Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 16.861.546 ca, trong đó có 661.840 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 10.430.538 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 66.626 và 5.763,833 ca đang điều trị tích cực.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (57.968 ca), Ấn Độ (49.622 ca) và Brazil (39.711 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong (1.028 ca), tiếp theo là Brazil (860 ca) và Ấn Độ (776 ca).
Nhiều người cho rằng virus SARS-CoV-2 khó phát triển vào mùa Hè, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng ngày 28/7 cho rằng sự lây lan của virus này dường như không bị ảnh hưởng bởi mùa nóng hay mùa lạnh và cảnh báo đây là những suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Người phát ngôn của WHO, bà Margaret Harris cho biết dường như sự lây lan của virus SARS-CoV-2 không bị ảnh hưởng bởi tính chất mùa khi một số quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hiện ở vào các mùa khác nhau trong năm. Điển hình như Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch bênh, đang trong mùa Hè, trong khi Brazil, quốc gia xếp thứ hai về số ca nhiễm và tử vong, lại đang trong mùa Đông.
Mỹ: Tổng thống Trump biến Kodak thành công ty dược phẩm
Ngày 28/7, Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông sẽ sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để biến hãng máy ảnh Kodak nổi tiếng thành một công ty dược phẩm. Ông gọi đây là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất trong lịch sử ngành dược phẩm Mỹ.
"Với thỏa thuận mới này, chính quyền của tôi đang sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để cung cấp khoản vay trị giá 765 triệu USD để hỗ trợ cho việc ra mắt hãng dược phẩm Kodak", CNN dẫn lời ông Trump trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày 28/7 (theo giờ địa phương).
Tổng thống Mỹ gọi đó là một "lĩnh vực khác biệt" với một công ty nổi tiếng về máy ảnh, nói rằng Kodak đang "thuê một số người giỏi nhất thế giới". "Đây là một bước đột phá trong việc đưa ngành sản xuất dược phẩm trở lại Mỹ", ông Trump tuyên bố.
Động thái này là lần thứ 33 Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) sau khi đối mặt với những chỉ trích vì không áp dụng đạo luật này sớm hơn nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.
Trong khi đó Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 với 4.491.378 ca nhiễm và 152.104 ca tử vong. Trong khi đó trên 2,1 triệu bệnh nhân tại Mỹ đã bình phục và xuất viện.
Italy đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp
Với 157 phiếu thuận, 125 phiếu chống và 3 phiếu trắng, ngày 28/7, Thượng viện Italy đã ủng hộ đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế đến ngày 15/10 nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19. Phát biểu trước Thượng viện, Thủ tướng Giuseppe Conte cho rằng việc kéo dài tình trạng khẩn cấp “là không thể tránh khỏi và hợp pháp”.
Tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 tại Italy kéo dài trong 6 tháng, từ ngày 31/1 - 31/7, tuy nhiên, Thủ tướng Conte cho rằng nếu tình trạng khẩn cấp không được gia hạn, quyền hạn của Cơ quan Bảo vệ dân sự, các cơ quan chuyên môn sẽ không được duy trì và Ủy ban khoa học kỹ thuật cũng sẽ ngừng hoạt động. Thủ tướng Conte khẳng định: “Với việc gia hạn tình trạng khẩn cấp, Italy sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, giúp Italy an toàn hơn, không chỉ vì lợi ích của người dân Italy mà cả người nước ngoài muốn tới thăm Italy”.
Theo kế hoạch, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 tại Italy sẽ tiếp tục được bỏ phiếu tại Hạ viện Italy trong ngày 29/7.
Tính đến ngày 28/7, Bộ Y tế Italy cho biết tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên đến 246.488 trường hợp, trong đó, ghi nhận 35.123 ca tử vong và 198.756 ca bình phục. Số ca nhập viện với các triệu chứng hiện là 749 trường hợp, trong đó 40 ca phải điều trị tích cực.
Trong khi đó Nga hiện có 261.722 người đang được giám sát y tế do nghi nhiễm hoặc nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong toàn bộ thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Nga đã thực hiện hơn 27,3 triệu xét nghiệm và hiện khoảng 185.000 xét nghiệm/ngày.
Trong ngày 28/7, Nga ghi nhận 5.395 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 823.515 trường hợp, trong đó có 13.504 ca tử vong.
Tại Đức, Viện Robert Koch (RKI) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của nước này, bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm gia tăng. Chỉ trong 7 ngày qua, Đức ghi nhận thêm trung bình 557 ca nhiễm mới/ngày, tăng so với 350 ca/ngày vào đầu tháng 6. Cho đến nay, Đức xác nhận 207.951 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 9.207 ca tử vong. Trong ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Đức cập nhật khuyến cáo về du lịch, trong đó đề nghị công dân nước này không đi du lịch tới 3 vùng ở miền Bắc Tây Ban Nha vốn đang chật vật đối phó với dịch bệnh bùng phát trở lại.
Để phòng dịch bệnh lây lan, chính quyền khu vực thủ đô Madrid của Tây Ban Nha thông báo sẽ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang toàn bộ thời gian trong ngày trong gói các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19. Gói biện pháp phòng ngừa này còn bao gồm quy định các quán rượu đóng cửa trước 1h sáng, các nhà hàng có không gian ngoài trời hạn chế số lượng khách có mặt đồng thời trong quán dưới 10 người, cấm các buổi tụ tập riêng từ 10 người trở lên. Ngoài ra, chính quyền Madrid cũng sẽ tăng cường kiểm tra y tế tại sân bay. Chính phủ Hy Lạp cũng thông báo từ ngày 29/7 sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng kín.
