Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN cùng đối phó thách thức

Sự kiện Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính được thành lập từ ngày 31/12/2015 là bước đột phá đánh dấu sự lớn mạnh của ASEAN, đồng thời giúp nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức khu vực gồm 10 thành viên này trên trường quốc tế.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, dự Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 38 về vấn đề ma túy. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong giai đoạn phát triển mới của ASEAN sau 50 năm thành lập, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) đang khẳng định là một trụ cột quan trọng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ASEAN về tăng cường hợp tác chính trị - an ninh, hướng tới mục tiêu để các quốc gia khu vực sống hòa bình trong một môi trường bình đẳng, dân chủ và hòa hợp.

Được coi là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, sau hơn 1 năm rưỡi đi vào hoạt động, APSC đang dần thể hiện vai trò trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, xuất hiện những nhân tố bất ổn tác động tới tình hình chính trị và môi trường an ninh ở Đông Nam Á. Một loạt biến đổi trên chính trường các nước ASEAN sau bầu cử dẫn tới những thay đổi về chính sách an ninh. 

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2016 cùng với quan điểm chưa rõ ràng của ông Donald Trump đối với chính sách “tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” gây không ít quan ngại cho các nước Đông Nam Á. Tình hình an ninh bất ổn tại nhiều nơi trên thế giới cùng sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ảnh hưởng tới nhiều nước ASEAN … Trong khi đó, với vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược quan trọng và là một trung tâm phát triển năng động, Đông Nam Á đang trở thành khu vực cạnh tranh ảnh hưởng giữa một số nước lớn, nhất là khi cán cân quyền lực trong khu vực có sự thay đổi nhanh chóng.

Hơn 1 năm qua, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp. Hiểm họa khủng bố và cực đoan, vốn đã đe dọa khu vực nhiều năm qua, nay trở thành thách thức nghiêm trọng nhất của ASEAN khi khu vực này đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn hoạt động mới của IS. Hàng trăm chiến binh IS từ Đông Nam Á chiến đấu tại Syria và Iraq đã hồi hương, liên kết với các nhóm khủng bố địa phương; một loạt cuộc tấn công của các đối tượng khủng bố ở Indonesia và Malaysia, đặc biệt là hành động chiếm giữ thành phố Malawi, miền Nam Philippines, cho thấy IS đang từng bước thực hiện ý đồ thành lập một “tiền đồn” ở Đông Nam Á. Điều này tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đe dọa lợi ích và an ninh quốc gia của mỗi nước cũng như sự ổn định của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, những thách thức phi truyền thống ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng như hiện nay, như tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.. đang đặt ra nhiều sức ép lên Cộng đồng ASEAN nói chung cũng như APSC.

Tuy nhiên, phải khẳng định sự ra đời của APSC với nguyên tắc hoạt động “tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc” của tất cả các quốc gia thành viên, đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác chính trị - an ninh giữa các nước ASEAN với nhau cũng như giữa ASEAN với các đối tác trở nên hiệu quả và thực chất hơn. APSC trở thành trụ cột để các nước thành viên bày tỏ lập trường, cùng thảo luận để tìm tiếng nói chung, thống nhất cách thức giải quyết các xung đột về chính trị và các thách thức an ninh. 

Thông qua củng cố các cơ chế và công cụ sẵn có về hợp tác chính trị - an ninh, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), các hội nghị cấp cao, cấp ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng ASEAN...; hay xây dựng và chia sẻ những chuẩn mực ứng xử chung, như Tuyên bố về Khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)..., các nước ASEAN đã đạt được những nhận thức về an ninh toàn diện (bao gồm cả các mối đe dọa quân sự, phi quân sự, an ninh truyền thống và phi truyền thống). APSC còn tạo ra nền tảng và khuôn khổ vững chắc giúp các nước thành viên thúc đẩy lòng tin, sự hiểu biết, đoàn kết thống nhất, cũng như nâng tầm hợp tác khu vực để xử lý các thách thức chính trị - an ninh. Bên cạnh đó, APSC là cơ chế để ASEAN mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là với các đối tác lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu...). Riêng trong năm 2016, APSC tiếp tục có những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hợp tác với bên ngoài, khi Chile, Ai Cập và Maroc tham gia TAC, nâng số thành viên của TAC lên 35; đồng thời trao quy chế đối thoại mới cho Đức và Na Uy.

