'Cơn sốt' cà phê cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Hàn Quốc

Xu hướng uống cà phê của người Hàn Quốc đang dần trở nên phổ biến khi ngày càng có nhiều quán cà phê xuất hiện trên các con phố. Đối với người dân “xứ sở kim chi”, ngồi nhâm nhi một ly cà phê thơm nồng trong một không gian sang trọng luôn mang lại cảm giác thư giãn, dễ chịu.

Chú thích ảnh
Quán cà phê Starbucks ở thành phố Paju, phía Bắc Seoul, đã tạm thời đóng cửa do có nhiều khách nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Yonhap

Tuy nhiên, “cơn sốt” cà phê tại quốc gia này đang cản trở cuộc chiến chống dịch khi ngày càng có nhiều quán cà phê trở thành điểm nóng COVID-19.

Theo hãng thông tấn Yonhap, Hàn Quốc đang chuẩn bị đối phó với đợt tái bùng phát dịch COVID-19 mới trên toàn quốc sau khi ghi nhận hơn 1.500 ca mắc mới chỉ trong tuần qua. Các ổ dịch đã được ghi nhận tại nhiều cơ sở khác nhau, như nhà thờ và các quán cà phê tại khu vực thủ đô Seoul.

Tính đến ngày 20/8, đã có 55 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến một quán cà phê Starbucks ở thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi, phía bắc Seoul. Đầu tháng này, cơ quan y tế cũng đã xác định hơn 15 trường hợp nhiễm virus do đến quán cà phê Hollys tại phường Gangnam, phía Nam Seoul.

Đặc biệt hơn, việc tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19 trong môi trường kín và nhiệt độ điều hòa tại các quán cà phê có thể gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Tại quán cà phê Starbucks ở Paju, các chuyên gia y tế nghi ngờ điều hòa có thể khiến virus SARS-CoV-2 lây nhiễm mạnh hơn. Theo các quan chức thành phố, một bệnh nhân mắc COVID-19 ngồi gần máy điều hòa không khí trên tầng 2 của quán cà phê này, có thể đã lây nhiễm cho những người khác.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Jeong Eun- cho biết nhiều khách hàng không đeo khẩu trang và dường như các quán cà phê không trang bị hệ thống thông gió thích hợp khi bật điều hòa trong thời tiết nồm ẩm, cũng là một trong nguyên nhân khiến virus dễ dàng lây lan.

Chú thích ảnh
Khách hàng uống cà phê tại một cửa hàng ở Seoul. Ảnh: Yonhap

Sau khi xuất hiện các trường hợp mắc mới, Chính phủ Hàn Quốc hôm 18/8 tuyên bố sẽ thực thi đầy đủ các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2 để phòng dịch COVID-19. Các biện pháp bao gồm đóng cửa các cơ sở có nguy cơ lây lan virus, như các hộp đêm, quán cà phê internet và các nhà hàng buffet. Tuy nhiên, các quán cà phê và nhà hàng thông thường không nằm trong danh sách các cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao.

“Mọi người cần phải thận trọng khi đến các quán cà phê. Người dân phải tuân theo các chỉ dẫn vệ sinh cá nhân, chẳng hạn như đeo khẩu trang và rửa tay”, ông Choi Won-suk, giáo sư Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Ansan, Đại học Hàn Quốc, cho biết.

Đối với người Hàn Quốc, uống cà phê đã dần trở thành một thói quen hàng ngày, khi hầu hết các con phố xuất hiện những quán cà phê. Theo một báo cáo năm 2018 từ Viện nghiên cứu Hyundai, trung bình mỗi năm, một người Hàn Quốc uống tổng cộng 353 cốc cà phê, nhiều hơn gần ba lần so với mức trung bình toàn cầu, với 132 cốc cà phê.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 93.000 cửa hàng cà phê, theo dữ liệu từ Dịch vụ Doanh nghiệp Nhỏ và Thị trường, một đơn vị thuộc Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc. Trong số đó, khu vực Seoul có hơn 42.600 quán cà phê.

Các chuyên gia cho rằng nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 tại các quán cà phê có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Hầu hết, những quán này được thiết kế nội thất bằng kính, gây khó khăn cho việc thông gió, khách hàng phải sử dụng dịch vụ trong một không gian chật hẹp.

Đặc biệt, với thời tiết nắng nóng và nồm ẩm kéo dài trên khắp Hàn Quốc trong những ngày này, nhiều người dân thường thích đến các quán cà phê kín có điều hòa hơn là các quán không gian mở ngoài trời.

Chú thích ảnh
Quán cà phê Starbucks ở Seoul thực hiện giãn cách xã hội hôm 18/8. Ảnh: Yonhap 

Đầu tháng 8, các quan chức y tế đã ban hành hướng dẫn phòng dịch COVID-19 dành riêng cho các quán cà phê. Trong đó, các quy định cơ bản khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang mọi lúc, chỉ bỏ ra khi uống cà phê. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng cho biết những biện pháp này không phù hợp với thực tế bên trong các cửa hàng.

“Tại các quán cà phê, rất khó thực hiện giãn cách những người uống cà phê và trò chuyện với nhau. Thật khó để khẳng định rằng điều này có vi phạm các hướng dẫn phòng dịch hay không”, một chủ quán cà phê ở phía nam Seoul, cho biết.

Trong nỗ lực tham gia cuộc chiến chống virus, các thương hiệu cà phê lớn cũng đã hành động nhanh chóng. Họ đã giảm số lượng bàn và ghế ngồi tại cửa hàng khiến khoảng cách giữa các khách hàng được nới rộng. Tuy nhiên, những biện pháp như vậy lại trở thành gánh nặng đối với các chủ quán cà phê nhỏ, vì điều đó có thể làm giảm doanh thu của họ.

“Các quán cà phê lớn có thể không gặp vấn đề gì lớn nếu họ giảm bớt chỗ ngồi. Tuy nhiên, đối với những quán cà phê quy mô nhỏ thì rất khó thực hiện. Nếu chính phủ có kế hoạch thực thi các biện pháp giãn cách xã hội đối với các quán cà phê, thì họ cũng nên xem xét cách thức có thể bù lỗ cho các cửa hàng này”, cô Kang Sung-jin, giáo sư kinh tế tại Đại học Hàn Quốc, cho biết.

Ngày 20/8 đánh dấu ngày thứ 7 liên tiếp số ca nhiễm mới COVID-19 tăng ở mức 3 con số trong bối cảnh số ca lây nhiễm liên quan tới các nhà thờ ở vùng đô thị Seoul tiếp tục tăng. Trong ngày, nước này ghi nhận 288 ca mắc mới, trong đó có 276 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân lên 16.346 ca. Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo tuần này sẽ là tuần then chốt quyết định liệu nước này có phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới hay không. Hiện Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 307 ca tử vong vì dịch bệnh, tỷ lệ tử vong là 1,88%.

“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”

Link tải về ứng dụng Bluezone: trên Android; trên iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone tại đây
Hải Vân/Báo Tin tức
Hàn Quốc truy cứu trách nhiệm người cản trở công tác phòng dịch COVID-19
Hàn Quốc truy cứu trách nhiệm người cản trở công tác phòng dịch COVID-19

Ngày 19/8, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun tuyên bố chính phủ nước này sẽ nghiêm khắc truy cứu trách nhiệm đối với bất kỳ trường hợp nào cản trở việc xét nghiệm chẩn đoán và điều tra dịch tễ của cơ quan phòng dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN