Màn đấu khẩu gay gắt
Kênh BBC đưa tin Bắc Kinh vừa giành được giấy chứng nhận của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) cho cách muối dưa pao cai. Tờ Global Times của nước này đưa tin về thành tích trên là “một tiêu chuẩn quốc tế dành cho lĩnh vực kimchi do Trung Quốc dẫn đầu”.
Ngay lập tức, truyền thông Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối tuyên bố trên, đồng thời cáo buộc nước láng giềng cố tình biến kimchi trở thành một dạng pao cai của Trung Quốc. Các cư dân mạng Xứ Kimchi cũng nhanh chóng phản ứng, bảo vệ món dưa cải thảo muối truyền thống của họ.
Không gian mạng xã hội đã biến thành một trận khẩu chiến giữa người dân hai nước.
“Hoàn toàn vô lý. Đó là đánh cắp văn hóa”, một cư dân mạng viết trên trang Naver.com – cổng thông tin phổ biến rộng rãi ở Hàn Quốc.
“Tôi đọc một mẩu tin trên truyền thông viết rằng Trung Quốc giờ đây còn nhận kimchi là của họ, và họ đang giành tiêu chuẩn quốc tế cho nó. Thật lố bịch. Tôi e họ còn có thể đánh cắp Hanbok cũng các nét văn hóa khác, chẳng riêng gì kimchi”, Kim Seol-ha, 28 tuổi, sống tại Seoul chia sẻ.
Một số kênh truyền thông Hàn Quốc thậm chí còn miêu tả động thái trên là “tham vọng thống trị thế giới” của Trung Quốc. Trong khi đó, các bình luận trên mạng xã hội khác lại bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh đang thực hiện “áp bức kinh tế”.
Còn trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, cộng đồng mạng đang khẳng định kimchi là món ăn truyền thống của đất nước họ, do đa số kimchi được tiêu thụ tại Hàn Quốc hiện nay là do Trung Quốc muối.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc ngày 29/11 đã ra tuyên bố chủ yếu để khẳng định rằng tiêu chuẩn do ISO vừa công nhận không áp dụng với kimchi. “Hành động đưa tin (về việc pao cai giành ISO) mà không phân biệt rõ kimchi với pao cai của Tứ Xuyên là không phù hợp”, thông báo trên viết.
Hồi đầu tháng 11, ISO đã công bố các quy tắc mới cho việc phát triển, vận chuyển và bảo quản pao cai. Giới chức tỉnh Tứ Xuyên, nơi sản xuất nhiều pao cai nhất Trung Quốc, đã cố gắng vận động hành lang để giành chứng nhận. Mặc dù danh sách của ISO nêu rõ rằng “văn bản này không áp dụng với kimchi” nhưng một số hãng truyền thông của Trung Quốc lại đề xuất khác.
Tranh giành món kimchi
Có nhiều dạng kimchi. Đây là món dưa muối chua cay chủ yếu làm từ cải thảo. Theo hãng tin Reuters, người dân Trung Quốc vẫn thường xuyên ăn kimchi dưới tên gọi pao cai. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có một món dưa muối riêng cũng mang tên pao cai.
Theo truyền thống, để làm món kimchi, cần rửa các loại rau thật sạch rồi ướp muối. Sau đó thêm các loại gia vị rồi cho hỗn hợp trên vào trong chum chôn xuống đất.
Ngày hội muối kimchi của người dân Hàn Quốc hàng năm đã được tổ chức văn hóa UNESCO của Liên hợp quốc xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Do nhu cầu tiêu thụ cao, Hàn Quốc đã nhập khẩu số lượng lớn kimchi từ Trung Quốc. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu kimchi từ Hàn Quốc sang Trung Quốc lại không tồn tại do những quy định chặt chẽ từ phía Bắc Kinh đối với các mặt hàng muối chua.
Món ăn dân dã này đã biến thành tâm điểm của các vụ tranh cãi ngoại giao vào những năm gần đây. Việc mã hóa quốc tế công thức kimchi đã được tiến hành năm 2001 sau khi Seoul dính vào vụ tranh cãi với nước láng giềng thích ăn dưa chua khác là Nhật Bản.
“Trận chiến kimchi” giữa hai quốc gia này nổ ra năm 1996 chủ yếu về tiêu chuẩn chế biến kimchi. Năm đó, Nhật Bản muốn đưa món kimchi do nước này tự gia giảm thành một món ăn chính thức tại Thế vận hội Olympic Atlantic song phía Seoul không đồng ý. Các nhà sản xuất ở Hàn Quốc cho rằng kimchi của Nhật Bản hoàn toàn khác biệt bản gốc, là kém chất lượng vì họ bỏ qua quá trình ủ lên men và thay thế bằng chất phụ gia để tạo hương vị. Trong khi đó, phía Tokyo lại tranh luận rằng họ chỉ điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với khẩu vị người địa phương.
Năm 2000, Seoul đã vận động Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định kimchi là món dưa cải thảo muối theo cách truyền thống của Hàn Quốc. Năm 2001, cơ quan trên ra tuyên bố xác định kimchi là “một món ăn lên men sử dụng cải thảo muối là nguyên liệu chính, kết hợp với gia vị, và được trải qua quá trình sản xuất axit lactic ở nhiệt độ thấp”, song không hề nêu rõ định lượng lên men tối thiểu cũng như cấm sử dụng chất phụ gia.