Tiến trình thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và chia sẻ các quy tắc ứng xử chung trong khuôn khổ APSC đã góp phần tích cực đẩy lùi các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh của  mỗi quốc gia cũng như của toàn ASEAN, qua đó duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột trong khu vực. Nhờ các cơ chế của APSC, các nước ASEAN đang tập trung triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến duy trì an ninh biển, tự do hàng hải, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Việc 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua đạt được sự đồng thuận về khung dự thảo cho Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để trình lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc vào tháng 8 xem xét thông qua, được coi là bước tiến tích cực hướng tới giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, qua đó cũng phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy khía cạnh ngoại giao khu vực đối với vấn đề căng thẳng này. Các nước ASEAN cũng hội nhập sâu hơn trong hợp tác an ninh chống khủng bố, thông qua triển khai những chiến dịch chung đầu tiên nhằm ứng phó mối đe dọa từ IS ngày càng gia tăng trong khu vực, như lên kế hoạch tuần tra chung trên biển và trên không, hay triển khai hợp tác với Mỹ chống IS ở Đông Nam Á

Những kết quả đáng kể của hơn 1 năm thực hiện APSC cũng đang khiến vị thế và uy tín của ASEAN ngày càng được nâng cao, vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chính trị - an ninh khu vực tiếp tục được khẳng định, tạo cơ hội để ASEAN điều chỉnh mối quan hệ với các đối tác lớn. Ngay sau khi Cộng đồng ASEAN được thành lập, liên tiếp các hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa ASEAN với một số đối tác đối thoại lớn được tổ chức như Mỹ (tháng 2/2016) hay Nga (tháng 5/2016) chẳng những cho thấy tầm quan trọng của ASEAN ngày càng lớn, mà còn mở ra cơ hội để ASEAN tập hợp lực lượng đa dạng và rộng lớn hơn trong các cơ chế chính trị - an ninh khu vực mà ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Không dừng ở đó, Cộng đồng ASEAN còn thể hiện tiếng nói mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn trong nhiều vấn đề chung của quốc tế, như chống khủng bố, ứng phó biến đổi khí hậu....

Cũng phải thừa nhận việc xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung và triển khai APSC nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bản thân việc 10 nước ASEAN với những sự khác biệt về thể chế chính trị, pháp luật, tôn giáo, sắc tộc, văn hóa, trình độ phát triển…cũng dẫn tới những khác biệt về nhận thức và ứng xử. 

Điều này khiến việc gắn kết và đồng nhất chính sách an ninh - chính trị của các nước không hề dễ dàng. Các chuẩn mực chưa vững chắc, thiếu sức mạnh nội lực khiến nội bộ ASEAN dễ bị phân hóa, phần nào thách thức vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, bởi vai trò này không thể được duy trì nếu không có sự đoàn kết và thống nhất. Các lợi ích đan xen có thể là yếu tố tích cực khi các bên muốn hướng tới mục tiêu chung, song cũng là trở lực không nhỏ ngăn cản các nước ASEAN tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quan trọng. Việc các nước lớn đang không ngừng tăng cường sự hiện diện, tranh giành lợi ích, ảnh hưởng chiến lược của mình ở khu vực Đông Nam Á cũng tác động đáng kể tới các khía cạnh an ninh chính trị của ASEAN.

Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra nhiều thách thức “xuyên biên giới” không dễ đối phó, vấn đề hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải là ưu tiên của ASEAN trong năm 2017. Điều đó đòi hỏi Cộng đồng ASEAN phải hoàn thiện hơn nữa APSC để trụ cột này trở thành nơi các nước thể hiện trách nhiệm tập thể cùng hợp tác đối phó với những thách thức, bảo đảm môi trường an ninh - chính trị ổn định vì sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Thanh Mai (TTXVN)
50 năm ASEAN: Tiến bước vững vàng vì 'Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia'
50 năm ASEAN: Tiến bước vững vàng vì 'Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia'

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1967-2017), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: "Tiến bước vững vàng vì “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN