần trước, Chính phủ Trung Quốc tiết lộ 1/5 dự án “Vành đai, Con đường” bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch, trong khi 30-40% dự án “bị tác động một phần”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn tỏ tinh thần lạc quan, nhấn mạnh tác động của đại dịch lên các dự án là không quá lớn.

Trong cuộc họp Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường diễn ra tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Bắc Kinh “muốn thấy những dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến tái khởi động càng sớm càng tốt” nhằm “giúp các quốc gia duy trì việc làm và đóng góp cho sự ổn định kinh tế”.

Các quan chức Trung Quốc cho hay năm ngoái, 29 thỏa thuận hợp tác giữa các chính phủ được ký kết, đem tổng số hợp đồng trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của nước này lên con số 200. Cũng trong năm 2019, hoạt động trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc và các nước tham gia sáng kiến đạt 1.300 tỷ USD, trong khi số tiền đầu tư của Trung Quốc vào các nước tăng 15 tỷ USD. Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, bất chấp khủng hoảng COVID-19, giá trị hàng hóa trao đổi giữa Trung Quốc và các nước tăng 3,2% và đầu tư trực tiếp tăng 11,7% chỉ tính trong quý đầu năm nay.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia tại châu Phi và châu Á không đủ khả năng tiếp tục thực hiện những siêu dự án do Trung Quốc hỗ trợ, vì họ còn phải chật vật trả nợ. Tại Nigeria, dự án đường sắt 1,5 tỷ USD đang đối mặt với tình trạng trì hoãn vì dịch bệnh. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra đối với các dự án Trung Quốc đầu tư tại Zambia, Zimbabwe, Algeria và Ai Cập.

Các nước vay hàng tỷ USD từ Trung Quốc để xây các siêu dự án – bao gồm các tuyến đường sắt, cảng biển, đập, đường cao tốc – giờ đây phải "gõ cửa" Bắc Kinh, đề nghị nước này giãn nợ hoặc thậm chí là xóa nợ.

Chú thích ảnh
Dự án đưa TV về làng tại tỉnh Lusaka, Zambia là một phần trong Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Ảnh: THX

Tại một vài quốc gia châu Á như Malaysia, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Campuchia và Sri Lanka, các dự án mà Trung Quốc đầu tư cũng gần như “đóng băng”. Điển hình trong số này là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỷ USD hay Đặc khu kinh tế Sihanoukville của Campuchia.

Các nhà phân tích cho rằng trong tương lai các khu vực sẽ còn tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh liên quan tới việc triển khai các dự án trong “Vành đai, Con đường”.

Theo ông Bradley Parks – Giám đốc Điều hành AidData, phòng nghiên cứu tại Đại học William & Mary (bang Virginia, Mỹ), vì các hoạt động dự án “Vành đai, Con đường” cần lượng lớn công nhân nên trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, rất khó và nguy hiểm khi muốn tiếp tục công việc xây dựng.

Ông James Crabtree – Phó Giáo sư tại Viện Chính sách công Lee Kuan Yew (Singapore) – nhận định thời kỳ hoàng kim của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” có thể đã chấm dứt. “Đối mặt với nền kinh tế giảm sút hậu COVID-19, Trung Quốc không còn quá nhiều tiền cho những dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ tại châu Phi và các nước khác”, ông Crabtree giải thích.

Chuyên gia này chỉ ra Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sức ép chính trị từ hai mặt trận: một là các nước nghèo muốn xóa nợ, và hai là người dân trong nước không muốn chính phủ đầu tư ra nước ngoài, mà thay vào đó, có thể dùng nguồn tiền đó để khôi phục nền kinh tế nội địa.

Bên cạnh đó, các ngân hàng chính sách cho vay của Trung Quốc cũng tỏ vẻ ngần ngại và thận trọng hơn đối với các quốc gia châu Phi. Họ muốn thấy được lợi ích thương mại và tài chính từ những dự án trước khi xuất tiền.

“Đây thực sự là một bài kiểm tra thực sự cho những cam kết địa chính trị của Trung Quốc đối với châu lục”, Martyn Davies, Giám đốc quản lý thị trường mới nổi và châu Phi tại công ty kiểm toán Deloitte, kết luận.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Những quốc gia kẹt trong sáng kiến 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc
Những quốc gia kẹt trong sáng kiến 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc

Các nhà quan sát nhận định một số quốc gia đang kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến sáng kiến "Vành đai, Con đường".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN