Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli ngày 26/7 đã kêu gọi Tunisia giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thông qua đối thoại và trật tự. Ông cho rằng tất cả hành động chính trị nên đặt trọng tâm vào cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 và lợi ích của người dân.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, hai bên đã thảo luận về những diễn biến đáng lo ngại gần đây ở Tunisia, đồng thời tái khẳng định cam kết chung là hành động vì sự ổn định chính trị và kinh tế của quốc gia Bắc Phi này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, lãnh đạo Liên đoàn Arab (AL) và Ngoại trưởng Mỹ ngày 26/7 cũng đã tiến hành điện đàm với giới chức Tunisia nhằm thảo luận về tình hình quốc gia Bắc Phi này. Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit với Ngoại trưởng Tunisia Othman Jerandi, ông Aboul-Gheit khẳng định ủng hộ người dân Tunisia, bày tỏ hy vọng quốc gia này sẽ sớm khôi phục an ninh và ổn định.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã điện đàm với Tổng thống Tunisia Kais Saied, trong đó quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ kêu gọi ông Saied duy trì đối thoại cởi mở với tất cả các nhân vật chính trị và người dân Tunisia để giải quyết tình hình. Ông Blinken cũng nhấn mạnh Mỹ cam kết hỗ trợ kinh tế Tunisia và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này.
Trong khi đó, ngày 26/7, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã điện đàm với người đồng cấp Tunisia, ông Kais Saied, để thảo luận về tình hình ở Tunisia. Hãng thông tấn nhà nước Algeria (APS) dẫn tuyên bố của Phủ Tổng thống Algeria cho biết trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận các diễn biến hiện nay tại Tunisia cũng như đề cập đến triển vọng về mối quan hệ giữa Algeria và Tunisia, các cách thức để tăng cường sự đoàn kết giữa hai nước.
Kể từ tháng 1/2021, Tunisia đã rơi vào bế tắc chính trị trong bối cảnh bất đồng giữa Tổng thống Saied và Thủ tướng Hisham al-Mashishi về một cuộc cải tổ chính phủ. Đất nước này cũng đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, trong khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh giữa lúc có cảnh báo về khả năng sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế.
Mới đây nhất, Tổng thống Saied ngày 25/7 đã giải tán chính phủ của Thủ tướng Mechichi và đình chỉ hoạt động của Quốc hội. Động thái này được cho là đã khiến tình hình leo thang thành cuộc khủng hoảng chính trị khi có nhiều người dân quốc gia Bắc Phi đổ ra đường bày tỏ sự ủng hộ, trong khi những người phản đối đã gọi đây là một cuộc đảo chính. Một ngày sau đó, Tổng thống Saied đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Ibrahim Bartaji và quyền Bộ trưởng Tư pháp Hasna Ben Slimane nước này.