Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên án vụ nổ súng là hành động "hèn hạ" và "đe dọa nền dân chủ". Ở nước láng giềng Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron gọi vụ ám sát là một "thảm kịch đối với nền dân chủ".
Từ Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng thế giới không nên dung túng cho các hành động bạo lực, đồng thời gửi lời chúc ông Trump nhanh chóng bình phục. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lên án vụ tấn công là "khoảnh khắc kinh hoàng không chỉ đối với Mỹ, mà còn đối với toàn bộ thế giới dân chủ".
Tại châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự cảm thông đối với ông Trump, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Bắc Kinh đang "theo dõi chặt chẽ" vụ việc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tố cáo vụ tấn công là hành động "bạo lực chính trị khủng khiếp". Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ phản đối các cuộc tấn công mang động cơ chính trị. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cũng lên án mọi hình thức bạo lực chính trị.
Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ sốc về vụ việc và gửi lời chúc ông Trump mau chóng bình phục. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cũng lên án vụ nổ súng, đồng thời kêu gọi nối lại các cuộc bầu cử ở Mỹ trong bầu không khí "yên bình và lành mạnh".
Tại châu Mỹ, các nhà lãnh đạo của Argentina, Brazil, Chile, Colombia và Boliva đồng loạt lên án vụ bạo lực.
Trước đó, ông Trump đã bị một viên đạn sượt qua tai khi đang tham gia sự kiện vận động tranh cử tại bang Pennsylvania hôm 13/7. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận nghi phạm là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, sống ở Bethel Park, Pennsylvania. Tên này đã bị các nhân viên mật vụ bắn hạ và chết ngay sau đó. Cảnh sát cũng đã tìm thấy một khẩu súng tiểu liên tại hiện trường. Hiện vẫn chưa rõ động cơ của Matthew khi tiến hành vụ nổ súng.
Hiện sức khỏe của ông Trump đã ổn định. Trên mạng xã hội X, nghị sĩ đảng Cộng hòa Dan Meuser cho biết ông Trump đã rời thành phố Butler và lên đường tới Bedminster, bang New Jersey sau vụ nổ súng.