Anh cảnh báo nguy cơ làn sóng thứ hai
Tại Anh, ngày 28/7, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với một số lãnh đạo các tổ chức nghiệp đoàn và doanh nghiệp, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo về nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ xảy ra vào mùa Thu trong bối cảnh các công ty đang chuẩn bị kêu gọi nhân viên của mình trở lại làm việc tại công sở từ tháng 8.
Mặc dù cho rằng một đợt dịch mới sẽ trở lại sau mùa Hè, song ông Johnson vẫn trấn an các doanh nghiệp khi nói rằng làn sóng thứ hai sẽ không tồi tệ như lần đầu và nhấn mạnh chính phủ sẽ tìm mọi cách để tránh áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Johnson cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người lao động trở lại công ty làm việc. Ông bày tỏ hy vọng nước Anh sẽ hoạt động hoàn toàn bình thường trở lại vào mùa Xuân 2021.
Số ca mắc COVID-19 tại Anh đến nay đã lên tới 300.692 trường hợp, trong đó có 45.878 ca tử vong.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ngày 28/7 thông báo đã ghi nhận thêm 68 ca mới trong ngày 27/7, gồm 4 ca "ngoại nhập" và 64 ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số ca mới tăng cao. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, 57/64 ca lây nhiễm cộng đồng đã được xác nhận tại Khu tự trị Tân Cương (Xinjiang), 6 ca ở tỉnh Liêu Ninh và 1 ca ở thủ đô Bắc Kinh. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 83.959 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong. Do ổ dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh đã lan ra nhiều tỉnh khác, chính quyền địa phương phải áp đặt trở lại các hạn chế.
Cùng ngày 28/7, Ấn Độ ghi nhận thêm 49.622 ca mắc COVID-19 mới, con số cao thứ hai trên thế giới. Như vậy số ca bệnh tại nước này hiện là 1.532.125 ca, trong đó 34.224 người đã tử vong, tăng 776 ca trong 24 giờ qua.
Trong bối cảnh các ca "ngoại nhập" ở Hàn Quốc tăng đột biến, chính phủ nước này đã quyết định thúc đẩy sửa đổi luật, theo đó yêu cầu các bệnh nhân COVID-19 người nước ngoài tự trang trải chi phí điều trị. Cùng ngày 28/7, Hàn Quốc ghi nhận thêm 28 ca mới, trong đó có 23 ca "ngoại nhập", nâng tổng số ca tại nước này lên 14.203 ca. Số ca tử vong tại đây tăng thêm 1 ca lên 300 ca.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Indonesia. Số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy trong ngày 28/7, nước này phát hiện thêm 1.748 ca mới, nâng tổng số lên 102.051 ca, trong khi số ca tử vong tăng 63 ca lên 4.901 ca. Số ca mắc trong ngày ở quốc gia Đông Nam Á này hiện ở mức trên 1.500 ca. Trong khi đó, các khu vực có rủi ro lây nhiễm cao ngày càng gia tăng, tăng lên 53 khu vực tuần này so với 35 khu vực trong tuần trước đó. Tổng thống Joko Widodo cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này.
Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã cho phép nối lại các hoạt động thể chất và thể thao ở nơi công cộng và tại Sân vận động Olympic quốc gia của nước này. Trong thông báo ngày 28/7, Bộ Giáo dục, thanh niên và thể thao Campuchia cho biết: “Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Campuchia đã được kiểm soát và để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần người dân, Thủ tướng Hun Sen đã cho phép nối lại các hoạt động thể thao ở các quảng trường công cộng và Sân vận động Olympic quốc gia, ngoại trừ hoạt động tại các phòng tập gym và câu lạc bộ thể thao, nơi sử dụng chung các thiết bị.”
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết trong ngày 28/7 có thêm 1.678 ca mắc COVID, nâng tổng số ca lên 83.673. Thủ đô Manila chiếm số lượng ca nhiễm mới lớn nhất với 698 ca, tương đương 41% cả nước. Hiện tại Philippines có 55.109 bệnh nhân đã bình phục, chỉ chiếm 32% số ca bệnh.
Tại châu Phi, số ca nhiễm đang tiến tới mức 1 triệu ca, trong khi giới chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh sắp tới sẽ tồi tệ hơn tại “lục địa Đen” vốn đang chật vật vì hệ thống y tế yếu kém và nguồn lực kinh tế hạn hẹp. Theo hãng tin AFP (Pháp), tính đến ngày 28/7, các quốc gia châu Phi ghi nhận tổng cộng hơn 850.000 ca nhiễm và ít nhất 18.000 ca tử vong. Chuyên gia Mary Stephens tại Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi cảnh báo châu Phi chưa đạt đến đỉnh dịch, đồng thời lưu ý "tất cả các nước tại đây đang gặp rủi ro bởi hệ thống y tế khá yếu kém".
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iran thông báo đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 235 ca không qua khỏi. Theo đó, tổng số ca tử vong tại quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất Trung Đông này tăng lên 16.147 ca trong số 296.273 ca nhiễm. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran lưu ý tình hình dịch đáng lo ngại khi số ca nhập viện mỗi ngày đang tiến tới mốc ghi nhận vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 3 vừa qua.
Điểm nóng Nam Phi ghi nhận thêm 7.232 ca bệnh mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 459.761, hiện xếp thứ năm trên thế giới. Tuy nhiên con số tử vong tại nước này tương đối thấp, với 7.257 ca.
Trong cuộc đua tìm kiếm phương pháp chữa trị, vaccine mRNA-1273 tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2 do hãng dược phẩm Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ phát triển đã bắt đầu bước vào giai đoạn 3 thử nghiệm, trở thành loại vaccine đầu tiên của Mỹ đến bước thử nghiệm này.